Oanh tạc cơ Tu-95 của Nga hay B-52 do Mỹ chế tạo vẫn tiếp tục được không quân chiến lược hai quốc gia tin dùng, bất chấp chúng đã phục vụ miệt mài trong thành phần tác chiến tới hơn nửa thế kỷ.
"Nga và Mỹ phải đối mặt với vấn đề tương tự trong lĩnh vực hàng không quân sự", chuyên gia phân tích người Mỹ Peter Suchio đã chia sẻ kết luận của mình trên tờ báo 19FortyFive.
Hiện tại, chỉ có 3 quốc gia trên thế giới tiếp tục vận hành máy bay ném bom chiến lược tầm xa, đó là Trung Quốc, Nga và Mỹ. Theo nhà báo Peter Suchio, hai cường quốc hàng đầu lại đang đối diện cùng một vấn đề với những chiếc oanh tạc cơ.
“Hàng không chiến lược Mỹ và Nga đang phải đối diện một vấn đề rất thú vị: máy bay ném bom thời Chiến tranh Lạnh của họ đã rất cũ”, tác giả của bài phân tích đăng trên ấn phẩm 19FortyFive cho biết.
Chuyên gia của tờ báo Mỹ nhận định rằng các máy bay ném bom chiến lược của Nga và Mỹ được tạo ra vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, và trên thực tế đây là những máy bay rất cũ, tuổi đời của chúng vượt quá xa tiêu chuẩn ngày nay.
Mặc dù vậy, các phương tiện của Nga và Mỹ, điển hình như Tu-95 vẫn thường xuyên thực hiện nhiệm vụ của mình theo đúng thiết kế, và chúng tiếp tục chứng minh bản thân là những loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm.
“Điều đáng chú ý nhất trong các phi đội máy bay ném bom của Không quân Mỹ và lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga là nhiều máy bay trong biên chế cao tuổi hơn nhiều so với các phi công hay thợ kỹ thuật phục vụ chúng”, chuyên gia Suchio lưu ý.
Nga và Mỹ tiếp tục dựa vào các máy bay ném bom chiến lược của họ, do vậy việc bảo trì cũng như hiện đại hóa chúng được chú trọng rất nhiều. Một ví dụ về điều này là oanh tạc cơ cánh quạt Tu-95MS của Nga, nó đã nhận được nhiều cải tiến trong khoảng thời gian hoạt động.
Tu-95MS của Nga là một trong những loại máy bay ném bom lâu đời nhất vẫn còn xuất hiện trên bầu trời, nhưng nó vẫn được sử dụng tích cực trong mọi hoạt động trên không của lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.
Chiếc phi cơ được thiết kế như một máy bay có khả năng vượt qua quãng đường lớn và tấn công các mục tiêu chiến lược. Cách đây vài năm, Liên bang Nga đã khởi động một chương trình nhiều giai đoạn để nâng cấp các máy bay này lên tiêu chuẩn Tu-95MSM.
“Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MSM sẽ phục vụ trong Không quân Nga ít nhất vài thập kỷ nữa và nó được dự báo sẽ vẫn hoạt động cực kỳ hiệu quả”, chuyên gia phân tích của tờ 19FortyFive tin tưởng.
Cuộc xung đột Ukraine cho thấy bộ đôi oanh tạc cơ Tu-95MS kết hợp cùng tên lửa hành trình Kh-101 đủ sức xuyên thủng bất cứ hàng rào phòng ngự nào của đối phương.
Với những loại tên lửa tấn công tầm xa ngày càng hiện đại hơn, chiếc Tu-95 vẫn khiến Mỹ và các đồng minh NATO cảm thấy đặc biệt lo sợ, khi họ vẫn chưa có biện pháp thực sự hiệu quả để chống lại nó.
Với độ tin cậy của Tu-95MSM, Tu-160M cũng như Tu-22M3M, Không quân Nga thậm chí có thể chưa thực sự cần tới oanh tạc cơ tàng hình thế hệ mới PAK DA (Poslanhik) trong các hoạt động tác chiến thông thường.
Việt Dũng