Siết trọng tải các phương tiện giao thông phải đồng loạt và công bằng

Sau khi lực lượng chức năng ở Thanh Hóa đồng loạt ra quân, siết chặt tải trọng, các mỏ vật liệu đóng cửa, sạch bóng xe quá tải trên nhiều tuyến đường.

Xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) được xem là thủ phủ khai thác vật liệu đào đắp và là nơi châm ngòi cho xe quá khổ, quá tải hoành hành. Mỗi ngày có hàng trăm xe ra vào chở đất cung cấp cho các công trình, đặc biệt là từ khi cao tốc Bắc-Nam thi công. Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên ngày 27/6 tại đây, các mỏ đất im lìm, vắng vẻ.

Các mỏ đất ở xã Tượng Sơn đã vắng bóng xe ra vào.

Các mỏ đất ở xã Tượng Sơn đã vắng bóng xe ra vào.

Anh Lê Văn Tuấn, một doanh nghiệp vận tải ở huyện Nông Cống lý giải: "Liên ngành ra quân, xe nằm hết, không chạy được. Xăng dầu lên, cắt cơi, hạ tải, giá cả thấp mà vật liệu mỏ tăng, dầu tăng, công an làm gắt thì đành chịu".

Việc lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện nằm trong Kế hoạch 299 của Bộ Công an, thực hiện cao điểm trong 3 tháng đồng loạt trên cả nước, bắt đầu từ ngày 20/6. Theo kế hoạch sẽ có 2 lỗi vi phạm là nồng độ cồn và vi phạm tải trọng, cơi nới thành thùng sẽ bị chấn chỉnh, siết chặt. Chấp nhận thực hiện đúng quy định về tải trọng, nhưng đại diện Công ty Huy Hoàng - một đơn vị chuyên hoạt động khai thác mỏ và vận tải cho rằng, cần có cơ chế điều chỉnh giá cước, vật liệu đi kèm: "Đảm bảo trật tự an toàn giao thông thì phải chấp hành. Nhưng cũng đề xuất phải có việc bàn thảo, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay".

Công trường cũng dừng hoạt động vì không có nguồn cung vật liệu.

Công trường cũng dừng hoạt động vì không có nguồn cung vật liệu.

Nhìn ở góc độ quản lý, vì sự phát triển của tỉnh, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đồng tình với việc lực lượng chức năng siết chặt tải trọng, nhưng phải đồng loạt và công bằng: "Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đồng hành cùng chính quyền, lực lượng công an, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật về an toàn giao thông đến cộng đồng doanh nghiệp".

Ông Vũ Hoàng Linh, Chánh Văn phòng Ban an toàn Giao thông tỉnh Thanh Hóa cho biết, động thái các doanh nghiệp vận tải, mỏ, kho hàng, dừng hoạt động là để nghe ngóng tình hình. Thực tế, việc giá nhiên liệu tăng cao, doanh nghiệp chở đúng tải sẽ không có lãi, việc trốn tránh lực lượng chức năng (như trước đây) là không thể, nên dừng hoạt động quá tải là dễ hiểu.

Ghi nhận của phóng viên, sau khi tải trọng được siết chặt, việc thi công các tuyến cao tốc Bắc-Nam đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn gần như dừng hoạt động. Thế nhưng, nhiều ý kiến băn khoăn và cho rằng: Lâu nay vi phạm quá khổ, quá tải đã thành thói quen của một số doanh nghiệp vận tải trên địa bản tỉnh Thanh Hóa. Vậy sau đợt ra quân chấn chỉnh, siết chặt của lực lượng chức năng, tình trạng xe quá khổ, quá tải có còn lặp lại tại địa phương này?/.

Sỹ Đức/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/siet-trong-tai-cac-phuong-tien-giao-thong-phai-dong-loat-va-cong-bang-post953100.vov