Siêu bão Yagi gây thiệt hại nặng nề tại miền Bắc
Bão số 3 Yagi, một trong những cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong 30 năm qua, đã gây thiệt hại nghiêm trọng khi đổ bộ vào Việt Nam.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Yagi hình thành ở phía Đông Philippines và nhanh chóng mạnh lên thành siêu bão trên Biển Đông. Khi đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng vào ngày 7/9, sức gió vùng gần tâm bão đạt cấp 13-14, giật cấp 16-17.
Vào khoảng 20 giờ ngày 7/9, tâm bão Yagi quét qua Hà Nội với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12, gây ra thiệt hại đáng kể trước khi suy yếu dần khi tiến vào các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và trở thành áp thấp nhiệt đới vào lúc 23 giờ.
Chỉ đạo ứng phó khẩn cấp của Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm và ban hành 3 công điện khẩn, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó với bão. Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi chia sẻ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương có mất mát về người và tài sản do bão số 3.
Các lực lượng chức năng đã huy động hơn 457.000 người và 10.124 phương tiện sẵn sàng ứng phó với bão, bao gồm cả bộ đội, dân quân tự vệ và dự bị động viên.
Theo Cục Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Quốc phòng), tính đến 14h ngày 8/9, bão Yagi đã làm 14 người chết và 220 người bị thương. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương và Hà Nội đều bị mất điện trên diện rộng. Nhiều nhà cửa, trường học và công trình công cộng bị tốc mái, hư hỏng. Cây xanh bị bật gốc, đổ gãy trên khắp các tuyến đường.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, bão Yagi đã gây ngập úng 109.382 ha lúa, thiệt hại 17.921 ha hoa màu và 6.902 ha cây ăn quả. Hơn 1.100 lồng bè nuôi trồng thủy sản, chủ yếu tại Quảng Ninh, bị hư hại hoặc cuốn trôi.
Mưa lớn sau bão và nguy cơ lũ quét, sạt lở
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa lớn tại các khu vực đồng bằng, trung du và vùng núi phía Bắc, với lượng mưa từ 100-150mm, có nơi lên tới 200mm. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình đang ở mức cao. Nhiều tuyến phố tại các tỉnh vùng Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội, có nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng.
Thiệt hại nặng nề tại Quảng Ninh
Riêng tại thành phố Hạ Long, bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề với 76 tàu thuyền bị chìm, 10.000 nhà dân bị tốc mái và hơn 550 nhà xưởng bị hư hỏng.
Hơn 500 trụ sở cơ quan, đơn vị và công trình công cộng cũng chịu thiệt hại đáng kể. Nhiều trường học và cơ sở y tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Lũ lụt và sạt lở đất tại Lào Cai
Tại Lào Cai, mưa lớn gây lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng. Đặc biệt, tại xã A Lù (huyện Bát Xát), 7 người vẫn đang mất tích do sạt lở. UBND tỉnh Lào Cai đã ban bố tình trạng khẩn cấp để ứng phó với thiên tai.
Các tuyến đường như Quốc lộ 4D và Tỉnh lộ 155 đã bị sạt lở, gây cấm tạm thời phương tiện qua lại. Lực lượng chức năng đang trực 24/24 để đảm bảo an toàn giao thông và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Sáng nay (9/9), vào khoảng 10 giờ, một vụ sập cầu nghiêm trọng đã xảy ra tại cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Theo thông tin ban đầu, một nhịp cầu dài bất ngờ rơi xuống dòng sông Hồng. Nhiều nhân chứng cho biết, vào thời điểm xảy ra sự cố, trên cầu có nhiều phương tiện đang lưu thông, trong đó có ô tô và một số người đi xe máy. Hiện tại, chưa có thông tin chính xác về số người bị cuốn xuống sông cũng như thiệt hại cụ thể.
Cao Bằng đối mặt nguy cơ lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng
Trong 24 giờ qua, tại tỉnh Cao Bằng, mưa lớn đã xảy ra trên diện rộng, với lượng mưa ghi nhận dao động từ 59mm đến 181,5mm.
Mưa tiếp tục duy trì với cường độ mạnh trong 6 giờ tới, làm gia tăng nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ tại vùng núi và sạt lở đất trên các sườn dốc. Các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hạ Lang, Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Quảng Hòa, Thạch An và Trùng Khánh đều nằm trong vùng cảnh báo cao.
Nguy cơ sạt lở đất và sụt lún đất tại các khu vực này đang tăng lên đáng kể, đặc biệt là tại các vùng có địa hình dốc và hệ thống sông suối chằng chịt. Cơ quan khí tượng đã đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất ở mức Cấp 1.