Tờ Sohu của Trung Quốc cho biết, mạng Telegram của Ukraine xuất hiện cảnh tượng hãi hùng, một khẩu đội pháo tự hành tầm xa 203mm 2S7 Pion của Quân đội Ukraine đang khai hỏa, thì bất ngờ viên đạn đã phát nổ ngay trong nòng.
Viên đạn pháo 203 mm đầy uy lực của khẩu “siêu pháo”, đã phá hủy toàn bộ khẩu pháo tự hành thành từng mảnh và sức mạnh của vụ nổ đạn thật quá khủng khiếp.
Từ góc độ quay video, sóng xung kích của vụ nổ tràn ngập toàn bộ màn hình, không rõ thương vong của kíp chiến đấu cũng như của người quay phim.
2S7 Pion là loại lựu pháo tự hành cỡ nòng lớn, được Liên Xô phát triển vào giữa những năm 1970. Tổng cộng có khoảng 1.000 khẩu đã được sản xuất tại Nhà máy Kirov ở Saint-Peterburg (Nga). Tuy nhiên việc sản xuất đã bị dừng lại vào đầu thập niên 1980.
Sau khi được trang bị, hỏa lực của pháo 2S7 Pion đã góp phần nâng cao đáng kể cho pháo binh cấp chiến dịch cho Quân đội Liên Xô; đặc biệt 2S7 còn có khả năng bắn đạn hạt nhân chiến thuật. Tầm bắn tối đa với đạn thường của pháo là 37.500 mét; có thể mở rộng lên tới 55.500 mét, nếu dùng đạn tăng tầm.
Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, cả hai bên đều sử dụng loại “siêu pháo” 2S7 và loại lựu pháo tự hành này, luôn là tâm điểm tấn công của đối phương. Được biết, quân đội Ukraine có khoảng 13 khẩu 2S7 đang hoạt động trên tiền tuyến và nhiều khẩu trong số trên đã bị quân đội Nga phá hủy.
Nguyên nhân gây nổ đạn đầu nòng của khẩu 2S7 trong video này, có lẽ là do quân đội Ukraine bảo dưỡng kém, khiến cho khẩu pháo đã cũ này phát nổ; hoặc có thể Quân đội Ukraine đã bắn vượt quá tính năng kỹ thuật quy định của pháo, cũng có thể dẫn đến tai nạn đáng tiếc.
Nhưng cũng không loại trừ là khẩu đội pháo trên của Ukraine tình cờ trúng đạn pháo Nga khi bắn; hoặc là cuộc tấn công của UAV tự sát lảng vảng Lancet, không được ghi lại trong video, nhưng đã dẫn đến vụ nổ của lựu pháo tự hành.
Vào năm 2022, một khẩu 2S7 củ Ukraine cũng đã bị nổ tung nòng khi bắn, lý do là vì bắn quá tính năng của khẩu siêu pháo này, đã khiến pháo bị nổ nòng khi bắn? Tạp chí Quốc phòng Ukraine đăng tải những hình ảnh từ chiến trường, cho thấy nòng pháo của khẩu 2S7 “cụt lủn”; và nguyên nhân của việc này không gì khác chính là do sử dụng quá mức.
Mặc dù loại lựu pháo tự hành 2S7 Pion sử dụng khung gầm bánh xích, nhưng do cơ cấu pháo và nòng pháo rất lớn, nên để giảm trọng lượng tổng thể, nó không có tháp pháo bọc thép, mà thiết kế vị trí đặt pháo hở, các pháo thủ không có giáp bảo vệ.
Pháo tự hành 2S7 chủ yếu sử dụng đạn nổ phá OF-43, có trọng lượng nặng tới 110 kg, tầm bắn tối đa 37,5 km, tốc độ bắn tối đa 2 viên/phút; sức công phá đầu đạn rất phù hợp để phá hủy các công trình, nên còn được gọi là “pháo phóng bom” trên mặt đất.
Việc khẩu “siêu pháo” 2S7 tự kích nổ đạn đầu nòng, đã làm Quân đội Ukraine mất đi một khẩu pháo có hỏa lực lớn. Do Ukraine không có năng lực sản xuất loại pháo này, nên họ mất một vũ khí “ăn miếng trả miếng”.
Pháo tự hành 2S7 Pion được triển khai thực chiến lần đầu tiên trong cuộc chiến tại Afghanistan (1979-1989). Sau đó các Quân đội Nga đã sử dụng vũ khí này trong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất và lần thứ hai.
Quân đội Gruzia cũng đã trang bị 6 khẩu pháo 2S7 trong cuộc xung đột với Nga năm 2008, nhưng tất cả đều bị quân đội Nga thu giữ. Moscow đã phá hủy 5 khẩu trong số này và chỉ giữ lại 1 khẩu.
Theo thống kê của trang Military Balance 2021, Nga có tổng cộng 320 khẩu pháo tự hành 2S7 trong kho dự trữ, trong đó có 260 khẩu phiên bản cũ 2S7M và 60 khẩu phiên bản hiện đại hóa 2S7M Malka. Ukraine có khoảng 100 khẩu, được kế thừa từ thời Liên Xô, trong đó 13 khẩu đang hoạt động.
Ukraine đã tái triển khai pháo 2S7 vào năm 2014, sau khi nội chiến bùng nổ ở khu vực Donbass. Một số thông tin cho biết, ở thời điểm đó, quân đội Ukraine đã lấy ra ít nhất 13 khẩu 2S7 từ kho niêm cất và đưa chúng đến nhà máy Shepetivka ở Rivne để sửa chữa đưa vào sử dụng.
Hiện Nga được cho là đang tích cực sử dụng pháo 2S7M trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga đã đăng tải một số video về hoạt động của pháo 2S7M Malka tại chiến trường Ukraine. Vũ khí này được sử dụng kết hợp với UAV trinh sát Orlan-10.
Tiến Minh (theo Sohu, Defence-ua)