Siết hàng hóa nhập khẩu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Thời gian qua, Cục Hải quan TPHCM liên tục phát hiện và xử lý nhiều lô hàng của doanh nghiệp nhập khẩu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Cơ quan chức năng kiểm tra hàng hóa nhập khẩu .

Cơ quan chức năng kiểm tra hàng hóa nhập khẩu .

Phát hiện nhiều vụ vi phạm

Đầu tháng 9/2024, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Quốc tế N. nhập khẩu lô hàng qua Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1. Đơn vị này khai báo là bàn phím, con chuột máy tính với số lượng cụ thể 851 thùng carton, trọng lượn hơn 10,5 tấn, trị giá tính thuế trên 1,3 tỷ đồng. Lô hàng được hệ thống phân luồng đỏ. Khi kiểm tra thực tế, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 xác định hàng hóa nhập khẩu của công ty nêu trên gồm 9 mục phù hợp với khai báo của doanh nghiệp về tên hàng, số lượng, chủng loại, xuất xứ, mã số hàng hóa, thuế suất. Thế nhưng, trên các thùng carton, hộp đựng bàn phím máy tính… đều thể hiện SURMT có chữ R (nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ với cơ quan nhà nước). Điều đáng nói, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Quốc tế N. không xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam đối với các mặt hàng bàn phím, con chuột máy tính hiệu SURMT. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định chỉ dẫn sai tình trạng pháp lý, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa.

Trước đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cũng xử phạt Công ty C.L. 30 triệu đồng về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo lực lượng chức năng, Công ty C.L. khai báo nhập khẩu lô hàng gồm gần 40 tấn nước giặt, nước làm mềm vải, nước ủi đồ, kem đánh răng các loại được đóng vào gần 3.000 thùng carton, trị giá tính thuế 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan Hải quan phát hiện hàng hóa thực nhập chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý, vi phạm bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp... Với hành vi này, ngoài xử phạt hành chính, cơ quan Hải quan áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa...

Theo Cục Hải quan TPHCM, thực hiện kế hoạch kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2024 của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TPHCM đã chủ động nhiều giải pháp kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ vi phạm ngay tại cửa khẩu. Từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã triển khai 43 hồ sơ về thực thi quyền sở hữu trí tuệ đến các chi cục và Đội kiểm soát hải quan. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị tập trung vào các mặt hàng có nguy cơ cao về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu như: hàng tiêu dùng, hàng điện máy, hàng điện tử, linh kiện điện tử, điện gia dụng, tân dược, thực phẩm chức năng...

Siết chặt quản lý

Trước thực trạng hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, TS. Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam khẳng định, hàng giả, hàng kém chất lượng chủ yếu trà trộn vào chuỗi cung ứng tại các điểm chuyển giao vận tải như: cửa khẩu, cảng biển, giữa 2 nhà phân phối bằng cách khai thác vấn đề của vận đơn.

Theo nhận định của giới chuyên gia, vận đơn bằng hợp đồng giấy ngày càng tỏ ra kém hiệu quả vì dễ dàng sao chép và không an toàn. Vận đơn thông minh sẽ an toàn hơn do không thể sửa đổi, sao chép, liên thông trong chuỗi cung ứng, tích hợp với các hệ thống thông tin.

Ông Trần Văn Dũng - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) cho hay, thời điểm cuối năm, cận Tết các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng lậu lợi dụng nhu cầu hàng hóa tăng cao để trà trộn bán hàng giả rầm rộ. Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, có tình trạng nhập nguyên liệu từ nước ngoài về Việt Nam sau đó thuê gia công đóng gói, pha trộn, in ấn nhãn giả, làm giả hồ sơ giấy phép nhập khẩu, giấy công bố sản phẩm, giấy đăng ký lưu hành sản phẩm để hợp thức hóa sản phẩm. Hợp thức hóa hàng nhập lậu bằng các hóa đơn thanh lý hàng được mua của các cơ quan nhà nước bán phát mại... Ngoài ra, nổi lên phương thức thủ đoạn khai báo tạm nhập tái xuất hàng hóa sang nước thứ ba, sau đó thẩm lậu trở lại bằng cách chia nhỏ số hàng hóa để qua biên giới và tập kết về TPHCM và các tỉnh nội địa tiêu thụ.

Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, ông Đặng Văn Dũng - Phó chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành. Cần tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, phát huy sức mạnh tổng hớp của xã hội vào công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền nhận biết, phân biệt hàng hóa, vạch trần các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/siet-hang-hoa-nhap-khau-vi-pham-quyen-so-huu-tri-tue-10295255.html