'Siết' gian lận thuế để tạo công bằng cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính
Đang có một loạt động tác mạnh, 'làm căng' với các trường hợp chây ì nợ thuế như cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan hay tạm hoãn xuất cảnh. Song song đó là việc thực thi những giải pháp ngăn ngừa gian lận thuế, trốn thuế trong nhập khẩu nông sản, kinh doanh online, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp… Chính từ việc 'siết' gian lận thuế như vậy sẽ tạo công bằng cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế.
Trong tháng 6 này, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan Tp.HCM) đã liên tiếp có 2 quyết định dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đối với 2 doanh nghiệp (DN) nợ tiền thuế quá hạn theo đề nghị từ Cục Thuế Tp.HCM. Cụ thể là CTCP Đầu tư và Dịch vụ Sao Kim (số tiền thuế bị cưỡng chế là trên 16,5 tỷ đồng) và CTCP Hoàn Mỹ (số tiền thuế bị cưỡng chế trên 5 tỷ đồng).
Từ “làm căng” với chây ì nợ thuế…
Còn hồi tháng 4 và tháng 5/2024, từ đề nghị của Cục Thuế Tp.HCM, một loạt DN nợ thuế với số tiền từ vài chục đến hơn trăm tỷ đồng cũng bị Cục Hải quan Tp.HCM cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan.
Cần siết chặt tình trạng gian lận thuế, trốn thuế nhằm đảm bảo công bằng cho cácDN vừa và nhỏ làm ăn chân chính, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế.
Biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu được căn cứ vào Khoản 1 Điều 131 Luật quản lý thuế 2019 (có hiệu lực ngày 01/7/2020) nhằm thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế được thực hiện khi người nộp thuế có tiền thuế nợ quá hạn.
Không chỉ với động tác nêu trên ở Tp.HCM, tại Hà Nội, số liệu mới công bố cho thấy từ đầu năm 2024 đến nay đã thực hiện tạm hoãn xuất cảnh đối với 4.222 đối tượng với số tiền thuế nợ là 5.862 tỷ đồng, số nợ thu được qua công tác tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của DN là 714 tỷ đồng.
Về vấn đề cấm xuất cảnh đối với các trường hợp nợ thuế, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nói rằng nội dung này đã được quy định trong Luật Quản lý thuế cũng như trong nghị định của Chính phủ. Đây là một trong những biện pháp đảm bảo thu hồi nợ thuế, chống chây ỳ nợ thuế. Biện pháp cấm xuất cảnh này chủ yếu tập trung vào đối tượng là những người đại diện pháp luật của pháp nhân nợ thuế.
Ngoài chuyện nợ thuế, các cơ quan thuế cũng đang bàn các giải pháp để ngăn ngừa tình trạng gian lận thuế, trốn thuế. Như trong tháng 6/2024, Tổng cục Thuế đã tổ chức liên tiếp hai hội thảo với chủ đề trọng tâm là nâng cao hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu ngân sách Nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh nông sản nhập khẩu khu vực miền Nam và miền Bắc.
Dữ liệu cho thấy trong 2 năm 2022-2023 có tổng cộng 8.776 mã số thuế có phát sinh hoạt động nhập khẩu nông, lâm, thủy, hải sản, thực phẩm, các chế phẩm từ nông sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất kinh doanh; số thuế giá trị gia tăng (GTGT) phải nộp của hàng hóa dịch vụ bán ra nội địa là 37.340 tỷ đồng; tổng số thuế thu nhập DN phải nộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 41.757 tỷ đồng.
Thế nhưng, có tình trạng đáng lưu tâm là các DN phát sinh trị giá nhập khẩu nông sản lớn hơn doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra, thậm chí nhiều DN không kê khai doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra.
Theo đó, các DN này thường có doanh số bán ra lớn ngay trong năm đầu tiên ra kinh doanh nhưng thường đăng ký phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT. Đến khi cơ quan thuế đề nghị thực hiện chuyển đổi theo phương pháp khấu trừ thì chỉ hoạt động cầm chừng, xin nghỉ kinh doanh có thời hạn hoặc xin đóng mã số thuế, sau đó sẽ tiếp tục thành lập DN mới để đăng ký kê khai theo phương pháp trực tiếp.
Đến mạnh tay xử lý nạn trốn thuế
Hoặc như việc chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) cũng đang được một số cơ quan quản lý và địa bàn trọng điểm đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Chẳng hạn như Bộ Công thương sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong việc thực hiện áp dụng định danh điện tử cho người bán trên sàn giao dịch TMĐT để tăng cường hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế.
Bên cạnh đó, ngành thuế đang khẩn trương rà soát, kiểm tra việc kê khai, nộp thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp bán hàng. Nhất là khi gần đây trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn như TikTok, Shopee...nở rộ livestream bán hàng với doanh số vài trăm triệu, hàng tỷ đồng mỗi phiên.
Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng trốn thuế trong hoạt động kinh doanh online hay của các youtuber, tiktoker là rất phổ biến, nên cần phải làm mạnh tay để mọi người và mọi DN đều được công bằng và bình đẳng như nhau. Đơn cử có những người bán hàng livestream (phát trực tiếp) trên facebook với mỗi buổi phát trực tiếp có thể chốt cả ngàn đơn hàng mà không có đóng thuế là không công bằng với những DN làm ăn chân chính, đóng thuế đàng hoàng. Cho nên cần có biện pháp siết chặt quản lý thuế hơn nữa đối với hoạt động này.
Ngoài các vấn đề nêu trên, đối với hành vi trốn thuế thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân có liên quan là rất quan trọng nhằm răn đe những cá nhân hay DN có ý đồ gian lận thuế, trốn tránh thuế. Như thông tin vào ngày 24/6, sau khi bị khởi tố về tội trốn thuế, ông Phạm Văn Tam (nguyên chủ tịch hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Asanzo) và ông Phạm Xuân Tình (đại diện pháp luật, tổng giám đốc Công ty Asanzo) đã bị Công an Tp.HCM bắt tạm giam.
Công ty này đã bị cáo buộc sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế. Hành vi này nhằm mục đích trốn tiền thuế phải nộp là hơn 15,7 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, hồi năm 2019, Cục Thuế Tp.HCM đã xử phạt và truy thu tổng cộng 68 tỷ đồng đối với Công ty Asanzo. Trong đó, truy thu số tiền thuế kê khai thiếu và trốn thuế gần 40,6 tỷ đồng (gồm các khoản truy thu thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân; tiền chậm nộp thuế 1,6 tỷ).
Quan sát chuyện sa lưới pháp luật của hai lãnh đạo Asanzo, nhiều ý kiến bày tỏ rằng việc trốn thuế như vậy là rất nặng và cần phải xử lý nghiêm nhằm tạo sức răn đe cho những hành vi làm ăn gian dối. Nhất là tình trạng có những DN vừa mua đồ Trung Quốc về dán nhãn Việt Nam rồi bán với giá rẻ và vừa trốn thuế với số tiền lớn, rồi sử dụng các hóa đơn bất hợp pháp.
Cho nên ngành thuế và cơ quan bảo vệ pháp luật cần có biện pháp mạnh hơn nữa để đẩy lùi chuyện này để tạo công bằng cho các DN làm ăn chân chính, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế.