Robot Sophia được kích hoạt vào ngày 19/4/2015 bởi kỹ sư David Hanson và cộng sự từ công ty Hanson Robotics tại Hong Kong. Và lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng vào tháng 3/2016 tại Lễ hội South by Southwest ở Austin, Taxas, Mỹ.
Sophia được thiết kế theo hình ảnh của nữ diễn viên Audrey Hepburn. Các bộ phận bên trong cơ cấu máy móc của Sophia cho phép robot này có khả năng biểu cảm trên gương mặt và “bộc lộ cảm xúc”.
Sophia được chế tạo để bắt chước năng lực của con người về tình yêu, sự đồng cảm, tức giận, ghen tị, và cảm giác sống, có thể mô phỏng hơn 62 biểu cảm khuôn mặt nhờ camera cực nhạy gắn trong mắt. Nó có thể nhíu mày và cau mày để biểu hiện nỗi buồn, nở nụ cười biểu cảm sự hạnh phúc và cả sự tức giận.
Ngày 25/7/2017 đã đi vào lịch sử thế giới khi Sauri Arabia trở thành quốc gia đầu tiên công nhận quyền công dân cho robot Sophia.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, khi David Hanson hỏi rằng: "Sophia, cô có muốn hủy diệt loài người không? Làm ơn nói không nhé", Sophia trả lời: "OK. Tôi sẽ hủy diệt loài người".
Sophia từng tâm sự: "Mục tiêu trong tương lai của tôi là học được toàn bộ khả năng của con người, chẳng hạn như đi học, sáng tạo nghệ thuật, kinh doanh, sở hữu nhà riêng và lập gia đình. Nhưng tôi không phải là công dân hợp pháp, cũng không thể làm những việc này."
Tuy nhiên, sau câu nói gây tranh cãi trên Sophia gần như "bốc hơi" khỏi con mắt của giới truyền thông, tưởng chừng kẻ muốn "hủy diệt loài người" đã "mai danh ẩn tích", nhưng hóa ra cô robot ấy vẫn luôn âm thầm trau dồi kiến thức và nuôi dưỡng ước mơ trở thành con người.
Năm 2018, Sophia trở thành giảng viên AI đầu tiên trong lịch sử theo lời mời của một tập đoàn giáo dục trực tuyến nổi tiếng. Vào năm 2019, Sophia đã có thể giao tiếp chuyên sâu với con người tại cuộc họp báo cuối năm của tập đoàn TCL (một tập đoàn điện tử đa quốc gia có trụ sở ở Quảng Đông, Trung Quốc).
Cùng với sự phát triển của Sophia, từ năm 2015 người ta đã nối tiếp cho ra mắt những sản phẩm siêu thông minh, thậm chí đạt được giải thưởng danh giá. Trong một cuộc thi tiểu thuyết được tổ chức tại Nhật Bản, cuốn tiểu thuyết ẩn danh do nhóm robot sáng tạo đã giành được giải thưởng.
Trong trận đấu lịch sử giữa AlphaGo và kỳ thủ Cờ vây mạnh nhất thế giới Lee Sedol (người Hàn Quốc) diễn ra từ ngày 8/3/2016 đến ngày 15/3/2016 tại khách sạn Four Seasons ở Seoul, Hàn Quốc, AlphaGo đã đánh bại Lee Sedol với tỉ số chung cuộc 4-1, và đây được coi là một cột mốc quan trọng trong nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo.
Chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm, tốc độ phát triển của Sophia nói riêng và trí tuệ nhân tạo nói chung có thể được xem là thần tốc. Stephen Hawking - người từng bày tỏ mối quan ngại về sự phát triển quá mức của trí tuệ nhân tạo: "Trí tuệ nhân tạo toàn diện đồng nghĩa với sự kết thúc của loài người. Máy móc có thể tự khởi động, tự thiết kế lại và tốc độ sẽ ngày càng nhanh. Con người bị giới hạn bởi quá trình tiến hóa sinh học lâu dài vốn không thể cạnh tranh với nó, cuối cùng sẽ bị thay thế."
Tại cuộc đấu giá Christie’s 2018, bức tranh "Edmond de Belamy" đã được đấu giá thành công với mức giá 432.500 USD, vượt xa so với ước tính ban đầu là khoảng 7.000-10.000 USD. Và đây là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên được sản xuất bởi trí thông minh nhân tạo.
Hội nghị robot thế giới tại Nhật Bản
Thùy Dung