Siêu bụi mịn tấn công các đô thị châu Á

Những tháng gần đây, người dân đang sinh sống ở những đô thị lớn ở Châu Á đang rất lo lắng về vấn đề ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bụi siêu mịn có kích thước siêu nhỏ, khiến chúng có thể dễ dàng vượt qua tất cả các hàng rào ngăn bụi của hệ hô hấp, bít các lỗ trao đổi oxy ở phế nang, tác động đến cấu trúc DNA, là một trong những tác nhân gây ung thư hàng đầu.

Đặc biệt, trong khoảng thời gian gần đây, hàng loạt những đô thị lớn ở Châu Á đang phải đối mặt với vấn đề không khí. Khu vực đứng đầu về ô nhiễm không khí tại khu vực Châu Á không thể không nhắc đến Ấn Độ. Theo bảng thống kê của WHO, Ấn Độ đứng đầu về số lượng bụi siêu mịn tồn tại trong không khí, ngưỡng cao nhất đất nước này từng đạt đến là 440 microgram/m3 ở thành phố Delhi, vượt gấp 12 lần ngưỡng an toàn cho con người là 25 microgram/m3.

Trả lời cho nguyên nhân xảy ra vấn đề này, các quan chức chính phủ cho rằng đây là hệ quả việc từ việc đốt rẫy sau vụ thu hoạch, khí thải từ hàng triệu phương tiện mỗi ngày, khói bụi từ các công trường xây dựng và việc đốt pháo tại các buổi lễ hội thường niên. Để đối mặt với vấn đề này, chính quyền thành phố Delhi đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau như chuyển sang lưu thông bằng nhiên liệu sạch hơn, hạn chế lưu lượng tham gia giao thông, cấm sử dụng nhiên liệu công nghiệp gây ô nhiễm.

Bên cạnh đó chính phủ cũng mở thêm hai tuyến đường chính ở phía đông và phía tây Delhi để đưa các phương tiện chuyển hàng hóa nặng ra khỏi thành phố. Việc áp dụng nhiều biện pháp khác nhau cùng lúc đã giúp cho số lượng bụi trong không khí giảm xuống nhưng vẫn ở mức cao. Ước tính chính quyền thành phố cũng như đất nước Ấn Độ phải giảm thêm 65% chỉ số bụi mịn so với hiện tại mới chạm được mức tiêu chuẩn không khí sạch.

Bụi siêu mịn cũng đang tấn công những trung tâm lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Trùng Khánh,...

Theo báo cáo nghiên cứu, Trung Quốc đang phải đương đầu với hai chất gây ô nhiễm là bụi siêu vi và khí ozone. Hằng năm hơn 1,1 triệu người Trung Quốc chết vì những căn bệnh liên quan đến hô hấp và khoảng 20 triệu tấn nông nghiệp nông sản bị hư hại mỗi năm. Ngay khi nhận ra tình hình cấp bách, chính phủ Trung Quốc đã bắt tay vào việc phân tích và tìm kiếm giải pháp. Đầu tiên, chính phủ Trung Quốc buộc các hộ gia đình thay thế các nguồn năng lượng sạch hơn như điện hoặc khí đốt tự nhiên.

Tuy lúc đầu, chính sách vấp phải sự phản đối nhưng chỉ trong một thời gian, người dân dần nhận ra được sự thay đổi của không khí được cải thiện đáng kể. Tiếp theo, Trung Quốc đã đóng cửa hơn 2500 nhà máy, từ chối hơn 20 000 đơn xin thành lập nhà máy mới. Thậm chí, chính quyền còn tuyên bố sẽ đóng cửa hơn 1000 nhà máy ở khu vực Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc vì đây được coi là trọng điểm của ô nhiễm không khí. Đồng thời cũng hạn chế số lượng phương tiện giao thông trên đường và khuyến khích những phát minh sử dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường.

Người dân tại Seoul, Hàn Quốc cũng đang phải đối mặt với kẻ thù mang tên “bụi siêu mịn”, chỉ số cao nhất từng được đo ở đất nước này là 189 microgram/m3. Chính quyền Hàn Quốc nhận định, số lượng bụi trong không khí tăng đột biết là do bụi từ Trung Quốc tràn sang, cộng thêm lượng khí thải từ ô tô, xe máy chạy bằng diesel đã gây nên vấn đề nghiêm trọng này. Hàn Quốc đã đưa ra một vài chính sách cần thiết như hạn chế các phương tiện có động cơ đã cũ từ trước năm 2005, hạ công suất các nhà máy nhiệt điện trong khu vực xuống còn 20% và sử phạt tài xế để xe nổ máy trong lúc dừng đỗ.

Có thể thấy, bụi siêu vi là một trong những tác nhân “thầm lặng” nguy hiểm gây hại trực tiếp đến sức khỏe con người. Theo Bộ Y tế khuyến cáo, chúng ta nên hạn chế tối thiểu đi lại trong khoảng thời gian 7 giờ đến 8 giờ sáng và 18 giờ đến 19 giờ tối. Khi ra đường nên đeo khẩu trang, sử dụng máy lọc khí trong nhà hoặc văn phòng để giúp làm giảm bớt sự ô nhiễm, đồng thời tăng cường những thực phẩm giúp tăng hệ miễn dịch và ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp do bụi gây ra.

HA(tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sieu-bui-min-tan-cong-cac-do-thi-chau-a-a460247.html