Siết chỉ tiêu tuyển sinh: Qua thời 'ăn xổi, ở thì'
Theo các chuyên gia, quy định trong Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều về xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học và ngành đào tạo giáo viên là phù hợp với thực tiễn và hướng đến mục tiêu bảo đảm chất lượng.
Công khai, minh bạch
GS.TS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường Quản lý và Công nghệ Hải Phòng chia sẻ: Các quy định của Thông tư trên phù hợp với công tác tuyển sinh của trường ĐH. Bên cạnh quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí, Thông tư cũng đưa ra những hướng dẫn cụ thể, chi tiết để các cơ sở giáo dục đại họctriển khai thực hiện và không phải vất vả “mò mẫm”.
“Chẳng hạn, quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học hệ chính quy rất tường minh, trong đó có nêu: Đối với cơ sở giáo dục đại học đáp ứng điều kiện thực hiện quyền tự chủ theo quy định tại Khoản 2, Điều 32 của Luật Giáo dục đại học: Tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm trước liền kề đạt từ 90% trở lên; trong 5 năm trước liền kề năm tuyển sinh, không vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh. Quy định này cho thấy, các trường sẽ phải chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội” - GS.TS Trần Hữu Nghị chia sẻ.
Theo GS.TS Trần Hữu Nghị, những quy định này không ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển sinh của các trường và phản ánh đúng tinh thần: Cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để đóng góp cho xã hội. Nói cách khác, các trường sẽ không được đào tạo tràn lan, không được kiểm định chất lượng. Các trường sẽ phải hướng đến quy chuẩn, trường nào không đáp ứng được yêu cầu thì kiên quyết không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước liền kề. “Chúng ta phải xác định, mục tiêu số một là chất lượng đào tạo, có như vậy mới đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội” - GS.TS Trần Hữu Nghị nhấn mạnh.
Ảnh: Minh họa
Ngành có chương trình chưa được kiểm định: Tăng không quá 10% chỉ tiêu
Cho rằng, quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học và ngành đào tạo giáo viên mà Bộ GD&ĐT mới ban hành là hợp tình, hợp lý, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) trao đổi: Các quy định lần này làm rõ hơn về mặt chất lượng đào tạo, giúp cho việc quản lý Nhà nước tốt hơn. Riêng với các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng điều kiện thực hiện quyền tự chủ phải có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội. Nói cách khác, các trường sẽ thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm và không thể “ăn xổi, ở thì”.
Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, các trường ĐH cần công bố công khai tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm để xã hội giám sát. Khi thực hiện cơ chế tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học phải có nghị quyết thông qua chủ trương xác định chỉ tiêu tuyển sinh của hội đồng trường thì mới được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Ngoài ra, các trường phải cam kết về chất lượng của chương trình đào tạo và nhu cầu xã hội, phù hợp với quy định của pháp luật.
“Tôi tán thành quy định, ngành đào tạo chưa có chương trình được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định hiện hành chỉ được tăng chỉ tiêu không quá 10% so với năm trước liền kề và ngành đào tạo có chương trình đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định hiện hành được xác định chỉ tiêu theo quy định; Công bố công khai trong đề án tuyển sinh và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan có thẩm quyền” – PGS.TS Bùi Đức Triệu trao đổi, đồng thời nhấn mạnh: Kiên quyết không cho các cơ sở giáo dục đại học tăng chỉ tiêu so với năm trước liền kề nếu không bảo đảm các quy định nêu trên.