Siêu pháo M777 có giúp Ukraine 'lật thế cờ' ở Donbas?

Hơn 100 khẩu pháo M777 - vũ khí sát thương nhất phương Tây từng viện trợ cho Ukraine - được hy vọng sẽ tạo ra bước ngoặt, nhưng hiệu quả thực tế còn liên quan nhiều yếu tố.

Trong giai đoạn ban đầu, quân đội Ukraine đã rất thành công khi dùng tên lửa Javelin do phương Tây viện trợ để tiêu diệt xe tăng Nga trong các cuộc đụng độ trực diện. Tuy nhiên, chiến thuật này cũng đem lại rủi ro cho binh sĩ Ukraine.

Vì thế, với các loại pháo từ phương Tây đang được đưa vào Ukraine, đặc biệt là pháo M777 do Mỹ chế tạo, quân đội của Kyiv sẽ có thể bắn xe tăng Nga, tuyến đường vận chuyển và các mục tiêu khác, từ khoảng cách xa hơn.

Sự xuất hiện của pháo M777 đã làm dấy lên hy vọng pháo binh Ukraine có thể chiếm ưu thế ít nhất tại một số mặt trận tiền tuyến - một bước then chốt nhằm giành lợi thế trong cuộc xung đột đang diễn ra chủ yếu trên địa hình bằng phẳng, rộng mở của miền Đông Ukraine.

 Binh sĩ Ukraine sử dụng pháo M777. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine.

Binh sĩ Ukraine sử dụng pháo M777. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine.

Uy lực vượt trội

Từ trước, quân đội Ukraine đã sở hữu lượng pháo lớn, bao gồm pháo 2S3 Akatsiya dùng đạn 152 mm, lựu pháo tự hành Gvozdika dùng đạn 122 mm, hệ thống pháo phản lực đặt trên xe tải BM-21 Grad 122 mm, cùng với nhiều khẩu pháo kéo D-20 152 mm và D-30 122 mm, theo Popular Mechanics.

Đó chỉ là con số trên lý thuyết. Những loại pháo trên hầu hết đều đã cũ, có tầm bắn ngắn, và được sản xuất từ trước năm 1991. Chúng còn dùng cỡ đạn không tương thích với vũ khí hiện đại của NATO, vốn sử dụng cỡ đạn pháo tiêu chuẩn 155 mm.

Khi phương Tây mạnh dạn hơn trong những lô viện trợ cho Ukriane, Kyiv sẽ được nhận tổng cộng hơn 100 khẩu pháo dùng đạn cỡ 155 mm, trong đó có 90 khẩu pháo kéo M777 từ Mỹ, 6 khẩu M777 từ Australia và 4 khẩu từ Canada. Những khẩu pháo này đã dần tới Ukraine từ tháng 4.

M777 là loại pháo bắn trực diện có tầm xa nhất của Mỹ, với tầm bắn lên tới 30 km. Tầm bắn này xa hơn 5 km so với pháo tự hành Msta-S, hệ thống pháo phổ biến nhất mà Nga triển khai tại Ukraine. M777 có thể bắn xa hơn Msta-S 16 km nếu dùng đầu đạn đặc thù.

Lựu pháo M777 còn sử dụng hệ thống điều khiển điện tử có độ chính xác cao. Với tên gọi Số hóa Pháo kéo, hệ thống này dùng GPS để định vị và có thể nhận dữ liệu từ drone trinh sát, giúp bắn trúng mục tiêu với số lần khai hỏa ít hơn.

 Một khẩu M777 do Australia viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Australia.

Một khẩu M777 do Australia viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Australia.

Với trọng lượng khoảng 3,4 tấn, tương đối nhẹ trong số các loại pháo kéo, M777 có thể được vận chuyển bằng trực thăng hoặc được kéo bằng xe tải.

Một lợi thế khác của lựu pháo M777 nằm ở cỡ đạn 155 mm. Với cỡ đạn này, các đơn vị pháo binh Ukraine có thể lựa chọn nhiều đầu đạn khác nhau cho mỗi tình huống, như loại đạn pháo có sức công phá cao, đạn tạo khói, đạn pháo sáng, đạn có tầm xa hơn, và thậm chí là loại đạn hẹn giờ.

Đặc biệt, Ukraine cũng sẽ nhận được loại đầu đạn Excalibur 155 mm thông minh, có khả năng tự dẫn đường nhắm vào tọa độ GPS nhất định. Lục quân Mỹ từng khẳng định Excalibur sẽ bắn trúng phạm vi 2 m quanh mục tiêu, “bất kể khoảng cách bắn”.

Excalibur sẽ cho phép lực lượng Ukraine tiêu diệt đối phương một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Loại đạn này là năng lực lớn dành cho lực lượng đang phòng thủ và không có ưu thế về quân số.

Điểm nghẽn về đào tạo

Độ hiệu quả của lựu pháo M777 đã được kiểm chứng trong quá khứ. Từ trước khi vào tay quân đội Ukraine, loại pháo này đã được Mỹ sử dụng tại chiến trường Afghanistan, Iraq và Syria. M777 là một trong hai loại lựu pháo 155 mm quân đội Mỹ đang dùng, bên cạnh pháo tự hành M109 Paladin.

Pháo M777, kết hợp với radar phản pháo và drone, sẽ là “sự bổ sung rất lớn cho năng lực tác chiến của Ukraine”, ông Brian McKiernan, thiếu tướng lục quân Mỹ đã nghỉ hưu, nói với Defense One.

 Một chồng đạn pháo 155 mm trong cánh rừng tại tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine. Ảnh: New York Times.

Một chồng đạn pháo 155 mm trong cánh rừng tại tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine. Ảnh: New York Times.

Lựu pháo là vũ khí rất linh hoạt, theo ông McKiernan. Chúng có thể kìm hãm hoặc chặn đứng đợt tấn công của đối phương và mở đường cho đợt phản công của đồng đội.

“Tôi cho rằng pháo binh sẽ là năng lực thiết yếu”, ông McKiernan nói. “Nó sẽ giúp lực lượng Ukraine có năng lực tấn công tầm xa chết chóc, cho phép họ có lợi thế về tầm bắn. Nó cũng hiệu quả đối với mục tiêu như phương tiện bọc thép hạng nhẹ, phương tiện hỗ trợ, và chính pháo binh Nga”.

Nhiều hy vọng đã được đặt lên M777 nhưng trong giao tranh, pháo binh, số lượng và công nghệ không phải yếu tố quyết định. Những yếu tố không thể định lượng như quyết tâm, đào tạo và sự chuẩn bị cũng đóng vai trò lớn không kém.

Và giới phân tích quân sự cũng cho rằng tác động thực tế của M777 sẽ không xuất hiện trong ít nhất 2 tuần nữa, theo New York Times hôm 23/5.

Nguyên nhân là Ukraine chưa đào tạo đủ binh sĩ để có thể triển khai toàn bộ 100 khẩu M777 được viện trợ. Ở tiền tuyến mới chỉ có khoảng một chục cỗ pháo M777.

Nút thắt đang nằm ở vấn đề đào tạo. Theo New York Times, Mỹ đến nay đã huấn luyện khoảng 200 binh sĩ Ukraine trong khóa học 6 ngày ở các căn cứ tại Đức. Quân đội Ukraine chia số này ra làm hai nửa, một số người được cử tới tiền tuyến, số khác sẽ đào tạo thêm đồng đội.

Thời gian để huấn luyện binh sĩ cho toàn bộ số pháo từ Mỹ có thể kéo dài vài tuần nữa, theo Mykhailo Zhirokhov, tác giả sách về pháo binh trong giao tranh giữa Ukraine với lực lượng ly khai.

Pháo phản lực Nga tạo sóng xung kích khổng lồ khi trúng đích Ukraine công bố video các vị trí của quân đội nước này ở Donbas trúng đòn từ hệ thống pháo phản lực TOS-1A của Nga, tạo ra các "bong bóng" sóng xung kích khổng lồ ở mục tiêu.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sieu-phao-m777-co-giup-ukraine-lat-the-co-o-donbas-post1322560.html