Siêu núi lửa Hawaii lần đầu phun trào sau gần 40 năm
Cơ quan Địa chất Mỹ vào tối 27/11 (giờ địa phương) cho biết núi Mauna Loa tại quần đảo Hawaii, núi lửa lớn nhất trên thế giới còn hoạt động, bắt đầu có hiện tượng phun trào.
"Ở thời điểm hiện tại, lượng dung nham chưa vượt ra khỏi miệng núi lửa và đe dọa các cộng đồng dân cư sinh sống dưới chân núi Mauna Loa", Reuters dẫn thông báo của bộ phận giám sát hoạt động núi lửa thuộc Cơ quan Địa chất Mỹ (USGS) cho biết.
Tuy nhiên, dựa trên những lần phun trào trước của núi lửa Mauna Loa, cơ quan này cảnh báo tốc độ phun trào của núi lửa và hướng đi của dòng dung nham có thể thay đổi đột ngột.
Bên cạnh đó, USGS cũng nâng mức cảnh báo núi lửa từ mức "thận trọng" lên "nghiêm trọng". Theo Hawaii News Now, cư dân sống trong khu vực nằm trong hướng đi của dòng dung nham đã được yêu cầu đề cao cảnh giác và liên lạc với lực lượng dân phòng hạt Hawaii để được hướng dẫn chi tiết.
Thông báo của USGS cho biết Cơ quan giám sát Núi lửa Hawaii sẽ sớm tiến hành các chuyến bay trinh sát để đánh giá mức độ nghiêm trọng của vụ phun trào cũng như rủi ro đối với những khu vực lân cận.
Bên cạnh dung nham, USGS cũng cảnh báo người dân phải đề phòng các loại khí độc và tro xuất phát từ núi lửa.
Trong vòng 2 tiếng sau khi núi Mauna Loa phun trào đã có hơn 12 trận động đất với cường độ mạnh hơn 2,5 độ richter, trong đó trận động đất mạnh nhất có cường độ 4,2 độ richter.
Mauna Loa, cao hơn 4.100 m so với mực nước biển và chiếm hơn một nửa diện tích hòn đảo lớn nhất tại bang Hawaii. Núi lửa này phun trào lần gần nhất trong thời gian tháng 3-4/1984. Khi ấy, dòng dung nham của vụ phun trào trong giai đoạn nguy hiểm nhất chỉ cách thành phố Hilo của bang Hawaii khoảng 8,5 km.