Siêu máy bay vận tải A400M - 'Vũ khí ngoại giao' đáng gờm của Pháp
Máy bay A400M của Không quân Pháp là siêu máy bay vận tải tốt nhất của châu Âu. A400M tham gia vào các hoạt động chuyển quân, hậu cần cũng như sơ tán công dân khỏi các khu vực xảy ra chiến tranh trên toàn cầu và trở thành vũ khí ngoại giao đáng gờm của Pháp.
“Lực sĩ bầu trời”
A400M với 4 động cơ phản lực cánh quạt là một trong những máy bay vận tải lớn nhất, hiện đại nhất châu Âu, được hãng Airbus Military nghiên cứu chế tạo từ những năm 1980 dưới sự hỗ trợ của 7 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), gồm: Bỉ, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Luxembourg và Tây Ban Nha. Đây là dự án quốc phòng quan trọng nhất của châu Âu.
Được ví như “lực sĩ bầu trời”, máy bay vận tải A400M có thiết kế hiện đại, khả năng hoạt động ổn định. A400M có chiều dài 45,1m, sải cánh dài 42,4m, diện tích cánh 225m2. Vận tốc bay cực đại của A400M là 781km/giờ, tầm bay 8.700km và trần bay lên tới 12.200m. Quãng đường cất/hạ cánh trên đường băng chiến thuật lần lượt là 980m và 770m.
A400M có tải trọng lượng lên đến 40 tấn hàng hóa trong khi vẫn có thể tác chiến linh hoạt trên không. Khoang chứa hàng của A400M có chiều cao và chiều rộng gần 4m, chiều dài gần 18m, cho phép vận chuyển 3 trực thăng chiến đấu cùng 116 binh sĩ và dễ dàng vượt qua quãng đường hơn 8.700 km. “Được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến vận chuyển các khí tài quân sự, binh sĩ, hỗ trợ từ xa, tiếp nhiên liệu trên không và trinh sát điện tử, A400M vẫn có thể bay nhanh hơn và xa hơn”, một báo cáo từ Bộ Quân đội Pháp cho hay.
“Vũ khí ngoại giao” đáng gờm
Không chỉ vậy, A400M còn được biết đến là “vũ khí ngoại giao” của Pháp. Theo Slate.fr, siêu máy bay vận tải A400M từng tham gia chiến dịch “Nhân mã” ở Sudan vào ngày 23 và 24-4 vừa qua, khi giao tranh ác liệt nổ ra ở thủ đô Khartoum giữa lực lượng của Tướng Abdel Fattah Burhan – Tư lệnh các lực lượng vũ trang Sudan, và Tướng Mohammed Hamdan Dagalo – chỉ huy lực lượng bán quân sự RSF. Khi đó, quân đội Pháp đã huy động 4 chiếc A400M cùng khoảng 150 binh sĩ đến Khartoum để sơ tán hơn 900 người, trong đó có gần 700 công dân nước ngoài.
Jean-một trong những phi công tham gia chiến dịch “Nhân mã”-nhớ lại: “Cuộc đổ bộ được thực hiện vào ban đêm, đường băng tối om do mất điện. Chúng tôi đã tạo ra hiệu ứng ánh sáng khi đến Khartoum bằng cách hạ cánh cách nhau chỉ một phút”.
Đây không phải là lần đầu tiên A400M làm nhiệm vụ ở nước ngoài. Năm 2021, khi Taliban chiếm thủ đô Kabul của Afghanistan, chính phủ Pháp đã phát động chiến dịch “Apagan”. Theo đó, hai chiếc A400M đã bay đến Kabul để giải cứu công dân Pháp và một số nhân viên địa phương làm việc cho nước ngoài. Cuộc hạ cánh diễn ra trong khi các vụ đọ súng vẫn xảy ra gần sân bay. Chưa đầy 30 phút sau, máy bay lại cất cánh với 216 người trên khoang, gấp hai lần số hành khách được phép chở. Một nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công khai ca ngợi vào thời điểm đó.
Ngày nay, A400M của Pháp vẫn hoạt động ở những khu vực xung đột. Theo một nguồn tin quân sự, các chuyến bay đặc biệt sẽ được khai thác đến Đông Âu, nơi được thuê để chở các thiết bị quân sự tới Ukraine. Theo Lucie Allouard, phụ trách liên lạc tại căn cứ không quân 123 ở Orleans-Bricy, nơi tập trung các máy bay vận tải A400M ở Pháp, “nhiều chiếc A400M cất cánh tới Đông Âu còn thực hiện sứ mệnh Lynx ở Estonia và hoàn toàn không liên quan gì đến cuộc chiến ở Ukraine”.
Dự án thử nghiệm có thất bại?
Trong bối cảnh nền nhiệt độ tăng cao gây ra cháy rừng ở nhiều nơi trên thế giới, năm 2022, A400M đã được thử nghiệm bằng việc lắp thêm bộ công cụ chữa cháy với mong muốn chuyển đổi máy bay vận tải này thành máy bay ném bom nước có khả năng chữa cháy bằng cách thả lượng nước gấp ba lần so với một chiếc Canadair.
Bộ chữa cháy do Airbus thiết kế ứng dụng giải pháp “RORO” (tự vận hành) được sử dụng trên bất kỳ máy bay nào thuộc đội A400M mà không cần bất kỳ sửa đổi nào. Thông cáo báo chí của Airbus cho biết, nước được trữ trong một bồn chứa cố định đặt ở khoang hàng của máy bay và được giữ lại bằng hai cửa độc lập, kết nối với đường ống xả. Khi máy bay hoạt động ở độ cao 46m và bay tốc độ 230km/giờ, bộ dụng cụ này có thể xả 20 tấn nước trong vòng chưa đầy 10 giây.
Cuộc thử nghiệm được tiến hành vào mùa hè năm 2022 trên một cánh đồng ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, không có tin tức gì về khả năng lắp đặt bộ công cụ này trên máy bay A400M cũng như chi phí sản xuất. Giới chuyên gia cho rằng, dù chứa được nhiều nước hơn nhưng khả năng cơ động và sải cánh của A400M có lẽ không cho phép nó bay thấp như máy bay chữa cháy Canadair. Nước rơi từ thùng chứa có thể sẽ phân tán ra xa hơn và rơi xuống như mưa. Điều này khiến việc thả bom nước của A400M kém hiệu quả hơn. Chưa kể chi phí vận hành của A400M cao hơn nhiều so với Canadair. Tất cả những điều này có thể khiến dự án thử nghiệm thất bại.
Dù vậy, A400M vẫn tiếp tục được Pháp ca ngợi là một "vũ khí ngoại giao" đáng gờm, thể hiện là sự xuất hiện của “lực sĩ bầu trời” trong lễ duyệt binh trong lễ kỷ niệm Quốc khánh Pháp ngày 14-7 vừa qua. Hiện nay, Quân đội Pháp đang sở hữu 21 chiếc A400M và dự định tăng số lượng máy bay loại này lên 35 chiếc vào năm 2030.
PHƯƠNG LINH (theo Slate.fr, Liberation.fr)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.