Siết vốn trung, dài hạn: Ngân hàng vẫn có cách để ứng phó Siết vốn trung, dài hạn: Ngân hàng vẫn có cách để ứng phó

Chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn và dư nợ là một trong những thách thức mà hệ thống tổ chức tín dụng phải đối mặt. Để giảm thiểu rủi ro trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong nhiều năm qua không ngừng thắt chặt quy định về sử dụng vốn trung và dài hạn, nhưng các ngân hàng cũng có không ít giải pháp để ứng phó.

 Có khá nhiều lựa chọn cho các ngân hàng để hóa giải phần nào áp lực từ quy định của Ngân hàng Nhà nước trong suốt thời gian qua cũng như cho giai đoạn sắp tới. Ảnh: Thành Hoa

Có khá nhiều lựa chọn cho các ngân hàng để hóa giải phần nào áp lực từ quy định của Ngân hàng Nhà nước trong suốt thời gian qua cũng như cho giai đoạn sắp tới. Ảnh: Thành Hoa

Từ mức 60% của giai đoạn 2014-2016, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đã được điều chỉnh giảm về còn 50% từ đầu năm 2017, về tiếp 45% từ đầu năm 2018 và 40% từ đầu năm 2019. Chưa dừng lại ở đó, Thông tư 22 của NHNN mới ban hành tiếp tục đưa ra lộ trình giảm tỷ lệ này về mức 37% từ tháng 10-2020 và kết thúc vào tháng 10-2022 ở mức 30%, quay trở lại mức quy định cũ - thời điểm trước năm 2014. Dù vậy, vẫn có khá nhiều lựa chọn cho các ngân hàng để hóa giải phần nào áp lực từ quy định này trong suốt thời gian qua cũng như cho giai đoạn sắp tới.

Từ linh hoạt hóa các quy định tiền gửi

Nhìn nhận ở một góc độ nào đó, thì quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn dù giảm được rủi ro cho hệ thống, nhưng có thể tác động tiêu cực lên xu hướng lãi suất.

Để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn không ngừng giảm xuống, các ngân hàng sẽ phải tăng cường huy động vốn trung, dài hạn mà việc tăng lãi suất các kỳ hạn dài và mở rộng chênh lệch so với lãi suất kỳ hạn ngắn đã được áp dụng triệt để trong thời gian qua. Các ngân hàng cũng tích cực phát triển các sản phẩm tiền gửi rút gốc linh hoạt, cho phép khách hàng được rút một phần gốc trước hạn mà không phải tất toán toàn bộ tiền gửi.

Điều kiện của sản phẩm này có thể khuyến khích khách hàng yên tâm gửi khoản tiền lớn tại ngân hàng với kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao nhất, vì nếu có việc phát sinh cần phải rút tiền, khách hàng vẫn sẽ được hưởng nguyên lãi suất kỳ hạn cho số tiền gốc còn lại sau khi đã trừ đi những khoản tiền đã rút trước đó. Thực tế hình thức gửi tiền một lần được rút nhiều lần đã trở nên khá phổ biến tại các ngân hàng.

Ngoài ra, với các khoản rút trước hạn, khách hàng phải chịu lãi suất không kỳ hạn (đã giảm về tối đa ở mức 0,8% từ ngày 19-11 vừa qua), nhưng không loại trừ vẫn có một số ngân hàng lách quy định và cho phép khách hàng được hưởng lãi suất theo đúng kỳ hạn thực gửi.

Hoặc các ngân hàng có thể linh hoạt hơn nữa khi tư vấn khách hàng gửi kỳ hạn dài, kèm theo thỏa thuận cho những khách hàng này là khi có nhu cầu vốn thì ngân hàng sẽ cho vay cầm cố sổ tiết kiệm với lãi suất ưu đãi hơn đối với những khách hàng gửi tiền ngắn hạn, thậm chí là ngang với lãi suất huy động trên sổ tiết kiệm. Thực tế hình thức này nếu có cũng chẳng khác gì so với cách lách quy định rút trước hạn kể trên.

Chiến lược phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài và thỏa thuận đầu tư lẫn nhau giữa các ngân hàng cũng giúp cải thiện nguồn vốn trung và dài hạn. Chiêu thức này đã được sử dụng khá phổ biến trong hai năm trở lại đây. Minh chứng rõ rệt nhất là thống kê từ đầu năm đến nay cho thấy giá trị trái phiếu các ngân hàng phát hành luôn đứng đầu trong tổng số trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành, và nhiều ý kiến phân tích cho rằng chỉ có nguồn lực ngân hàng mới có thể hấp thụ được lượng trái phiếu khổng lồ được phát hành từ chính các ngân hàng.

Tăng vốn tự có, vốn điều lệ tiếp tục là mục tiêu hàng đầu trong những năm tới, cùng với chiến lược tìm kiếm các khoản vay tài trợ thương mại từ các tổ chức quốc tế để tăng nguồn vốn trung, dài hạn. Gần đây nhiều ngân hàng đã đưa ra kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế như là cách không chỉ để tìm kiếm nguồn vốn ngoại tệ, mà còn nhằm tăng nguồn vốn kinh doanh dài hạn hơn. Bên cạnh đó, việc triển khai thêm các sản phẩm huy động dài hạn như tiết kiệm tích lũy, các sản phẩm tiết kiệm dài hạn cho con trẻ... cũng sẽ được tập trung đẩy mạnh.

Đến các sản phẩm cho vay đột phá

Với đặc thù nền kinh tế Việt Nam vẫn phải dựa vào dòng vốn đầu tư và phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, cùng với thị trường bất động sản mới ở giai đoạn đầu phát triển, nên nhu cầu vay vốn ngân hàng thường phát sinh ở các kỳ hạn dài để đáp ứng cho các dự án đầu tư. Ở chiều ngược lại, quá khứ cho thấy nền kinh tế thường chứng kiến không ít bất ổn và rủi ro, lạm phát cao, nên dòng tiền gửi vào ngân hàng thường chọn các kỳ hạn ngắn để chủ động trong việc lướt sóng hay “đánh quả”.

Hệ quả là từ trước đến nay, nguồn vốn tại các ngân hàng chiếm tỷ trọng cao vẫn là ngắn hạn, trong khi cho vay ra chủ yếu là trung và dài hạn, khiến chênh lệch kỳ hạn luôn duy trì ở mức độ khá lớn. Ngay chính các ngân hàng cũng chủ động tận dụng tối đa sự chênh lệch kỳ hạn giữa đầu vào và đầu ra này, dù phải đối mặt với rủi ro kỳ hạn và thanh khoản, nhưng bù lại được hưởng chênh lệch lãi suất cao, do vốn ngắn hạn lãi suất thấp và vốn dài hạn lãi suất cao hơn rất nhiều.

Với những quy định mới về thắt chặt nguồn vốn cho vay trung và dài hạn, các ngân hàng có thể tiếp tục đẩy lãi suất cho vay dài hạn lên cao hơn nữa để bù lại áp lực nguồn vốn trung, dài hạn phải cải thiện để đáp ứng yêu cầu mới, cũng như đủ để đảm bảo cân đối lợi nhuận và duy trì biên độ lãi khi lãi suất huy động đầu vào ở các kỳ hạn dài đã phải tăng lên trong suốt thời gian qua. Vì vậy, nhìn nhận ở một góc độ nào đó, thì quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn dù giảm được rủi ro cho hệ thống, nhưng có thể tác động tiêu cực lên xu hướng lãi suất.

Bên cạnh đó, để ứng phó với quy định mới, các ngân hàng cũng sẽ khuyến khích khách hàng lựa chọn vay kỳ hạn ngắn nhiều hơn, thay vì trước đây khoản vay thông thường là 12 tháng thì nay có thể chuyển thành 11 tháng, để giảm phần dư nợ cho vay trung và dài hạn. Theo đó, các sản phẩm cho vay ngắn hạn, thậm chí tính theo số ngày vay, sẽ được nghiên cứu và linh hoạt các điều kiện hơn để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.

Cho vay tuần hoàn (rollover) là một trong những sản phẩm có thể được đẩy mạnh để giảm dư nợ trung, dài hạn về mặt sổ sách. Cụ thể, bản chất của rollover chính là cho vay hạn mức ngắn hạn nhưng khách hàng được sử dụng vốn vay với tính chất ổn định như vay trung, dài hạn. Vì vậy, ngân hàng có thể tư vấn khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vốn trung, dài hạn chuyển sang sử dụng sản phẩm này, theo đó khoản vay tuy là kỳ hạn ngắn nhưng có thể tự động tái tục theo thời hạn mới.

Đối với khách hàng cá nhân, sản phẩm thấu chi hay thẻ tín dụng chính là một trong những sản phẩm về bản chất là khoản vay dài hạn nhưng thể hiện là vay ngắn hạn, vì định kỳ hàng năm ngân hàng tuy có đánh giá rồi mới cho vay lại, nhưng trong nhiều trường hợp quy trình đánh giá này gần như là tự động. Như vậy, các ngân hàng sẽ có động lực nghiên cứu và triển khai thêm nhiều sản phẩm có bản chất giống như trên để giảm áp lực từ các quy định mới.

Thụy Lê

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/298040/siet-von-trung-dai-han-ngan-hang-van-co-cach-de-ung-pho-.html