'Siêu lợn' từ Canada đe dọa nước Mỹ
Một đàn 'siêu lợn' đang xâm nhập các bang phía Bắc nước Mỹ và có thể trở thành mối đe dọa lớn đối với hệ động thực vật bản xứ.
Trong nhiều thập kỷ, lợn rừng là “kẻ thù" của hệ động thực vật ở Mỹ. Chúng ngấu nghiến mùa màng, lây lan dịch bệnh, thậm chí giết chết hươu cùng nai sừng tấm.
Giờ đây, mối lo ngại về loài vật này ngày càng tăng khi Bắc Mỹ phải đối mặt với mối đe dọa mới liên quan đến “siêu lợn” Canada.
"Siêu lợn" là loài lai giữa lợn nhà và lợn hoang. Kết quả là chúng “cực kỳ thông minh, rất khó truy bắt” và tiêu diệt, theo IFL Science.
Đàn siêu lợn làm dấy lên lo ngại mới do khả năng sống sót ở khu vực lạnh giá. Trong quá khứ, nhiệt độ lạnh ở vùng cực của Mỹ ngăn lợn định cư, nhưng với "siêu lợn", thời tiết buốt lạnh không phải vấn đề lớn.
Loài này có khả năng sống sót trong khí hậu lạnh bằng cách đào hầm dưới tuyết, Guardian đưa tin.
Mối đe dọa mới
Lợn không phải là loài bản địa của Mỹ, nhưng đã gây ra sự tàn phá nghiêm trọng trong những thập kỷ gần đây. Chính phủ Mỹ ước tính khoảng 6 triệu con lợn hoang trên đất nước gây ra thiệt hại 1,5 tỷ USD mỗi năm.
Ở một số vùng của nước Mỹ, sự phổ biến của lợn thậm chí dẫn đến cả một ngành công nghiệp săn lợn. Người dân có thể trả hàng nghìn USD để hạ gục những con vật này bằng súng máy.
Nhìn chung, tác động của những con lợn, lần đầu tiên được du nhập đến Mỹ vào thế kỷ 16, rất tiêu cực.
“Chúng tôi nhận thấy sự cạnh tranh trực tiếp giữa chúng với các loài bản địa để tìm kiếm thức ăn”, Michael Marlow, thuộc Chương trình kiểm soát thiệt hại lợn rừng quốc gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ, cho biết.
“Lợn cũng là loài săn mồi cừ khôi. Tùy cơ hội, chúng sẽ tấn công bất thình lình con mồi đang ẩn nấp. Những con đực có răng nanh dài, vì vậy chúng có khả năng vừa chạy vừa ngoạm con mồi".
“Chúng sẽ giết những con non và phá hủy tổ của các loài vật khác. Chúng tác động đến gà tây và có khả năng là chim cút”, ông nói.
Lợn rừng cũng đứng sau danh sách dài các thiệt hại về môi trường, từ việc ăn hoa màu của những người nông dân cho đến phá hoại cây cối và gây ô nhiễm nguồn nước. Marlow cho biết chúng đặt ra cả “rủi ro về an toàn và sức khỏe con người”.
Lợn là một “vật chứa hỗn hợp”, có khả năng mang virus như virus cúm. National Geographic từng đưa tin lợn có khả năng “tạo ra loại virus cúm mới” có thể lây lan sang người.
Ghi chép đầu tiên về lợn ở Mỹ là vào năm 1539, khi nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Hernando De Soto đến Florida với một đoàn tùy tùng cùng 13 con lợn.
Trong chuyến thám hiểm kéo dài 4 năm, số lượng lợn đã tăng lên khoảng 700 con. Sự hiện diện của chúng trải dài tới tận Đông Nam Mỹ.
Nhưng gần đây, những con lợn dần trở thành vấn đề.
“Chúng không gây hại cho đến khi vào khoảng 3-4 thập kỷ trước, khi chúng ta bắt đầu thấy đàn lợn di chuyển nhanh chóng tới khu vực mà ta chưa từng thấy trước đây”, Marlow nói.
“Nguyên nhân chủ yếu là những người muốn phát triển quần thể săn bắn cố tình thả lợn. Chúng bị đánh thuốc mê, bị di chuyển khắp nơi và thả ra để phát triển thành quần thể”, ông cho hay.
Sống sót cả ở nơi lạnh giá
Số lượng lợn ở Mỹ đã tăng lên hơn 6 triệu con ở khoảng 34 tiểu bang. Theo USDA, loài lợn có cân nặng trung bình khoảng 34-113 kg/con, nhưng cũng có thể nặng gấp đôi như thế. Với chiều cao 0,9 m và chiều dài thân hơn 1,5 m, chúng là kẻ săn mồi đáng gờm.
Nhiều người cũng lo ngại về tác động tiềm tàng của bệnh dịch xuất phát từ lợn, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi.
Căn bệnh này luôn gây tử vong cho lợn. Vào năm 2018-2019, tại Trung Quốc, nơi có hơn 400 triệu cá thể lợn - chiếm nửa số lợn trên thế giới - dịch tả lợn châu Phi đã quét sạch hơn 30% đàn lợn.
Dịch tả lợn châu Phi còn xuất hiện ở châu Âu, nhưng Marlow cho biết nó vẫn chưa được ghi nhận ở châu Mỹ. Và đó cũng là điều mà Ryan Brook, người đứng đầu dự án nghiên cứu lợn rừng Canada của Đại học Saskatchewan, hy vọng sẽ không thay đổi.
Giống Mỹ, ở Canada, lợn rừng là vấn đề nan giải. Trước năm 2002, nước này hầu như không có bóng lợn rừng. Nhưng Brook cho biết loài này đã bùng nổ tại Canada trong 8 năm qua.
Những khu vực mà loài này sinh sống ở Canada có tổng diện tích một triệu km2, chủ yếu ở Alberta, Manitoba và Saskatchewan.
“Lợn rừng có thể là loài động vật có vú cỡ lớn có tính xâm lấn tồi tệ nhất hành tinh”, Ryan Brook cho biết.
“Chúng cực kỳ thông minh và khó truy bắt… Khi đối mặt với áp lực, đặc biệt nếu con người bắt đầu săn bắn, chúng sẽ chuyển sang trạng thái gần như sống về đêm, thường trốn kỹ trong rừng rậm hoặc biến mất ở đầm lầy. Rất khó để tìm ra chúng”, ông cho hay.
Brook và những người khác đặc biệt lo lắng trước sự xuất hiện của “siêu lợn”, được tạo ra bởi những người nông dân đã lai lợn rừng và lợn nhà vào những năm 1980.
Brook cho biết những con lợn này đã thoát khỏi cảnh nuôi nhốt và nhanh chóng lan rộng khắp Canada.
Siêu lợn có thể nặng hơn 300 kg. Điều này giúp chúng sống sót qua thời tiết lạnh giá mùa đông phía Tây Canada, nơi nhiệt độ có thể xuống tới -50 độ C.
“Tất cả chuyên gia lúc đó đều nói: 'Ồ, đừng lo. Nếu một con lợn rừng trốn thoát khỏi trang trại, nó không thể sống sót qua mùa đông phía Tây Canada”, Brook kể lại. "Nhưng hóa ra cơ thể to lớn lại là một lợi thế hiệu quả giúp sống sót trong giá lạnh”.
Brook cho biết siêu lợn sống sót qua thời tiết khắc nghiệt bằng cách đào hầm sâu tới 2 m dưới tuyết, tạo ra hang động tuyết.
“Chúng sẽ sử dụng những chiếc răng sắc bén để cắt cỏ đuôi mèo (một loài thực vật bản địa), và lót nó vào đáy hang như lớp cách nhiệt ấm áp”, Brook nói.
“Trên thực tế, bên trong hang lợn rất ấm. Chênh lệch nhiệt độ giúp chúng tôi tìm thấy những con lợn vào buổi sáng khi trời lạnh dưới -30 độ C. Bạn sẽ thấy hơi nước bốc lên từ đỉnh những chiếc tổ”, ông chia sẻ.
Với những thiệt hại mà lợn hoang gây ra, nhà chức trách đang tìm cách để loại bỏ chúng.
Các nhà nghiên cứu ở Mỹ và Canada đã nghiên cứu chế tạo những chiếc bẫy lớn và thậm chí dùng cả phương pháp đầu độc chúng.
Brook cho biết một phương pháp có hiệu quả khác là sử dụng “con lợn phản trắc” - biệt danh gọi con lợn bị người bắt và gắn vòng cổ GPS. Chúng sau đó được thả về tự nhiên để dẫn đường tới nơi trú ẩn của cả đàn.
“Theo cách này thì chúng ta đi tìm con vật có gắn vòng cổ rồi tiêu diệt những con lợn xung quanh. Sau đó, ta thả nó đi một lần nữa để nó tiếp tục tìm thấy ngày càng nhiều lợn hơn”, ông nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sieu-lon-tu-canada-de-doa-nuoc-my-post1405492.html