Siêu đập thủy điện Đại Phục Hưng tích nước khiến hàng xóm căng thẳng
Ethiopia bắt đầu cho phép siêu đập Đại Phục Hưng ở đầu nguồn sông Nile tích nước. Hành động này đã làm gia tăng căng thẳng với Ai Cập và Sudan.
Dự án thủy điện khổng lồ trị giá gần 5 tỷ USD trên sông Nile Xanh là trọng tâm kế hoạch trở thành nhà xuất khẩu điện lớn nhất châu Phi của Ethiopia. Tuy nhiên, Ai Cập lo ngại mực nước sông Nile, dòng sông có hơn 100 triệu người phụ thuộc, có thể bị giảm mạnh, theo Guardian.
“Việc xây dựng đập và tích nước đi đôi với nhau”, ông Seleshi Bekele, bộ trưởng Tài nguyên Nước của Ethiopia, cho biết hôm 15/7.
Ông Bekele không xác nhận Ethiopia bắt đầu tích nước cho con đập. Nhưng bộ trưởng cũng xác nhận các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy hồ chứa đang đầy lên.
Ông Ahmed Hafez, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ai Cập, cho biết Ai Cập yêu cầu chính phủ Ethiopia khẩn cấp làm rõ liệu việc tích nước cho đập có chính thức bắt đầu hay không. “Ai Cập sẽ tiếp tục theo dõi những diễn tiến trên truyền thông của vụ việc”, ông nói thêm.
Một thập kỷ qua, Ethiopia, Sudan và Ai Cập đã đàm phán thỏa thuận điều tiết dòng nước từ dự án thủy điện này và các nước đã tăng cường đàm phán trong những ngày gần đây khi công việc xây dựng đập gần hoàn tất.
Đập Đại Phục Hưng chắn ngang sông Nile Xanh - dòng sông chảy từ hồ Tana ở Ethiopia và hợp lại với sông Nile Trắng ở Khartoum, Sudan trước khi chảy vào Ai Cập. Sẽ mất vài năm để tích nước cho con đập này.
Vào đầu tháng 4, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cho biết việc xây dựng con đập sẽ tiếp tục mặc dù đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Hồ chứa của đập sẽ được tích nước trong mùa mưa.
Sudan không lo lắng về con đập này như Ai Cập. Nước này hy vọng việc mua được điện giá rẻ sẽ mang lại động lực cho nền kinh tế đang gặp khó khăn của Sudan. Ông Yasser Abbas, Bộ trưởng Thủy lợi Sudan, hôm 13/7 nói rằng các bên “đều muốn tìm giải pháp”, nhưng vẫn còn những bất đồng về kỹ thuật và pháp lý với việc tích nước và hoạt động của con đập.
Các nhà phân tích nói rằng nỗi lo thiếu hụt nước “không hoàn toàn chính đáng ở giai đoạn này nhưng nếu có một đợt hạn hán trong vài năm tới, đây chắc chắn có thể trở thành một rủi ro”.