Siêu năng lực then chốt phân biệt loài người với các động vật khác
Con người có một 'siêu năng lực' dường như không hề tồn tại ở các loài động vật khác - cũng là thứ tạo điều kiện cho giao tiếp xã hội và khả năng sáng tạo của chúng ta.
"Bộ Não - rộng lớn hơn Bầu Trời
Hãy thử đặt chúng cạnh nhau
Một cái sẽ dễ dàng
Hàm chứa cái kia
- và cả Bạn nữa - cạnh bên".
(Trích từ bài thơ nổi tiếng The Brain - is wider than the Sky của Emily Dickinson)
Dù thế giới có trình cho các giác quan của chúng ta điều gì chăng nữa, thì tâm trí cũng dễ dàng thêm vào những thứ không có và không bao giờ có thể có. Chuyện chẳng đặng đừng: trí tưởng tượng là siêu năng lực tự nhiên của loài người. Hơn bất kỳ đặc điểm nào khác, đây có lẽ chính là thứ phân biệt chúng ta với các loài động vật khác.
Trong The Shape of Things Unseen (tạm dịch: Dáng hình của điều chưa thấy), nhà thần kinh học Adam Zeman đưa ra lời giải thích cho điều này. Cuốn sách cung cấp lượng lớn thông tin về sự sáng tạo và trí tưởng tượng của con người nhưng chưa đưa ra được lời giải thích vì sao trí tưởng tượng của con người không chỉ hữu ích với vấn đề thích nghi, sinh tồn.
Thay vào đó, Zeman chỉ đơn giản phản ánh tình hình hiện tại: khoa học não bộ giúp ta hiểu về trí tưởng tượng, nhưng cũng chỉ đi xa đến vậy.
Chủ đề này bản thân nó đã rất rộng lớn. Có điểm chung giữa thi sĩ, họa sĩ William Blake (với ông "thế giới này là một ảo ảnh liên tục của tưởng tượng hoặc hư cấu") và nhà vật lý Paul Dirac, người phải vật lộn mới đặt được mình vào tâm trí của người khác, song vẫn có thể nằm mơ thấy phản vật chất và nam châm đơn cực?
Con người làm gì với trí tưởng tượng?
Tưởng tượng gắn liền với sáng tạo, đồng cảm và khả năng hình dung của tâm trí. Nhưng một số bậc thầy sáng tạo, chẳng hạn người sáng lập Pixar Ed Catmull, lại "không có khả năng tưởng tượng", bẩm sinh không thể hình dung bất cứ điều gì trong tâm trí.
Ở mức độ nào đó, trí tưởng tượng là trung tâm của mọi trải nghiệm. "Nhận thức và trí tưởng tượng có nhiều điểm chung hơn ta thường nghĩ", Zeman viết.
Chúng ta xây dựng thế giới trong nhận thức của mình từ thông tin không đầy đủ, diễn giải thông qua các hình dung nội tại về môi trường của chúng ta. Từ đó, chúng ta phỏng đoán về điều thực sự ở ngoài kia, về cách thế giới sẽ phản ứng với hành động của mình.
Chúng ta hành động dựa trên tiền giả định rằng những người khác cũng có tâm trí như ta, dẫu họ có những mục tiêu và trải nghiệm riêng. Không loài nào có xu hướng xã hội như loài người. Trẻ sơ sinh thì không khéo léo về mặt thể chất hơn vượn là bao, nhưng chúng luôn tìm kiếm, trông đợi những hành vi hợp tác từ người khác.
"Chỉ con người mới có hiện tượng đỏ mặt - khi chúng ta đỏ mặt, chúng ta đang thể hiện thứ nhận thức chỉ có duy nhất ở loài người: nhận thức về vị trí của mình trong tâm trí những người khác", tác giả viết.
Ranh giới giữa tưởng tượng và thực tế dường như phai nhạt dần: bài tập thể thao tưởng tượng có thể tăng cường sức mạnh, thuốc tưởng tượng có thể giúp chữa khỏi bệnh, nỗi đau tưởng tượng thì vẫn chính là nỗi đau.
Do đó, thực tế của chúng ta là thứ mà một số nhà khoa học gọi là ảo giác có kiểm soát: một thế giới tưởng tượng ít nhiều tương quan với thế giới vật chất, nhưng sự tương ứng đó có thể mất đi khi các chức năng não liên đới bị rối loạn do thuốc hoặc bệnh tật.
Trí tưởng tượng xã hội có lẽ nắm giữ chìa khóa cho khác biệt nổi bật nhất giữa chúng ta và các loài động vật khác: ngôn ngữ. Vì giàu tưởng tượng, chúng ta dễ dàng nghĩ ra những câu chuyện để "giải thích" giá trị thích nghi của khả năng truyền đạt những ý tưởng và hướng dẫn phức tạp.
Nhưng một số nhà nghiên cứu cho rằng ngôn ngữ phát sinh để cho phép chúng ta truyền tải thế giới nội tâm từ cá nhân này sang cá nhân khác, hay nói cách khác, là để kể chuyện, hơn là vì mục đích thực dụng tức thời. Ngôn ngữ bản thân nó là một công cụ nhận thức sáng tạo, không chỉ để điều phối hoạt động xã hội, mà còn tạo ra những truyền thuyết Iceland, viết nên The Waste Land (bài thơ của T.S. Eliot), The Archers (chuỗi chương trình opera trên radio, lên sóng tại Anh từ năm 1951).