Lực lượng pháo tự hành trong Quân đội Mỹ hiện nay, đang giảm dần vai trò quan trọng và ít được sử dụng, do các hệ thống pháo bọc thép rất nặng và khó triển khai cũng như tiếp tế trên toàn cầu một khi chiến sự nổ ra.
Nhưng đối với Hàn Quốc, pháo binh và đặc biệt là pháo tự hành bánh xích là lựa chọn tối ưu hơn, nó có thể phản ứng nhanh hơn, hiệu quả và rẻ hơn nhiều so với sức mạnh không quân; đồng thời có thể nhanh chóng đối phó với đối thủ tiềm tàng ở biên giới như Triều Tiên.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, hiện nước này đang có hơn 1.200 khẩu pháo kéo và pháo tự hành các loại được triển khai vào năm 2019, để đối mặt với các mối đe dọa đáng sợ từ Triều Tiên, dọc theo các khu phi quân sự địa hình núi ngăn cách hai nước.
Pháo tự hành K9 có cỡ nòng 155 mm với chiều dài nòng gấp 52 lần cỡ đạn, tầm bắn tối đa 40 km và có thể lên đến 52 km khi sử dụng đạn tăng tầm. Pháo có điểm đặc biệt là có thể thực hiện chế độ bắn loạt MRSI, theo loạt ba viên với quỹ đạo khác nhau và cùng tới một mục tiêu trong thời gian 15 giây.
Tốc độ bắn tối đa của pháo có thể đạt đến 8 phát/phút, khiến K9 trở thành một trong những loại pháo tự hành mạnh nhất thế giới. Đồng thời K9 cũng được đánh giá là một trong những khẩu pháo tự hành hiện đại nhất thế giới.
Ngoài ưu điểm là sức mạnh hỏa lực, pháo tự hành K9 còn có khả năng cơ động đáng kinh ngạc. K9 đã được Hàn Quốc thiết kế đặc biệt, để hoạt động trên những ngọn núi hiểm trở của khu phi quân sự với Triều Tiên, đã trang bị cho nó hệ thống treo khí nén tiên tiến để thích nghi với địa hình núi đá.
Pháo K9 được đặt trên khung gầm của xe tăng chiến đấu M1 của Mỹ, sử dụng động cơ MTU MT881 1.000 mã lực, nhờ vậy K9 có thể đạt vận tốc tối đa gần 68 km/h, sau khi khai hỏa để tránh hỏa lực phản pháo của đối phương. Phạm vi hoạt động của K9 cũng rất ấn tượng, chỉ với một thùng nhiên liệu K9 có thể di chuyển quãng đường lên đến hơn 350 km.
Khẩu đội sử dụng pháo là 5 người, K9 có thể sẵn sàng khai hỏa chỉ sau 30 giây triển khai và mang theo cơ số đạn 48 viên. Pháo được hỗ trợ bởi xe tiếp đạn K10, trong vòng chưa đầy 18 phút có thể bổ sung đầy đạn cho pháo.
Toàn bộ khung gầm xe và tháp pháo được bọc giáp với độ dày 19 mm, có khả năng chống lại mảnh đạn pháo và súng máy hạng nặng cỡ nòng đến 14,5 mm. K9 từng tham gia phản pháo trong vụ Triều Tiên bất ngờ pháo kích lên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc vào năm 2010.
Không những chỉ nổi tiếng trong nước, pháo tự hành K9 cũng đã dành được sự quan tâm từ nhiều khách hàng trên thế giới. Ấn Độ cũng đã hoàn tất đàm phán giá cả, về việc mua bán 100 khẩu pháo tự hành K9 Thunder trị giá 750 triệu USD.
Theo các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, phiên bản pháo tự hành K-9 bán cho Ấn Độ là phiên bản sửa đổi từ K9 Thần sấm, do Samsung Techwin sản xuất cho quân đội Hàn Quốc.
Phiên bản của Ấn Độ được gọi là K9 Vajra và được sản xuất tại tập đoàn Larsen & Toubro của Ấn Độ dưới sự chuyển giao công nghệ, giám sát kỹ thuật từ Samsung Techwin. Nguồn tin từ L&T cho biết, K9 Vajra sẽ áp dụng khoảng 50% linh kiện do Ấn Độ sản xuất.
Phía Ấn Độ đảm nhận chế tạo thân xe, tháp pháo và 14 hệ thống phụ khác liên quan đến thông tin liên lạc và điều khiển hỏa lực. Hợp đồng mua K9 không kèm theo xe tiếp đạn K10 được phát triển trên cơ sở khung gầm của K9.
Trước đó, quân đội Ấn Độ đã đánh giá 2 loại lựu pháo tự hành K9 Thunder 155 mm của Hàn Quốc và 2S19 Msta phiên bản 155 mm của Nga. Quá trình bắn thử 2 loại lựu pháo tự hành diễn ra tại trường bắn Pokharan, Rajasthan, Ấn Độ đã hoàn tất vào tháng 9/2015. Lựu pháo tự hành K9 đã chiến thắng đối thủ Msta của Nga. Nguồn ảnh: Chosul.
Cận cảnh sức mạnh của khẩu siêu pháo tự hành K9 đang phục vụ trong quân đội Hàn Quốc. Nguồn: Bemil.
Thái Hòa