Siết điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần để giữ người lao động trong lưới an sinh
Quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần được đề xuất sửa đổi theo lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu, không có nhu cầu đóng tiếp.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, những quy định của pháp luật hiện hành cho phép hưởng bảo hiểm xã hội một lần "khá dễ dàng" và không khuyến khích người lao động tích lũy năm đóng để hưởng lương hưu khi về già.
Sau một năm không làm việc, không tham gia bảo hiểm xã hội là người lao động có thể hưởng bảo hiểm xã hội một lần với mức hưởng bằng 1,5 tháng lương cho mỗi năm tham gia bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và 2 tháng lương cho mỗi năm tham gia sau đó.
Như vậy, với mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 8% tiền lương từ phía người lao động, một năm đóng 0,96 tháng lương thì việc hưởng 2 tháng lương khi nhận bảo hiểm xã hội một lần được xem như là có lãi, cùng với việc phải chờ đợi quá lâu để hưởng hưu trí sẽ khiến người lao động mong muốn được nhận bảo hiểm xã hội một lần để đáp ứng các nhu cầu trước mắt.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số lượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang tăng nhanh chóng dẫn tới độ bao phủ chính sách này tăng chậm. Từ 2016 đến 2020 có trên 3,7 triệu người chọn hưởng chính sách bảo hiểm xã hội một lần; mỗi năm trung bình gần 750.000 người rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia. Cứ hai người mới tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội thì một người rời đi và xu thế này chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong khi đó, đến cuối năm 2020, mới có hơn 33% số người trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội, nên "mục tiêu đến năm 2030 đạt 60% số người trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội thực sự là một thử thách nếu không có giải pháp căn bản về chính sách.
Để giữ người lao động ở lại lưới an sinh xã hội góp phần đạt được mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp, trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng thấp hơn.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra phương án giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, từ 20 xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm để hưởng lương hưu; mức hưởng sẽ được tính toán phù hợp. Thay đổi này tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm đóng bảo hiểm xã hội thấp được hưởng lương hưu, mở rộng diện bao phủ, hạn chế hưởng bảo hiểm xã hội một lần.