'Siêu bảo mẫu' bắt trẻ đập nát, vứt bỏ đồ chơi để chăm học hơn
Phương pháp thúc đẩy trẻ chăm học hơn của 'siêu bảo mẫu' Trung Quốc rất đơn giản - bắt trẻ tự tay đập phá đồ chơi và đánh chúng bằng roi tre nếu lười nhác.
Theo Sixth Tone, bà Zhao Juying từng là giáo viên, nổi lên trên mạng xã hội Trung Quốc bằng cách ủng hộ các hình thức kỷ luật khắc nghiệt, kiểu cũ.
Tuy nhiên, cách tiếp cận thô bạo của bà đang gây ra tranh cãi, khi nhiều người coi những phương pháp này là lỗi thời hoặc thậm chí là vi phạm pháp luật.
Bắt trẻ tự tay dùng búa đập nát đồ chơi
Thành công của bà Zhao đến từ việc quay một chương trình cho Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, có format gần giống với chương trình truyền hình thực tế Supernanny (siêu bảo mẫu - PV). Trong mỗi tập, các phụ huynh mời bà Zhao đến nhà để giúp họ thúc đẩy con cái học hành chăm chỉ hơn.
Với sự thích thú, Zhao bắt tay vào nhiệm vụ, áp dụng hàng loạt các biện pháp kỷ luật khắc nghiệt lên trẻ em, buộc chúng tập trung hoàn toàn vào việc học hành.
Chương trình đã phát sóng 40 tập và trở nên cực kỳ nổi tiếng. Zhao thu hút được hơn 400.000 người theo dõi trên Douyin chỉ sau chưa đầy nửa năm tham gia nền tảng này.
Tuy nhiên, những video mới nhất với nội dung quá khích đã vấp phải phản ứng của khán giả. Trong một tập phim, cựu giáo viên đến thăm Huang, một học sinh cấp 2 tại thành phố Tô Châu (Trung Quốc).
Để loại bỏ mọi thứ gây mất tập trung khi học, trước tiên, bà yêu cầu Huang dùng búa đập nát bộ sưu tập xe ô tô và mô hình Gundam của mình. Tiếp đó, bà Zhao dùng roi tre đánh vào lòng bàn tay và và người của Huang nhằm trừng phạt cậu bé vì lười nhác trong quá khứ.
"Những món đồ chơi này có giúp con cải thiện điểm Toán hoặc tiếng Anh không? Nếu không thể vào được trường THPT, con thậm chí còn không có cơ hội thi đại học. Không có cô gái nào tốt nghiệp đại học danh tiếng sẽ lấy con đâu", Zhao hét lên dưới ánh mắt dửng dưng, thờ ơ của mẹ cậu bé.
Trong tập phim khác, Zhao yêu cầu một học sinh cấp 2 vứt tất cả thú nhồi bông, nhãn vở và đồ trang trí trong phòng ngủ vào thùng rác.
"Em là học sinh trung học, không phải trẻ sơ sinh còn đeo tã", Zhao nói khi cô bé im lặng tuân theo.
Làn sóng phẫn nộ
Hai video này nhanh chóng trở thành những tập được xem nhiều nhất của Zhao nhưng lại nhận về nhiều chỉ trích. Trang Douyin của bà tràn ngập bình luận lên án phương pháp giáo dục khắc nghiệt này. Nhiều hashtag liên quan đã trở thành chủ đề thịnh hành trên nền tảng Weibo.
Nhiều người cho rằng cách tiếp cận giáo dục của Zhao - nghiêm khắc, tập trung vào việc nâng cao điểm thi của học sinh và sử dụng hình phạt thân thể một cách tùy tiện - khiến họ nhớ lại những trải nghiệm thời thơ ấu của chính mình.
Trong những thập kỷ trước, tư duy "học giỏi, cuộc sống tốt" rất phổ biến trong các gia đình Trung Quốc. Các phụ huynh thường sẵn sàng sử dụng những chiến thuật khắc nghiệt để đạt được mong muốn cho con cái được giáo dục tốt.
Tuy nhiên, xã hội Trung Quốc đang dần từ bỏ lối suy nghĩ này. Chính quyền đã thực hiện một số chính sách nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh trong bối cảnh tỷ lệ rối loạn lo âu ở trẻ em gia tăng đáng báo động.
Năm 2020, quốc gia tỷ dân đã thông qua Luật Bảo vệ Trẻ em sửa đổi, cấm bạo lực đối với trẻ em ở trường học, gia đình và các cơ sở chăm sóc.
Nhiều phụ huynh bày tỏ sự đồng cảm với các học sinh xuất hiện trong video của Zhao. Một số người cho rằng hành động của cựu giáo viên tương tự bắt nạt trẻ em hơn là giáo dục. Một số người cũng bày tỏ lo ngại về sức khỏe tâm lý của trẻ.
"Kiềm chế sở thích của trẻ em không phải là giáo dục thực sự, đó là sự ám ảnh quyền lực và kiểm soát của người lớn. Mục đích của giáo dục không phải là tạo ra những cá thể theo khuôn mẫu, mà là khai mở tiềm năng của trẻ", một bình luận thu hút nhiều sự đồng tình.
Quan Huaxiang, một người mẹ 47 tuổi đến từ tỉnh Hồ Nam, chia sẻ bà vui vẻ cho phép con gái theo đuổi sở thích cosplay.
"Nếu điều đó khiến con hạnh phúc và không gây hại cho người khác, con hoàn toàn có thể làm. Hình phạt thân thể là phản tác dụng, vì nó chỉ khiến trẻ nổi loạn và hành động thái quá hơn. Sử dụng bạo lực không bao giờ là điều tốt đẹp", bà Quan nhấn mạnh.
Giữa cuộc tranh luận về các phương pháp giáo dục của Zhao Juying, những câu hỏi về trình độ của bà với tư cách là một nhà giáo dục cũng được đặt ra.
Trong các thông tin quảng cáo, Zhao tự nhận mình là giảng viên, được chứng nhận bởi Hiệp hội Kỷ luật tích cực có trụ sở tại Mỹ. Tuy nhiên, theo China Youth Daily, hiện không có thông tin nào về Zhao trong hồ sơ của hiệp hội.
Một đại diện Phòng Giáo dục ở tỉnh Cam Túc cho biết Zhao là giáo viên một trường tiểu học, đã nghỉ hưu vào năm 2023. Trang cá nhân của Zhao trên Douyin cũng cho thấy bà đã làm giáo viên hơn 30 năm. Sau những lo ngại của công chúng, các nhà chức trách cho biết họ sẽ điều tra vấn đề này.