Siêu dự án điện thủy triều của Liverpool có thể cung cấp điện cho 1 triệu ngôi nhà
Các nhà chức trách ở Liverpool có ý tưởng biến cửa sông Mersey trở thành nhà máy điện thủy triều khổng lồ, cung cấp năng lượng cho 1 triệu ngôi nhà, đóng vai trò quan trọng trong tương lai bền vững của Anh.
Sông Mersey là một trong những tuyến đường thủy mang tính biểu tượng của châu Âu. Ngoài việc là trung tâm chính cho ngành đóng tàu và công nghiệp, dòng sông còn là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn, nghệ sĩ và nhạc sĩ.
Các nhà chức trách ở Liverpool đang có ý tưởng biến dòng sông trở thành một dự án năng lượng thủy triều khổng lồ, có thể cung cấp năng lượng cho 1 triệu ngôi nhà, tạo ra hàng nghìn việc làm cho khu vực trong quá trình này.
Nếu được xây dựng, cơ sở điện thủy triều này sẽ có công suất ít nhất 1 gigawatt và tận dụng nguồn nước thủy triều của Mersey, cao thứ hai ở nước Anh. Trong tình huống kế hoạch thành công, sông Mersey sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai bền vững của Anh.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, ông Martin Land, giám đốc Dự án Điện thủy triều Mersey phác thảo phương thức hệ thống điện thủy triều sẽ hoạt động trong thực tế.
Ông giải thích, ý tưởng điện thủy triều là tập trung vào phương án tạo ra “một cấu trúc để kìm hãm dòng thủy triều hoặc kiềm chế mức nước thủy triều, chúng tôi để chiều cao nước tăng lên ở một bên của cấu trúc cản nước và bên kia ở mức thấp.”
“Và sau đó chúng tôi để nước biển chạy qua tua-bin và sản xuất điện”, ông nói thêm. “Hệ thống sử dụng năng lượng dòng chảy tiềm tàng của nước biển, xuất hiện khi có sự chênh lệch độ cao của thủy triều.”
Phương thức thiết lập này khác với phương thức lắp đặt và sử dụng tua-bin dòng thủy triều, kỹ thuật này theo thuật ngữ đơn giản, tương tự như tua-bin gió dưới nước.
Ông Land thông báo với CNBC, dự án khổng lồ này sắp kết thúc giai đoạn ý tưởng với một số kịch bản thiết kế được trình bày.
Ông nói: “Chúng tôi vẫn có sự lựa chọn cho vị trí đập, sẽ đi từ phía Birkenhead, bờ trái của Mersey, sang bờ phải phía Liverpool. Hoặc theo phương pháp khác, đập sẽ ngăn nước trong một đầm phá.”
Trải dài trên vùng nước nước lớn là, hệ thống rào cản thủy triều tương tự như đập ngăn nước. Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế mô tả, những đầm phá thủy triều tương tự như một đập nước, nhưng nói thêm rằng “những đầm phá không nhất thiết phải kết nối với bờ biển” và có thể “nằm trong đại dương.”
Những hệ thống đập thủy triều đang hoạt động ngày nay bao gồm Nhà máy điện thủy triều La Rance công suất 240 megawatt thuộc cơ quan quản lý Năng lượng Pháp và nhà máy điện thủy triều hồ Sihwa 254 MW của Hàn Quốc, đang là nhà máy điện thủy triều lớn nhất thế giới.
Mở đường cho sự phát triển dự án
Những đề xuất ban đầu cho một con đập ngăn cản thủy triều kéo dài qua Mersey được hình thành năm 1924. Dự án đã có một số bước tiến trong thời gian gần đây. Tháng 12/2022, Anh đã ký kết một thỏa thuận với Tập đoàn Tài nguyên nước Hàn Quốc K-water, chủ sở hữu và nhà điều hành cơ sở Hồ Sihwa.
Cơ quan quản lý khu vực thành phố Liverpool trong một tuyên bố nhân lễ ký kết cho biết, K-Water đồng ý “chia sẻ kiến thức về năng lượng thủy triều” đồng thời nhấn mạnh, thỏa thuận sẽ là cơ sở để “K-water và Cơ quan có Thẩm quyền kết hợp hợp tác chặt chẽ nhằm khám phá những tiềm năng về năng lượng thủy triều.”
Cơ quan có Thẩm quyền kết hợp ở Liverpool rất lạc quan về triển vọng của dự án điện thủy triều, tuyên bố trên trang web chính thức của tổ chức: “thời đại của điện thủy triều đã đến” nhờ những phát triển công nghệ hiện đại và tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu.
Trong một tuyên bố gửi tới CNBC, Steve Rotheram, thị trưởng của Khu vực thành phố Liverpool, cũng đưa ra những phát biểu tương tự. Ông viết: “Sau khi đi vào hoạt động, Mersey Tidal Power sẽ có tiềm năng trở thành hệ thống điện thủy triều lớn nhất thế giới.”
Các cơ sở năng lượng thủy triều đã hoạt động hàng thập kỷ, nhà máy điện thủy triều La Rance của EDF được xây dựng từ những năm 1960. Trong những năm gần đây, một số dự án đã đạt được những bước tiến lớn.
Tháng 2/2023, một công ty có trụ sở tại Edinburgh cho biết, mảng dòng thủy triều của doanh nghiệp đã đạt được thành tích đầu tiên trên thế giới, sản xuất 50 gigawatt giờ điện. Trước đó, tháng 7/2021, một tuabin thủy triều nặng 680 tấn đã bắt đầu phát điện nối lưới tại Trung tâm Năng lượng Biển Châu Âu ở quần đảo Orkney nằm ở phía bắc lục địa Scotland. Tháng 10/2022, kế hoạch phát triển một dự án trị giá 1,7 tỷ bảng Anh (khoảng 2,05 tỷ USD) kết hợp những công nghệ năng lượng tái tạo bao gồm tua-bin ngầm ở vùng biển ngoài khơi Swansea, thành phố ven biển ở xứ Wales được công bố.
Năng lượng tái tạo và tác động đến thiên nhiên
Tương tự như nhiều dự án năng lượng tái tạo trên khắp thế giới, cộng đồng lo ngại việc phát triển một cơ sở năng lượng thủy triều lớn ở Mersey có thể sẽ tác động đáng kể đến môi trường.
Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã Anh Cheshire Wildlife Trust tuyên bố “rất muốn hỗ trợ các chương trình năng lượng tái tạo ở đúng địa điểm” nhưng cho rằng “một kế hoạch đập phá ở Cửa sông Mersey có khả năng gây ra thiệt hại đáng kể cho môi trường. ″
Tổng quát hơn, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ lưu ý, một “nhược điểm tiềm ẩn của năng lượng thủy triều là tác động của trạm thủy triều đối với thực vật và động vật ở các cửa sông trong lưu vực thủy triều. Rào chắn thủy triều có thể làm thay đổi mức thủy triều trong lưu vực, làm tăng độ đục (lượng vật chất lơ lửng trong nước), Những đập ngăn nước cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động giao thông vận tải thủy và giải trí.”
Hiện chưa có quyết định chính thức, kế hoạch cho cửa sông Mersey sẽ là đập hay phá.
Ông Martin Land, giám đốc Dự án Điện thủy triều Mersey nhấn mạnh, đã có “bản hướng dẫn chi tiết cho đánh giá tác động môi trường mà nhà đầu tư phải thực hiện đối với các dự án lớn... đặc biệt đối với các dự án cơ sở hạ tầng lớn.”
Ông nói thêm: “Chúng tôi biết rất rõ rằng, khi phát triển những phương án triển khai dự án, chúng tôi cần xem xét tác động của kế hoạch đầu tư xây dựng đối với sông và cửa sông cũng như liệu dự án này có thể giúp giải quyết vấn đề mực nước biển dâng cao trong khu vực hay không”.
Cần sự hỗ trợ ngân sách từ chính phủ
Những đề xuất cho Dự án Điện thủy triều Mersey là một ví dụ điển hình về việc chính phủ Anh đang tìm kiếm phương án khai thác đường bờ biển rộng lớn quốc gia và trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng biển mới nổi.
Mặc dù hiện đang có rất nhiều kế hoạch, vẫn còn một khối lượng lớn công việc cần phải được thực hiện để đưa các ý tưởng trở thành hiện thực.
Điểm đặc biệt của dự án này là, dù thiết kế kiểu nào cũng cần kết hợp những âu thuyền cho một số lượng lớn tàu vận tải lớn và nhỏ đi dọc theo sông. Nếu thực hiện đầy đủ, chi phí của dự án sẽ rất lớn. Cơ quan có Thẩm quyền Kết hợp khu vực Thành phố Liverpool gọi đây là một dự án phát triển “nhiều tỷ bảng Anh”.
Với quy mô to lớn nhất thế giới của dự án, chắc chắn sẽ cần có sự hỗ trợ ngân sách từ chính quyền trung ương London, một điểm mà Rotheram thừa nhận trong phát biểu với CNBC.
Ông nói: “Chúng tôi đã chứng tỏ rằng chúng tôi có kỹ năng, năng lực và ý chí chính trị — để làm nên thành công của Mersey Tidal Power. Bây giờ chúng tôi cần chính phủ phối hợp với tham vọng của chúng tôi bằng nguồn kinh phí nhà nước để biến ý tưởng thành hiện thực.”
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, ông Martin Land cũng nhắc lại quan điểm của Rotheram: “Hành động của chính phủ sẽ cho phép chúng tôi tự tin tiến về phía trước. Chúng tôi muốn chuyển sang lựa chọn chương trình duy nhất trong năm nay. Chúng tôi muốn tham gia vào quá trình đồng ý chính thức cấp quốc gia để có thể xây dựng và vận hành nhà máy điện thủy triều vào đầu những năm 2030.”