Hải quân Mỹ tuần trước công bố đề xuất ngân sách năm 2022, trong đó không có sự xuất hiện khoản duyệt chi cho dự án nghiên cứu phát triển pháo điện từ trên tàu chiến. Lực lượng này cũng không đề xuất hay được duyệt chi ngân sách qua chương trình Nghiên cứu Ứng dụng Các nguyên mẫu Tiên tiến của Hải quân (INP) trong năm 2021.
"Công nghệ pháo điện từ và kiến thức thu được từ dự án sẽ được lưu trữ và bảo quản. Thiết bị của pháo điện từ sẽ được tái sử dụng để tối đa hóa khả năng duy trì cho sử dụng trong tương lai", tài liệu của hải quân Mỹ có đoạn viết.
Việc không tiếp tục chi tiền cho dự án siêu pháo điện tử này dấy lên nghi ngờ rằng loại vũ khí được coi là công nghệ của tương lai này sẽ sớm chết yểu.
Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ (ONR) bắt đầu dự án phát triển pháo điện từ hồi năm 2005.
Mục tiêu của Mỹ là phát triển pháo điện từ có thể tiêu diệt nhiều loại mục tiêu như tàu chiến, máy bay, tên lửa và cơ sở hạ tầng trên mặt đất từ khoảng cách trên 160 km.
Giải pháo siêu pháo điện tử với sức hủy diệt khủng khiếp được cho là sẽ giúp hải quân Mỹ tiết kiệm được chi phí so với tên lửa trong khi vẫn duy trì được sức mạnh hỏa lực.
Siêu pháo điện từ, không dùng thuốc súng hay chất nổ để đẩy viên đạn đi, nhưng nó dùng sức mạnh từ trường tạo ra từ dòng điện.
Với tổng lực tập hợp của lực điện và lực từ để phóng một viên đạn bay với vận tốc sấm sét, tạo ra một động năng cực lớn có sức công phá như một thiên thạch lao vào phá hủy tàu đối phương hoặc mục tiêu mặt đất.
Ước tính Mỹ đã chi hơn nửa tỷ USD cho dự án này kể từ năm 2005 và Đến năm 2017, Viện nghiên cứu hải quân Mỹ (ONR) thông báo đã bắn thử nghiệm pháo điện từ trên mặt đất.
Cùng năm đó, cơ quan này cho biết đã thử thành công khả năng bắn loạt trong thời gian ngắn, sử dụng nguyên mẫu do BAE Systems phát triển.
Pháo điện từ có thể bắn đạn bay với tốc độ trên 7.200 km/giờ, với tầm bắn trên 200 km, vượt xa những khẩu pháo 152,4 mm hiện nay của hải quân Mỹ, vốn chỉ có tầm bắn hơn 24 km.
Vũ khí này còn có tầm bắn và sức công phá hơn cả loại pháo 406 mm của những tàu chiến lớn thời Thế chiến 2, được cho là có tầm bắn gần 39 km và có khả năng xuyên thủng bê tông gần 1 m.
“Điều này sẽ thay đổi cách chúng ta chiến đấu”, Trưởng văn phòng Nghiên cứu hải quân Mỹ, Chuẩn đô đốc Mat Winter từng nhận định. Hình ảnh viên đạn được bắn đi từ pháo điện từ dễ dàng xuyên thủng hàng chục tấm thép dày.
Hải quân Mỹ hiện trước đó mong muốn sở hữu một thiết kế pháo điện từ có thể khai hỏa với tốc độ 10 phát/phút, với cơ số đạn 1.000 quả.
Nếu được trang bị pháo điện từ, một tàu chiến sẽ có khả năng tác chiến cao hơn so với tàu trang bị tên lửa bởi một tàu khu trục Mỹ chỉ có thể mang tối đa 96 tên lửa.
Trong khi chiến hạm gắn pháo điện từ có thể mang 1.000 quả đạn, cho phép nó bắn tên lửa đến hoặc tấn công các lực lượng đối phương trong thời gian lâu hơn và với tốc độ khai hỏa nhanh hơn.
Không chỉ sử dụng để tấn công tàu đối phương, giới chức quốc phòng Mỹ còn hy vọng đến khả năng áp dụng công nghệ này cho hệ thống phòng thủ tên lửa, bằng cách phát triển hệ thống dẫn đường cho các quả đạn.
Loại đạn của pháo điện từ được chế tạo từ tungsten nên cứng hơn nhiều loại thép, và sẽ có giá chỉ 25.000 - 50.000 USD/quả, so với 10 triệu USD của 1 quả tên lửa đánh chặn.
Việc phát triển hệ thống dẫn đường cho pháo điện từ cũng đang được tiến hành trong suốt thời gian qua, nhưng thách thức còn lại là phát triển các mạch điện gia cố có khả năng chống đỡ được các lực hấp dẫn có thể dập vụn chúng, để gắn vào trong các quả đạn.
Giới chức quốc phòng Mỹ từng ước tính họ có thể dùng pháo điện từ để bắn hạ tên lửa sau ít nhất một thập niên nữa.
“Đây là đạn thật sự thông minh”, Giám đốc văn phòng Các năng lực chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ William Roper từng khẳng định với WSJ.
Ông Roper còn nhấn mạnh: “Hải quân sắp sở hữu một hệ thống chiến thuật, một vũ khí tấn công thế hệ mới. Nó có thể là thứ thay đổi cuộc chơi”.
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work từng nhấn mạnh rằng pháo điện từ không đắt tiền nhưng có giá trị răn đe rất lớn. “Chúng sẽ có thể chống lại máy bay, tên lửa, xe tăng và gần như mọi thứ”, WSJ dẫn lời ông Work lý giải.
Tuy nhiên, do ngốn quá nhiều điện - cần một máy phát điện có công suất 25 megawatt, đủ cho 18.750 hộ gia đình sử dụng, để vận hành pháo điện từ - nên vũ khí này hiện chỉ có thể được gắn trên tàu.
Hiện nay chỉ có khu trục hạm lớp Zumwalt hiện đại của Mỹ sở hữu máy phát điện có công suất như trên.
Do hải quân nước này chỉ định đóng 3 khu trục hạm lớp Zumwalt nên Lầu Năm Góc đang muốn phát triển loại đạn pháo đặc biệt có thể dùng cho những loại pháo khác trên các tàu chiến cũng như pháo lục quân.
Dù bay chậm hơn so với khi được khai hỏa bởi pháo điện từ, loại đạn đặc biệt này vẫn có thể bay với tốc độ lên tới hơn 4.500 km/giờ khi được bắn từ pháo thông thường, giúp mở rộng đáng kể tầm bắn và sức mạnh cho những vũ khí hiện nay.
Dù là một vũ khí đến từ tương lai, nhưng do tồn tại không ít vấn đề kỹ thuật, nên có thể Mỹ phải tạm dừng lại để đánh giá mức độ thiệt-hơn nếu tiếp tục phát triển dự án này.
Việt Hùng