Siết nhiều quy định dạy và học lái ôtô

Ngoài các quy định về số giờ thực hành, phẩm chất giáo viên..., cơ sở đào tạo lái xe phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của dữ liệu DAT với cơ quan có thẩm quyền

Thông tư 04/2022/TT- BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải có hiệu lực từ ngày 15-6-2022 đã bổ sung một số quy định đối với công tác đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe (GPLX).

Giám sát thời gian, quãng đường thực hành

Theo Bộ Giao thông Vận tải, văn bản trên nhằm siết chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cũng như kiểm soát chương trình đào tạo chất lượng hơn. Cụ thể, trước đây giáo viên tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành thì nay dạy thực hành phải theo quy định tại Phụ lục 28 ban hành kèm theo thông tư này (quy định về thời gian tập huấn, phương pháp kiểm tra, đánh giá).

Đặc biệt, giáo viên dạy lái xe phải có phẩm chất, tư cách đạo đức tốt, có đủ sức khỏe, chứng chỉ sư phạm dạy nghề, chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Giáo viên dạy thực hành lái xe phải có bằng tốt nghiệp THPT trở lên, có GPLX hạng tương ứng đủ thời gian ít nhất 3 năm và phải qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình.

Riêng cơ sở đào tạo lái xe các hạng A1, A2, A3, A4 phải đáp ứng một số yêu cầu về hệ thống phòng học chuyên môn, xe tập lái, sân tập lái và yêu cầu về giáo viên dạy lái xe.

Đáng lưu ý, thông tư này bổ sung một số nhiệm vụ của cơ sở đào tạo lái xe như truyền dữ liệu quản lý DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, trung thực của dữ liệu DAT; cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin, dữ liệu DAT cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Hệ thống DAT kết nối thông tin từ các cơ sở đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Thông qua hệ thống này, tổng cục có thể theo dõi, khai thác dữ liệu để phục vụ công tác quản lý đào tạo lái xe; kiểm tra tính chính xác của các thông tin về giáo viên, xe tập lái.

Học viên học lái ôtô tại Trung tâm Sát hạch lái xe Củ Chi

Học viên học lái ôtô tại Trung tâm Sát hạch lái xe Củ Chi

Loại bỏ những cơ sở đào tạo kém

Để tăng chất lượng đào tạo, Thông tư 04/2022/ TT- BGTVT cũng quy định khối lượng chương trình và phân bổ thời gian đào tạo hướng tới hiệu quả hơn so với quy định cũ.

Cụ thể, đối với hạng B1 (học xe số tự động), giảm thời gian học thực hành lái xe trên sân tập lái/1 học viên xuống 41 giờ và tăng thời gian học thực hành lái xe trên đường giao thông/1 học viên lên 24 giờ.

Đối với hạng B1 (học xe số cơ khí) và hạng B2, giảm thời gian học thực hành lái xe trên sân tập lái/1 học viên xuống 41 giờ và tăng thời gian học thực hành lái xe trên đường giao thông/1 học viên lên 40 giờ. Đối với hạng C, giảm thời gian học thực hành lái xe trên sân tập lái/1 học viên xuống 43 giờ và tăng thời gian học thực hành lái xe trên đường giao thông/1 học viên lên 48 giờ.

Theo Trường Đào tạo lái xe Tiến Bộ (TP HCM), những quy định mới của Thông tư 04/2022/ TT- BGTVT giúp kiểm soát chương trình đào tạo học viên tốt hơn cũng như nâng cao chất lượng đào tạo khi tăng cây số chạy đường trường, giám sát chương trình dạy và học qua phần mềm DAT. Qua đó có thể loại bớt những cơ sở đào tạo kém chất lượng. Để đáp ứng các điều kiện mới của thông tư này, trường đã chi 3 tỉ đồng để gắn thiết bị giám sát DAT cho 300 phương tiện cũng như sẽ tuyển thêm một số giáo viên dạy thực hành có kinh nghiệm lâu năm.

"Việc đầu tư kinh phí cho thiết bị cũng như giá xăng dầu tăng, quy định tăng cây số chạy đường trường buộc các cơ sở đào tạo phải tăng học phí đào tạo lái xe. Với Trường Đào tạo lái xe Tiến Bộ, sau khi cân nhắc, chia sẻ khó khăn cùng các học viên sau dịch Covid-19, học phí tăng 1,5 triệu đồng/học viên, từ 16 triệu đồng lên 17,5 triệu đồng đối với bằng B2. Khó khăn hiện nay là các doanh nghiệp cung cấp thiết bị DAT không sản xuất kịp để cung ứng cho các trường đào tạo nên một số trường chưa thể mở lớp tuyển sinh" - đại diện trường này nói.

Giảm thiểu tình trạng tiêu cực

Anh Trần Tuấn Ngọc (phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP HCM) cho biết sau nhiều năm đi làm, gia đình cũng tích cóp đủ mua ôtô 4 chỗ nên sắp tới sẽ đi học lấy bằng lái. Anh Ngọc nhận xét Thông tư 04/2022/ TT- BGTVT có nhiều điểm tiến bộ và chặt chẽ hơn so với trước.

"Với quy định mới, tài xế trong tương lai sẽ được đào tạo nghiêm túc, đúng thực chất. Việc này sẽ giảm thiểu tai nạn trên đường, thậm chí cả việc tiêu cực trong công tác đào tạo lái xe" - anh Ngọc nói.

Bài và ảnh: THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phap-luat/siet-nhieu-quy-dinh-day-va-hoc-lai-oto-20220620201646861.htm