Siêu cường bóng đá

Một đất nước Uruguay nhỏ bé với 3,4 triệu dân có thể thành công đến vậy trong bóng đá, tại sao những nước lớn hơn và giàu hơn nhiều lại không?

Vào một chiều chủ nhật đầy nắng, cách xa SVĐ bóng đá quốc gia Uruguay, 14 cậu bé 7 tuổi đang chơi trên một cái sân bóng mấp mô, gồ ghề. Cổ động viên là cha mẹ các em, những người vừa là huấn luyện viên, vừa lo đồ tập và đồ ăn cho các em.

Trận bóng đó là một trong hàng trăm trận diễn ra hàng tuần, trong khuôn khổ Baby Football, một giải bóng quốc gia dành cho trẻ em từ 4-13 tuổi. Luis Súarez và Edinson Cavani, hai trong số những tiền đạo xuất sắc nhất thế giới, đã được sản sinh từ hệ thống này.

Dù không còn là “gã khổng lồ” như đầu thế kỷ 20, nhưng Uruguay, vẫn rất thành công. Messrs Súarez và Cavani đã đưa đội tuyển quốc gia vào tới vòng bán kết năm World Cup 2010 và giành cúp vô địch lần thứ 15 của Cúp bóng đá Nam Mỹ (COPA America) năm 2011.

Nếu đất nước Uruguay nhỏ bé với 3,4 triệu dân có thể thành công đến vậy, tại sao những nước lớn hơn và giàu hơn nhiều lại không?

Câu hỏi này có lẽ đã dằn vặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người muốn đất nước mình trở thành một siêu cường bóng đá vào năm 2050. Kế hoạch của ông bao gồm lập 20.000 trung tâm huấn luyện mới, bên cạnh học viện bóng đá lớn nhất thế giới ở Quảng Châu, trị giá 185 triệu USD. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã chi hàng tỷ USD để mua các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu, với hy vọng học hỏi từ họ. Saudi Arabia đã trả tiền để đưa 9 cầu thủ của mình sang liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha cọ xát... Nhưng tới nay, các nước này vẫn có quá ít thành tích để khoe ra, bất chấp các khoản chi tiêu lớn đó.

The Economist đã xây dựng một mô hình thống kê để xác định điều gì khiến một đất nước mạnh về bóng đá. Mục đích là nhằm tìm hiểu các nhân tố cơ bản trong thể thao và kinh tế quyết định tiềm năng bóng đá của một quốc gia – và giải thích tại sao một số nước đã vượt hơn kỳ vọng hoặc tiến bộ nhanh chóng. Nhóm nghiên cứu lấy kết quả tất cả các trận đấu quốc tế từ năm 1990 để tìm xem những tham số liên quan tới số lượng bàn thắng của mỗi đội.

Stefan Szymanski, chuyên gia kinh tế Đại học Michigan (Mỹ), đã chỉ ra các nước giàu có hơn có xu hướng có nền thể thao mạnh hơn. Trong làng bóng có rất nhiều ngôi sao xuất thân nghèo khó, nhưng những người lớn lên trong hoàn cảnh đó phải đối mặt với những trở ngại lớn nhất. Do đó, nhóm nghiên cứu tính cả GDP trên đầu người vào mô hình.

Sau đó, họ đã thử tính toán mức độ phổ biến của môn thể thao vua này tại các quốc gia. Năm 2006, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã đề nghị các liên đoàn bóng đá quốc gia ước tính số đội bóng và cầu thủ ở mọi trình độ. Nhóm nghiên cứu đã thêm số liệu dân số để suy ra tỷ lệ tham gia bóng đá tổng thể.

Họ bổ sung vào sự phỏng đoán này các dữ liệu mới hơn: số lần tìm kiếm từ khóa bóng đá (football) trên Google từ năm 2004-2018, trong tương quan với các môn thể thao khác. Bóng đá nhận được sự chú ý của 90% người châu Phi, so với 20% người châu Mỹ và chỉ 10% người Nam Á (vốn thích môn cricket hơn).

Tiếp đến, họ tính đến ưu thế sân nhà, vốn có giá trị tạo ra trung bình khoảng 0,6 bàn thắng trong mỗi trận đấu, và sức mạnh của đối thủ.

Cuối cùng, để kết quả được chính xác hơn, họ đã cắt giảm số mẫu xuống còn 126 quốc gia đã chơi ít nhất 150 trận từ năm 1990.

Mô hình đã giải thích được 40% sự chênh lệch bàn thắng trung bình của các đội bóng. Nhưng vẫn có những nước “ngoại lệ”. Uruguay có kết quả tốt nhất, mỗi trận ghi hơn gần một bàn thắng so với kỳ vọng. Tiếp đến là Brazil, Argentina, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Thật đáng buồn đối với những lãnh đạo đầy tham vọng, các số liệu cho thấy Trung Quốc và khu vực Trung Đông đã đầu tư cao hơn tiềm năng quá thấp của họ.

Đồ thị kỳ vọng về màn trình diễn của đội tuyển các quốc gia theo mô hình của The Economist

Từ đó, The Economist gợi ý, giới chức với giấc mơ giành cúp vô địch thế giới có thể rút ra 4 bài học từ những nước “ngoại lệ” và đang tiến bộ trong mô hình của họ. Đầu tiên là khuyến khích trẻ em phát triển sáng tạo. Thứ hai là không bỏ sót tài năng trẻ. Thứ ba là tận dụng tối đa mạng lưới bóng đá toàn cầu rộng lớn. Và thứ tư là chuẩn bị thích đáng cho các giải đấu.

Bắt đầu từ trẻ em. Bài học rõ ràng từ Uruguay là để nhiều trẻ em tiếp xúc với bóng đá nhất có thể, để phát triển kỹ thuật. Ông Tập Cận Bình muốn bóng đá được giảng dạy trong 50.000 trường học ở Trung Quốc vào năm 2025. Trung Quốc nên thử cái gì đó kiểu “Dự án 119”, một cơ chế huấn luyện không ngừng nghỉ cho các bạn trẻ, giúp đưa Trung Quốc lên đầu bảng tổng sắp huy chương tại Olympic Bắc Kinh năm 2008.

Vấn đề là, theo chuyên gia chỉ ra, việc rèn luyện tàn nhẫn này “đánh mất những lợi thế chưa gọt rũa, vốn tạo ra thiên tài”. Các cầu thủ Đông Đức tập luyện gian khổ hơn các cầu thủ Tây Đức, nhưng chỉ góp mặt tại World Cup một lần.

Bí quyết ở đây không phải chỉ là có nhiều trẻ em chơi bóng, mà còn là để các em phát triển một cách sáng tạo. Ở nhiều nước, họ làm việc này bằng cách tự học. Futsal đã rèn giũa kỹ năng cho các cầu thủ vĩ đại ở Mỹ Latinh và xứ Iberia, từ Pelé và Diego Maradona đến Cristiano Ronaldo, Lionel Messi, Neymar và Andrés Iniesta. Zinedine Zidane là một trong nhiều thần đồng của Pháp, đi lên từ bóng đá đường phố.

Các cơ hội như thế đang mất đi ở các nước giàu. Matt Crocker, người phụ trách đào tạo cầu thủ trong Liên đoàn bóng đá Anh (FA), cho biết cha mẹ ngày nay miễn cưỡng cho phép con cái ra ngoài chơi bóng đá. Nhiều khu nhà ở xã hội có biển hiệu cấm chơi đá bóng.

Đầu những năm 2000, người ta nhận ra các cầu thủ vạm vỡ của Đức gặp khó trước các đội bóng giàu kỹ thuật hơn. Theo mô hình của The Economist, đội tuyển quốc gia Đức Die Mannschaft vượt trội các đối thủ, vì sự giàu có, nguồn cầu thủ đông đảo và không có các môn thể thao khác cạnh tranh. Nhưng từ năm 1990 – 2005, mỗi trận đấu họ ghi được ít hơn 1/3 bàn thắng mỗi trận so với kỳ vọng.

Thế là Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) sửa chữa lỗi lầm. Từ năm 2001, các CLB Đức đã chi khoảng 1,2 tỷ USD để phát triển các học viện bóng đá thiếu nhi, mục tiêu là có 250 học viện trên cả nước. Người trẻ giờ đây được đào tạo nhiều gấp đôi trước khi 18 tuổi. Tuy nhiên, quan trọng là các khóa học này tập trung vào sự sáng tạo trong các môi trường phóng túng. Mô hình cho thấy từ năm 2006, đội Đức hầu như đã đáp ứng như kỳ vọng cao đặt ra.

Tranh minh họa: The Economist

Bài học thứ hai là không bỏ sót tài năng thiếu niên. DFB nhận ra nhiều tài năng đã bị những người chiêu mộ của các CLB bỏ qua, vì vậy họ lập ra 360 trung tâm khu vực cho những đối tượng này. Một trong số này là André Schürrle, người đã tạo ra đường truyền dẫn tới bàn thắng giành cúp năm 2014. Tại Hàn Quốc, HLV Hiddink đã tìm ra một số cầu thủ trẻ xuất sắc từ các đội bóng quân đội hoặc trường đại học, nơi các tay chiêu mộ chuyên nghiệp của CLB đã bỏ sót.

Năm 2010, khi Nga giành được quyền đăng cai World Cup, ông Hiddink đã đề nghị các ông chủ của mình lúc đó mở một chương trình chiêu mộ toàn quốc để tìm các cầu thủ tài năng, song không thành hiện thực. Đội Nga đã giảm sút kể từ đó, không giành được chiến thắng nào tại Giải vô địch châu Âu (UEFA Euro) năm 2016. Nga giờ đây “sở hữu” một trong những đội bóng già nhất World Cup.

Sự thiển cận như thế cũng đã có hại cho nước Mỹ, họ cũng đã bị loại khỏi World Cup năm nay. Mô hình của The Economist tính toán rằng Mỹ phải là một trong những nước bóng đá mạnh nhất, bất chấp cả sự nổi tiếng của các môn thể thao khác như bóng rổ và bóng chày. Nhưng ít cầu thủ được huấn luyện nghiêm túc trong hệ thống trường không chuyên, và những người không tham gia Giải vô địch quốc gia Mỹ thì không thể thăng tiến.

Các cơ chế tập trung dễ thành lập hơn ở các nước nhỏ. Tất cả các đội bóng trẻ em ở Uruguay đều được được ghi nhận kết quả trong cơ sở dữ liệu quốc gia. Iceland - nước đã được tham gia vòng chung kết dù chỉ có 330.000 cầu thủ và 100 cầu thủ chuyên nghiệp chơi toàn thời gian - đã đào tạo hơn 600 huấn luyện viên để làm việc với các câu lạc bộ cấp bình dân. Từ năm 2000, họ đã xây dựng 154 sân bóng nhỏ có hệ thống sưởi ngầm để mọi đứa trẻ đều có cơ hội chơi dưới sự giám sát.

Các chương trình như thế là bất khả thi tại châu Phi. Abdoulaye Sarr, từng là một nhà quản lý ở Senegal, cho biết các tài năng ở nước này rất nhiều nhưng không được phát triển. Tiền lẽ ra được chi để phát hiện và đào tạo tài năng lại rơi vào tay các quan chức tham nhũng.

Tuy nhiên, khu vực Tây Phi đã áp dụng khuyến nghị thứ ba của nhóm nghiên cứu về khai thác mạng lưới bóng đá toàn cầu. Tây Âu nằm ở trung tâm của mạng lưới này, vì họ có các CLB giàu có nhất, nơi các cầu thủ nhận được sự huấn luyện tốt nhất. Bờ Biển Ngà - nước đã không được vào vòng chung kết năm nay nhưng là nước đạt thành tích vượt mong đợi nhất ở châu Phi - đã xuất khẩu một thế hệ ngôi sao trẻ cho CLB Beveren của Bỉ. Nhiều trong số họ sau này phát triển mạnh tại giải Ngoại hạng Anh (Premier League). Khi Senegal thắng đương kim vô địch Pháp vào năm 2002, gần như toàn bộ thành viên đội của họ (trừ hai cầu thủ) đều đã từng chơi cho các đội bóng của Pháp.

Xuất khẩu cầu thủ không phải là cách duy nhất để hưởng lợi từ kinh nghiệm nước ngoài. Theo một chuyên gia, phần lớn hệ thống giáo dục bóng đá của Nam Mỹ là do các huấn luyện viên Do Thái chạy trốn khỏi châu Âu trong thập niên 1930 gây dựng. Ngày nay, các huấn luyện viên hàng đầu cũng đã đến châu Á để làm việc và chia sẻ kinh nghiệm, như HLV Guus Hiddink. Nhưng theo chuyên gia kinh tế Szymanski, rất ít HLV có thể cải thiện được đáng kể những đội tuyển xoàng.

Ông Szymanski cho rằng các nước này đang trải qua một dạng “bẫy thu nhập trung bình” trong bóng đá, theo đó các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng “copy” các công nghệ từ các nước giàu nhưng không thực hiện cải cách cơ cấu. Một huấn luyện viên thông minh có thể đem đến những chiến thuật mới nhưng không thể tạo ra một thế hệ trẻ sáng tạo.

Bài học cuối cùng là chuẩn bị thật thích đáng. Năm 2014, Ghana đã phải chuyển gấp 3 triệu USD tiền thưởng cho các cầu thủ để tránh một cuộc đình công, trong khi đội tuyển Nigeria đã tẩy chay một buổi tập vì lý do lương lậu. Fabio Capello, cựu HLV đội tuyển Nga, đã bị nợ lương 11 triệu USD trong nhiều tháng sau khi đồng Rúp sụp đổ.

Các quyết định khó khăn nhất là ở chỗ cầu thủ. Kết quả đá penalty của đội tuyển Anh rất đáng buồn: thua 6/7 loạt sút luân lưu. Chính vì vậy mà U-17 Anh, đội từng thắng một trận đá luân lưu trong World Cup dành cho lứa tuổi này, đã học cách bình tĩnh và luyện tập một loạt cú sút có tính toán trước.

Một quốc gia có thể lên kế hoạch tỉ mỉ và vẫn thất bại vì một cú đập bóng kém may mắn hay một quyết định của trọng tài tại World Cup. Tuy nhiên, đối với người hâm mộ, sự ngẫu nhiên này lại tạo ra một tia hy vọng.

Diệu An

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/sieu-cuong-bong-da-474394.html