Siêu bão Noru và dự báo mùa thiên tai khốc liệt
Miền Trung chuẩn bị đón bão Noru, một trong những cơn bão mạnh nhất 20 năm qua đổ bộ nước ta. Tuy nhiên, đây mới là chỉ là khởi đầu của một mùa thiên tai dự báo khốc liệt và dị thường ở miền Trung năm nay.
Siêu bão mạnh nhất 20 năm qua
“Quá nhanh, quá nguy hiểm” là cụm từ được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định về cơn bão Noru đang tiến nhanh về miền Trung nước ta. Hình thành từ một vùng áp thấp ngoài khơi Philippines, sau đó mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới rồi tiếp tục mạnh lên thành bão vào 23/9, bão Noru có một tốc độ phát triển đáng kinh sợ khi chỉ trong 42 giờ đã tăng từ cấp 8 lên cấp 15, giật cấp 17.
Cơn bão có tốc độ di chuyển rất nhanh khi vận tốc trung bình là 20-25km/giờ. Thời điểm áp sát bán đảo Luzon của Philippines, Noru đạt sức mạnh xấp xỉ của một siêu bão, giật trên cấp 17 khiến quốc đảo này phải ban hành cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai lên cấp 5 - mức thảm họa.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão Noru sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta từ chiều 27/9 với cường độ khi gần bờ có thể duy trì cấp 12- 13, giật cấp 14. Bão hướng về các tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định, tuy nhiên vùng ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều, bao gồm các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa. Đây có thể là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào nước ta trong 20 năm qua, tương tự như bão Xangsane năm 2006, Ketsana năm 2009 hay bão Molave năm 2020.
Điều đáng lo ngại, bão đổ bộ ngay khi miền Trung vừa trải qua một đợt mưa lớn cực đoan kéo dài từ 22-25/9. Lượng mưa trong 3 ngày (19h 21/9-19h 24/9), nhiều nơi rất lớn như Sầm Sơn (Thanh Hóa) 359mm; Quỳnh Lưu (Nghệ An) 279mm; Đậu Liêu (Hà Tĩnh) 269mm; Sơn Nguyên (Phú Yên) 256mm... Mưa lũ và ngập úng cục bộ đã xảy ra ở nhiều nơi.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, miền Trung đang bước vào cao điểm của mùa mưa bão năm nay. Ðợt mưa lớn cực đoan vừa qua hay tác động của bão Noru chỉ là sự khởi đầu cho một mùa mưa bão được đánh giá khốc liệt ở miền Trung trong năm nay, đỉnh điểm là tháng 10 và tháng 11.
Cảnh báo mưa chồng mưa, bão chồng bão
Theo nhận định mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến tháng 12/2022, La Nina tiếp tục duy trì với xác suất 80-90%. “Thông thường một chu kỳ La Nina kéo dài hai năm. Chu kỳ lần này đã bước sang năm thứ 3. Đây là một điều rất hiếm gặp”, ông Lâm chia sẻ.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ nay đến hết mùa mưa bão, Biển Đông có thể xuất hiện 5-7 bão/áp thấp nhiệt đới (tính cả bão Noru), trong đó khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Không loại trừ khả năng, đến tháng 1/2023 vẫn còn xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông.
Những năm có La Nina tác động, mưa bão thường dồn dập cuối năm, trong đó nguy cơ cao xuất hiện các cơn bão mạnh, trái quy luật, dị thường. Bão dồn dập kết hợp với điều kiện địa hình và không khí lạnh đến sớm khiến miền Trung có thể đối mặt thiên tai khốc liệt với nguy cơ bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ như từng xảy ra năm 2020 (cũng là một năm La Nina tác động, gây ra nhiều thiên tai kỷ lục và thiệt hại thương tâm ở các tỉnh miền Trung).