Siết chuyển nhượng nhà, đất trong dự án

Theo Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18-12-2020 của Chính phủ, các doanh nghiệp (DN) đầu tư dự án kinh doanh nhà ở phải hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đi kèm là đường giao thông, hệ thống điện, cấp nước, trạm xử lý nước thải, trường học, trạm y tế theo quy hoạch chi tiết 1/500 mới đủ điều kiện chuyển nhượng nhà, đất thuộc dự án. Quy định này đã khiến nhiều DN đang triển khai các dự án bất động sản về nhà ở than khó, vì sẽ tốn thêm một khoản chi phí không nhỏ để đầu tư hạ tầng xã hội. Trong khi nhu cầu thực tế của nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị chưa cần thiết phải xây dựng trường học, trạm y tế…, bởi ngay gần kề dự án đã có trường học, trạm y tế. Bên cạnh đó, nhiều dự bất động sản, người mua chỉ nhằm mục đích 'lướt sóng' kiếm lời, không có nhu cầu ở nên không cần hạ tầng xã hội.

Thực tế, Nghị định số 148 đã đảm bảo quyền lợi cho người mua đất, mua nhà thuộc dự án, tránh tình trạng không ít chủ đầu tư chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đã bán đất, nhà. Sau khi bán xong nhà (đất), chủ đầu tư chần chừ, kéo dài thời gian mà không chịu hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khiến người mua nhà (đất) có nhu cầu ở thật sẽ gặp trở ngại, vì nơi ở mới không đảm bảo các điều kiện về điện, đường, trường, trạm… Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người mua nhà (đất) mà chính quyền địa phương cũng sẽ phải giải quyết hàng loạt tồn tại. Cụ thể, nhiều người dân khi thấy DN đầu tư dự án không thực hiện đúng tiến độ như đã hứa đã gửi đơn khiếu nại, kiện tập thể đến các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản tại Đồng Nai đã “lách” các quy định của nhà nước để bán sản phẩm khi chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật thông qua hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng nguyên tắc… Chủ đầu tư thường đưa ra các chương trình khuyến mãi lớn để hấp dẫn người mua. Vì thế, rất nhiều người dù biết rủi ro vẫn chọn mua nhà, đất theo các hợp đồng trên. Khi chủ đầu tư gặp các khó khăn về pháp lý, vốn…, dự án bị ách tắc kéo dài thì người mua nhà mới tìm đến cơ quan chức năng nhờ xử lý, đòi lại quyền lợi cho mình. Việc siết chặt việc chuyển nhượng nhà, đất trong dự án sẽ hạn chế tình trạng DN làm ăn kiểu chụp giật, song cũng sẽ ảnh hưởng đến những dự án chưa có nhu cầu về hạ tầng xã hội.

Theo đó, Đồng Nai đã đề xuất giải pháp linh hoạt, những dự án chưa có nhu cầu về hạ tầng xã hội thì cho DN được ký quỹ. Như vậy, khi dự án có nhu cầu, DN không đầu tư trường học, trạm y tế… thì tỉnh sẽ lấy số tiền ký quỹ để triển khai các công trình.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202406/siet-chuyen-nhuong-nha-dat-trong-du-an-7755966/