Siết tín dụng bất động sản để cắt cơn sốt nóng

Giá bất động sản (BĐS) tăng cao tại nhiều khu vực khiến nhiều người lo ngại sẽ xảy ra tình trạng 'bong bóng' vào năm 2021. Theo nhiều chuyên gia nhận định, nguồn vốn từ các ngân hàng đổ vào BĐS lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nợ xấu. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải siết tín dụng vào lĩnh vực này. Giải pháp cụ thể được đưa ra đó là, giảm tỉ lệ cho vay mua nhà, mua đất từ 70% giá trị xuống 50% hay thậm chí thấp hơn nữa.

Một khu đất đấu giá tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Hoàng Huy

Một khu đất đấu giá tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Hoàng Huy

Đua rót vốn vào bất động sản

Sau Tết, giá đất tại nhiều địa phương sôi sục, trung bình tăng 10% sau một tháng, cá biệt, có nơi tăng 2 - 3 lần/tháng. Trước tình trạng sốt đất từ Bắc tới Nam, một số chuyên gia BĐS cho rằng, dòng tiền đang “ùn ùn” đổ vào BĐS ngoài từ lợi nhuận chứng khoán sang, một phần chảy từ kênh lãi suất tiết kiệm do lãi suất thấp và việc nới tín dụng theo nhiều hình thức của các nhà băng.
Ngoài ra, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do dịch Covid-19, nguồn vốn tín dụng đổ vào BĐS vẫn liên tục tăng. "Lãi suất tiền gửi có 4%, trong khi lãi suất cho vay hầu như không giảm. Do đó, DN chúng tôi quá khó để tìm được lợi nhuận, buộc chúng tôi phải tìm cách khác, trong đó có BĐS, mặc dù biết là đầu tư vào đây cũng gặp nhiều rủi ro"- ông Hoàng Sơn - Giám đốc một công ty sản xuất cho hay.
Thời gian qua, hàng loạt ngân hàng tung ra các chương trình khuyến mại cho vay tiêu dùng, trong đó có vay mua nhà, hay sửa chữa nhà ở với gói lãi suất thấp. Cùng đó, có một cuộc chạy đua vào các dự án BĐS được ngân hàng bảo lãnh với mức vay ưu đãi, tỉ lệ vay lên tới 70% tổng giá trị nhà, đất ở theo hợp đồng. Thống kê của NHNN, đến ngày 15/3/2021, dư nợ cho vay BĐS của ngành ngân hàng tăng khoảng 2,13%, tăng cao hơn tốc độ tăng tín dụng chung hiện nay của toàn ngành (2,04%). Tính đến ngày 28/2, tín dụng lĩnh vực BĐS là 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 2,13% so với năm 2020 (trong đó, kinh doanh BĐS tăng 2,82%). Do đó, NHNN cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS và tăng cường thanh tra, giám sát với tín dụng đầu tư, kinh doanh BĐS...
Hệ lụy và những rủi ro
Giá BĐS tăng cao tại nhiều khu vực khiến nhiều người lo ngại sẽ xảy ra tình trạng "bong bóng". Theo dõi thị trường BĐS Việt Nam từ 15 năm qua, Giám đốc Savills Hà Nội Matthew Powell chia sẻ: "Tôi từng chứng kiến một số chu kỳ có lượng đầu cơ rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực BĐS nhà ở tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Đã có những thời điểm nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy kinh tế thông qua các khoản vay ngắn và dài hạn để thực hiện một lượng lớn các giao dịch ngắn hạn và đầu tư lướt sóng. Thị trường do đó trở nên rất sôi động, nhưng đồng nghĩa với việc người vay có thể mất khả năng trả nợ".
Thực tế, một nguyên nhân khiến cho giá BĐS bị đẩy lên cao còn do giới đầu cơ, cò mồi đất vì trục lợi bất chính đã gây nhũng nhiễu thông tin, tung tin thất thiệt về pháp luật, về quy hoạch, tạo nên những cơn sốt đất ảo để lôi kéo mọi người tung tiền vào mua đất. “Hoặc đôi khi chỉ nghe phong phanh là ý tưởng được đề xuất trong quy hoạch, cũng đã khiến cho giới buôn đất tung ra những chiêu trò để ăn chi phí môi giới đất trong chuyển nhượng đất”- GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhận định.
Trong đánh giá kinh tế mới nhất của Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cho thấy: "Giá chứng khoán và BĐS đều tăng bất thường trong năm 2020. Đây là những dấu hiệu đáng lo ngại ban đầu của hiện tượng bong bóng giá tài sản khi tỷ lệ cung tiền trên GDP (M2/GDP) và tín dụng trên GDP của Việt Nam đang lần lượt tiệm cận mốc 200% và 150%, vượt xa so với các nước trong khu vực ASEAN-5".
Giá đất tăng phi mã như hiện nay chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy không nhỏ về kinh tế - xã hội. Nợ xấu BĐS gia tăng do nhiều người đổ xô đi buôn đất, vay nợ, thế chấp tài sản tại ngân hàng. Đồng thời khiến cho dòng tiền đổ vào các kênh sản xuất, dịch vụ, thương mại bị giảm sút, lâu dài ảnh hưởng đến tính bền vững của nền kinh tế. Đó là chưa kể đến những tranh chấp có thể xảy ra trong trường hợp giấy tờ giả, đất mua đi bán lại không hợp pháp. Ngoài ra, “sốt” đất còn làm mất cân bằng quy hoạch sử dụng đất. Tình trạng “sốt” đất nền có thể khiến thị trường này đóng băng sau khi “cơn sốt” đất đi qua để lại những khu đất bỏ hoang, TP “ma” do không có người đến sinh sống, dẫn đến lãng phí nguồn lực đất nước xã hội.
Sửa chính sách, chống đầu cơ
Theo TS Vũ Đình Ánh, ngoài chính sách lùi thời hạn “siết” tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn 1 năm so với quy định cũ (Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2019 cụ thể hóa định hướng tiếp tục siết lại hoạt động cho vay BĐS, cho phép duy trì tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn với mức 40% đến hết ngày 30/9/2021. Sau đó từ 1/10/2021 đến 30/9/2022, tỉ lệ trên sẽ giảm về 37%. Từ 1/10/2022 đến 30/9/2023 còn 34%; và giảm xuống 30% từ ngày 1/10/2023; Đồng thời tăng hệ số rủi ro đối với khoản vay kinh doanh BĐS từ 150% lên 200%). NHNN tiếp tục áp dụng các biện pháp đồng bộ hướng tới các chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, NHNN cần theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay để ngăn chặn tình trạng tín dụng chảy vào BĐS "núp bóng" qua sản xuất kinh doanh.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng, ở góc độ của mình, các địa phương hoàn toàn có thể đánh thuế lũy tiến với những người thực hiện giao dịch chuyển nhượng cách thời điểm mua chưa đầy 6 tháng để hạn chế đầu cơ. Mặt khác, Nhà nước cũng có thể thực hiện việc đánh thuế thật nặng với những người sở hữu từ BĐS thứ 2 trở lên. GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, đây là giải pháp tương đối khả thi trong điều kiện hiện nay nhưng không hiểu vì lý do gì, đến nay, đề xuất ấy vẫn "giậm chân tại chỗ".
Thời điểm này, với nhiều địa phương, việc "cắt" những cơn sốt đất là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính nêu khuyến nghị, chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Bộ TN&MT đã đưa ra một dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo hướng siết chặt hơn các địa bàn được phân lô bán nền. Cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi xảy ra hiện tượng “sốt đất”. Hạn chế chuyển mục đích, tách thửa; Công bố quy hoạch một cách minh bạch rõ ràng.

Tại Việt Nam, thu thuế BĐS hiện nay chỉ với thuế suất cơ bản 0,03% giá đất của Nhà nước, tức là chỉ khoảng 0,01% giá đất thị trường. Tổng thu từ thuế sử dụng đất chiếm khoảng 3% tổng thu ngân sách từ đất, tức là chỉ chiếm 0,6% tổng thu ngân sách địa phương. So với các nước công nghiệp, con số này có sự chênh lệch rất lớn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS.TS Đặng Hùng Võ

Mới đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã chỉ đạo các ngân hàng siết mạnh tín dụng BĐS để ngăn tình trạng "sốt nóng". Các chuyên gia nhận định, chính quyền Trung Quốc chuyển từ thúc đẩy tăng trưởng sang kiểm soát rủi ro nền kinh tế. Một loạt các giải pháp như tăng lãi suất mua căn nhà thứ hai, thứ ba, kéo dài thời gian thẩm định mua nhà lên 2 - 3 tháng. New Zealand đã bắt đầu thực hiện một số biện pháp để ngăn tình trạng đầu cơ. Ngân hàng Trung ương Canada cũng tuyên bố sẽ tăng cường giám sát hơn nữa thị trường nhà đất…

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/siet-tin-dung-bat-dong-san-de-cat-con-sot-nong-415608.html