Siết kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán
Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm thành lập 5 Đoàn kiểm tra liên ngành tại 10 tỉnh/ thành phố trọng điểm.
Theo Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu… Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm.
Bên cạnh thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng; đây là những yếu tố thời tiết ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân năm 2025, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch số 1751 về triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân năm 2025.
Trong đó có nội dung triển khai thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, cụ thể: Tại Trung ương thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành tại 10 tỉnh/thành phố trọng điểm. Tại địa phương Ban Chỉ đạo yêu cầu thành lập tất cả các đoàn thanh tra, kiểm tra từ tuyến tỉnh/thành phố tới tuyến quận/huyện, xã/phường.
Cùng với việc lập 5 đoàn kiểm tra, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiến thức về an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm để bảo đảm an toàn thực phẩm, phục vụ đời sống của nhân dân trong Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân; nhằm đảm bảo mọi người dân có quyền được sử dụng thực phẩm an toàn.
Đối với người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo lưu ý:
Không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn; Không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng, hoặc mốc hỏng; không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng lưu ý không chế biến quá nhiều thực phẩm, thức ăn trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng hoặc mốc hỏng; không lạm dụng rượu, bia để Tết Ất Tỵ trọn niềm vui; không uống rượu khi không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm hoang dại, nấm đã bị dập nát, hỏng.
Ban Chỉ đạo cũng lưu ý người tiêu dùng cần khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm theo quy định.
Liên quan đến các nhóm sản phẩm phụ trách quản lý bởi Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị người dân phản ánh thông tin qua đường dây nóng tiếp nhận tin phản ánh vi phạm an toàn thực phẩm như sau:
Điện thoại: 0243.232.1556
Email: [email protected].