Siết quản lý văn bằng, chứng chỉ
Bộ GDĐT mới đây đã yêu cầu các cơ sở giáo dục chú trọng công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ, có biện pháp hiệu quả khắc phục tình trạng làm giả văn bằng, chứng chỉ và mua bán văn bằng, chứng chỉ. Đây là một trong những nội dung quan trọng tại văn bản hướng dẫn nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2019-2020 do Bộ ban hành.
Trên thực tế thời gian qua, tình trạng báo nháo chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, văn bằng 2 là có thật. Âu cũng bởi xuất phát từ “cầu” dẫn tới “cung”, nhiều người nhằm hoàn thiện việc làm đẹp hồ sơ cán bộ, hoặc để đối phó với yêu cầu của các nhà tuyển dụng khi xin việc hoặc thi tuyển công chức, viên chức…đã chọn các loại hình đào tạo học liên kết để lấy chứng chỉ, văn bằng nhanh. Song điều này cũng nảy sinh nhiều hệ lụy.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm 2018 có 2 đại học (ĐH) vùng, 50 trường ĐH, học viện báo cáo có hoạt động liên kết đào tạo hoặc đào tạo ngoài trụ sở chính mà không có hoặc không có đủ văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền; một số trường có nhiều lớp liên kết đào tạo, dù chưa được Bộ cấp phép. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, Thanh tra Bộ GDĐT đã phát hiện 8 cơ sở giáo dục ĐH chủ trì tổ chức liên kết đào tạo chưa đúng quy định. Ngoài các nguyên nhân đã được chỉ ra ở trên, theo phân tích của một số chuyên gia, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019) không phân biệt văn bằng ĐH theo hình thức đào tạo cũng góp phần làm gia tăng nhu cầu về văn bằng 2, bằng tốt nghiệp ĐH tại chức, liên thông... Trong bối cảnh vẫn còn chờ hướng dẫn thi hành Luật, nhiều cơ sở đào tạo đã lợi dụng việc quản lý đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ còn lỏng lẻo để làm ăn.
Sau những sai phạm mới đây nhất của Trường ĐH Đông Đô, nhằm tránh sự phân tán, nhiều đầu mối trong quản lý văn bằng, chứng chỉ, ngày 20/9/2019, Bộ GDĐT đã ký quyết định chuyển giao nhiệm vụ cung cấp phôi văn bằng, chứng chỉ từ Văn phòng về Cục Quản lý chất lượng - đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì việc quản lý văn bằng, chứng chỉ từ trước tới nay. Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ đang khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có việc ban hành các văn bản quy định mẫu về văn bằng, chứng chỉ; đồng thời sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý văn bằng, chứng chỉ và dán tem bảo hiểm chống giả vào các phôi văn bằng, chứng chỉ... Bên cạnh đó, Bộ sẽ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bằng, chứng chỉ để phục vụ việc tra cứu, xác minh văn bằng, chứng chỉ, coi đây là một trong những giải pháp cơ bản nhằm khắc phục tình trạng lộn xộn trong đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ hiện nay đồng thời bảo đảm sự công bằng, lợi ích cho các cơ sở đào tạo, các học viên nghiêm túc. Hiện tại Bộ cũng đang hoàn thiện, trình Chính phủ sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo hướng tăng nặng mức độ xử phạt đối với vi phạm liên quan đến văn bằng, chứng chỉ.
Tình trạng làm đẹp hồ sơ với tấm bằng tin học, ngoại ngữ được cấp một cách dễ dãi, không đúng năng lực thực sự đã được phản ánh nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng rõ ràng vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Câu chuyện này cũng làm nóng nghị trường khi câu chuyện “chuẩn hóa” chức danh nghề nghiệp cho viên chức, công chức nói chung, trong đó có giáo viên đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Theo quy định để được chuẩn hóa viên chức, nhất là giáo viên, muốn được thăng hạng, đồng nghĩa với tăng bậc lương thì phải có nhiều điều kiện, như hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian công tác 3 năm liên tục và không thể thiếu 3 loại chứng chỉ: Bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, tin học và ngoại ngữ.
Đa số các ý kiến cho rằng, quy định về chứng chỉ trong nâng ngạch, thăng hạng bị áp đặt rất rập khuôn, máy móc, khiến đội ngũ công chức, viên chức có những tâm tư, ức chế không đáng có. Do đó, đã đến lúc dẹp những chứng chỉ làm đẹp hồ sơ, để dẹp vấn nạn học giả, chứng chỉ thật…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/siet-quan-ly-van-bang-chung-chi-tintuc451816