Siêu bão Yagi và tấm lòng họa sĩ Việt

Họa sĩ, Nhà giáo ưu tú Đoàn Văn Nguyên, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2007 nhiệt tình tặng tác phẩm tham gia cuộc đấu giá tranh trực tuyến chung tay khắc phục hậu quả bão Yagi do báo Tiền Phong tổ chức trên trang fanpge chính thức của báo. Chẳng những thế, ông còn gọi điện thúc giục: 'Làm mau, làm mau đi, đồng bào mình khổ quá'. Điêu khắc gia, họa sĩ Phạm Văn Hạng từ Thành phố Hồ Chí Minh còn cảm ơn chương trình đã cho ông có cơ hội được chia sớt nỗi đau với đồng bào bão lụt.

Cũng từ Thành phố Hồ Chí Minh, họa sĩ Hồng Quân lo lắng: “Tôi xem thông tin về bão lũ trên ti vi, trên báo chí. Thương quá miền Bắc ơi, Hà Nội ơi!”. Hồng Quân sinh ra ở Hà Nội. Khi cha anh, nhạc sĩ Phan Nhân viết “Hà Nội niềm tin và hi vọng” giữa trời đạn bom thì anh đang một mình đi sơ tán. Ngay trong đêm siêu bão đang hoành hành nhiều nơi họa sĩ gửi tặng chương trình bức tranh nhỏ về miền tây sông nước: “Ba tôi sinh ở An Giang. Má tôi cũng ở miền Tây. Nhưng ba má tôi và cả tôi nữa đều có những năm tháng không thể quên ở Hà Nội. Miền Bắc và Hà Nội luôn trong trái tim tôi”, anh tâm sự.

“Sau cơn mưa chiều” của họa sĩ Phạm Luận

“Sau cơn mưa chiều” của họa sĩ Phạm Luận

Chút than hồng trong ngày giá rét

Họa sĩ Tào Linh chia sẻ quan điểm: “Tham gia đấu giá tranh từ thiện thì phải chọn bức tử tế chứ không phải tranh ế”. Đây cũng là quan điểm của các họa sĩ tham gia chương trình. Năm 2023, điêu khắc gia, họa sĩ Phạm Văn Hạng có triển lãm cá nhân mang tên “Tự cảm” gồm các tác phẩm hội họa và điêu khắc ở V- Art Space, Ciputra Club, Hà Nội. Cuộc triển lãm thu hút sự quan tâm của đông đảo văn nghệ sĩ nổi tiếng đang sống và làm việc tại Hà Nội. Thật bất ngờ, khi điêu khắc gia nổi tiếng, đồng tác giả công trình Cầu Rồng (Đà Nẵng) gửi tặng chương trình tác phẩm “đinh” của ông: “Tự cảm”, chất liệu sơn dầu, kích thước 110x110cm. Đây là một trong những bức tranh có kích thước lớn nhất tại cuộc đấu giá lần này.

“Lọ hoa” của họa sĩ Tào Linh

“Lọ hoa” của họa sĩ Tào Linh

Ở tất cả chương trình đấu giá tranh trực tuyến do báo Tiền Phong tổ chức với mục đích thiện nguyện các họa sĩ tặng 100% số tiền thu được sau đấu giá. Có những tác phẩm trị giá tới trăm triệu đồng và cao hơn nữa. Nhưng những người cầm cọ chuyên nghiệp sẵn sàng trao tặng tất cả, không mảy may đắn đo. Một họa sĩ tâm sự: “Họa sĩ trước hết là công dân Việt Nam. Người Việt Nam có câu: Lá lành đùm lá rách. Chúng tôi tặng tranh cho chương trình như tặng chút than hồng trong ngày giá rét, là việc nên làm với đồng bào mình ở nhiều vùng đất bị thiên tai tàn phá”. Các họa sĩ kỹ càng chọn lựa tranh để làm sao cuộc đấu giá được suôn sẻ, thu hút sự tham gia của những nhà sưu tập hảo tâm. Họa sĩ Phạm An Hải gửi đến chương trình tác phẩm “Sen mùa hạ”. Nếu là fan của tranh Phạm An Hải, chịu khó theo dõi tác phẩm của họa sĩ theo dòng trừu tượng thì người xem sẽ nhớ ngay bức tranh nhỏ này. Cuộc đấu giá tranh trực tuyến vì mục đích thiện nguyện có khá nhiều bức tĩnh vật. Bởi các họa sĩ đều mong những u ám, buồn đau do thiên tai ập đến sẽ qua mau, cuộc sống thanh bình trở lại. Tác giả của những câu thơ được yêu thích: “Mặt trời trưa đã quá đỉnh đầu/Vách đá chắn ngang điều muốn nói/Em ru gì cho đá núi/Đá núi trụi trần vết tạc của thời gian” cũng góp mặt trong chương trình. Thi sĩ Giáng Vân đã cầm cọ nhiều năm nay và dành tặng chương trình 3 bức tranh nhỏ về hoa, về cảnh chiều. Chị động viên phóng viên Tiền Phong cứ mạnh dạn gõ cửa các họa sĩ, đừng ngại ngần bởi: “Không ai từ chối đâu”. Nhiều họa sĩ tặng chương trình những bức tranh nhỏ xinh vì muốn dành một cơ hội cho những người yêu tranh Việt nhưng điều kiện tài chính chưa rôm rả: “Ai cũng có thể đến với tranh Việt, nếu thực sự yêu thích. Và ai cũng có thể chung tay khắc phục hậu quả siêu bão Yagi khi có một tấm lòng”, một họa sĩ nói.

“Hoa hồng vàng” của Nhà giáo ưu tú, họa sĩ Đoàn Văn Nguyên

“Hoa hồng vàng” của Nhà giáo ưu tú, họa sĩ Đoàn Văn Nguyên

Tôi là họa sĩ Việt Nam

Nếu còn thời gian thì chắc chắn cuộc đấu giá tranh trực tuyến chung tay khắc phục hậu quả siêu bão Yagi không dừng lại ở 18 tác giả với 20 tác phẩm. Chính các họa sĩ là người lan truyền thông điệp nhân văn mùa bão lũ. Họa sĩ Trần Lưu Mỹ, con trai cố danh họa Trần Lưu Hậu, lần thứ hai tham gia đấu giá tranh trực tuyến vì mục đích thiện nguyện do báo Tiền Phong tổ chức. Không chỉ tham gia nhiệt tình anh còn kêu gọi đồng nghiệp cùng tham gia. Lần này, họa sĩ Trần Lưu Mỹ đã mời họa sĩ Trần Hải Minh, đang sống và vẽ ở Bình Dương, cùng tham gia chương trình. Trần Hải Minh đang sống và vẽ ở cả Việt Nam và Đức nhưng anh luôn tự hào: Tôi là họa sĩ Việt Nam. Là họa sĩ Việt Nam thì không thể làm ngơ trước nỗi đau của đồng bào mình. Anh đã từng tham gia nhiều chương trình đấu giá tranh thiện nguyện nên khi họa sĩ Trần Lưu Mỹ kêu gọi, Trần Hải Minh đồng ý ngay.

“Hoa” của họa sĩ Lê Anh Hoài

“Hoa” của họa sĩ Lê Anh Hoài

Họa sĩ Phan Minh Châu, con dâu cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, vừa khép lại triển lãm cá nhân “Nét sợi” ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với dấu ấn về “ngôi nhà nở hoa” trải lòng, chị cảm động khi được mời tham gia chương trình. Vì bản thân chị cũng muốn được chia sẻ với đồng bào gặp thiên tai bằng hoạt động nghệ thuật của mình. Họa sĩ Đỗ Thúy Hằng, phu nhân của danh họa Đặng Xuân Hòa, tặng ngay một “Góc bình yên” bởi từ khi siêu bão càn quét chị đã thúc giục mình phải làm một việc gì đó để sẻ chia với đồng bào vùng lũ.

Họa sĩ Phạm Luận dự định sáng tác riêng cho chương trình đấu giá tranh trực tuyến chung tay khắc phục hậu quả siêu bão Yagi nhưng lại không có thời gian. Siêu bão tấn công Hà Nội, “tổ ấm” bên Hồ Tây của họa sĩ không tránh khỏi thiệt hại. Yagi đi qua, họa sĩ bận bịu sửa nhà nhưng ông vẫn tham gia chương trình bằng tác phẩm “Sau cơn mưa chiều”. Bức tranh này được một khách “đặt hàng” cho ngôi nhà mới của họ nhưng ông đành lỗi hẹn với khách để ủng hộ đồng bào bão lũ. Họa sĩ Đào Hải Phong đang sống và vẽ ở Đà Nẵng trăn trở với việc chọn tranh để tặng chương trình. Anh nói: “Tặng tranh cho chương trình thiện nguyện thì phải cỡ “hoa hậu”, “á hậu” để còn bán được chứ!”. Sau vài ngày lục tung kho ảnh chụp tranh lưu giữ trong máy điện thoại cuối cùng anh cũng chấm được một “hoa hậu”.

Những họa sĩ đầu tiên ủng hộ hoạt động đấu giá tranh trực tuyến là những họa sĩ đã và đang làm việc tại báo Tiền Phong, như nhà văn, họa sĩ Lê Anh Hoài, Phó Tổng Thư ký Tòa soạn báo Tiền Phong. Họa sĩ Phan Minh Bạch, từng công tác ở Công ty Tiền Phong. Họa sĩ 8x duy nhất góp mặt trong cuộc đấu giá là Trần Lâm Bình, anh gửi tới tác phẩm trừu tượng “Nụ hôn” với kích thước “khủng” 160x160 cm.

18 tác giả, 20 tác phẩm

18 tác giả: Đoàn Văn Nguyên, Phạm Văn Hạng, Phạm Luận, Đỗ Đức, Kim Thái, Đào Hải Phong, Phạm An Hải, Đỗ Thúy Hằng, Trần Hải Minh, Trần Lưu Mỹ, Tào Linh, Lê Anh Hoài, Phan Minh Bạch, Hồng Quân, Phan Minh Châu, Giáng Vân, Đặng Lưu San, Trần Lâm Bình. Mỗi tác giả tặng chương trình một bức tranh, riêng thi sĩ, họa sĩ Giáng Vân tặng ba bức tĩnh vật. Mọi thông tin về chương trình đấu giá tranh trực tuyến chung tay khắc phục hậu quả siêu bão Yagi xin truy cập www.tienphong.vn

Tình nguyện giảm giá tác phẩm

Khi phóng viên đang viết bài này, họa sĩ Phạm Luận gọi điện. Ông tự nguyện giảm giá tranh trong cuộc đấu giá tranh trực tuyến so với giá tác phẩm hội họa của ông trên thị trường hiện nay: “Đây là trường hợp ngoại lệ”, Phạm Luận khẳng định. Vì ông muốn chia sẻ với những nhà sưu tập trong cơn suy thoái kinh tế. Chính nhà sưu tập cũng là những nhà hảo tâm khi tham gia đấu giá tranh trực tuyến chung tay khắc phục hậu quả siêu bão Yagi. Vì thế, họa sĩ Phạm Luận muốn dành giá “yêu thương” cho họ. Từ Thành phố Hồ Chí Minh, điêu khắc gia, họa sĩ Phạm Văn Hạng vui vẻ đồng ý khi phóng viên đề đạt mong muốn có một mức giá thấp hơn giá trên thị trường với tác phẩm tham gia đấu giá của ông.

Các họa sĩ Tào Linh, Đỗ Thúy Hằng, Phan Minh Châu, Phan Minh Bạch… cũng đồng loạt tự giảm giá tác phẩm của mình. Giá tranh “yêu thương” cũng là một hình thức “nối vòng tay lớn” giữa họa sĩ - nhà sưu tập và những mảnh đời tả tơi sau siêu bão.

Nông Hồng Diệu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sieu-bao-yagi-va-tam-long-hoa-si-viet-post1673206.tpo