Siêu tăng T-14 Armata của Nga không phù hợp để thực chiến ở Ukraine?
Nhiều người đặt câu hỏi vì sao T-14 Armata sở hữu dàn khí tài 'khủng' cùng cấu tạo hiện đại với khoang bảo vệ riêng biệt dành cho kíp lái và tháp pháo điều khiển từ xa, nhưng siêu tăng của Nga lại không được triển khai trong các nhiệm vụ chiến trường thực tế ở Ukraine?
Trong các cuộc thử nghiệm xe tăng T-14 Armata của Nga tại thao trường Kazan gần đây, pháo nòng trơn 2A82 phóng tên lửa Sprinter 3UBK21 bắn trúng mục tiêu giả định trên không cách xa 8km. Khoảng cách bắn trúng mục tiêu xa nhất của xe tăng này trước đây chỉ là 7-7,5km.
Trang tin quân sự Bulgarian cho hay, pháo nòng trơn 2A82 cỡ 125mm ban đầu được thiết kế cho xe tăng T-72 và T-80. Loại pháo này được phát triển từ những năm 1990 khi có quyết định năng cấp 2 mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực. Thời kỳ đó các mẫu xe tăng hiện hành của Liên Xô không còn có thể cạnh tranh với các xe tăng phương Tây như Abrams của Mỹ hay Merkavas của Israel.
Sau những nỗ lực nghiên cứu chuyên sâu, hai loại pháo uy lực đã được phát triển: pháo 2A83 cỡ nòng 152 mm mạnh mẽ được thiết kế cho xe tăng T-95 tối tân của Nga và pháo 2A82 cỡ nòng 125 mm dành cho xe tăng T-72 và T-80 cải tiến.
Cả 2 khẩu pháo này đều được xem xét để tích hợp lên xe tăng T-14 Armata. Tuy nhiên, 2A83 đã bị loại bỏ do những hạn chế về lượng đạn sẵn có. Vì vậy, pháo 2A82 cỡ 125 mm được lựa chọn trang bị cho xe tăng mới. T-14 vẫn có thể được trang bị pháo 2A83 nếu cần.
Pháo nòng trơn 2A82 và tên lửa 3UBK21 Sprinter
Pháo nòng trơn 2A82 đang thay đổi cuộc chơi nhờ những khả năng độc đáo. Nó có thể tấn công chính xác mục tiêu ở khoảng cách lên tới 3,5 km và nhắm mục tiêu cả trên không và trên mặt đất trong bán kính hơn 8 km. Hơn nữa, pháo 2A82 trên xe tăng T-14 Armata được điều khiển từ xa và việc lựa chọn loại đạn cũng không chỉ giới hạn ở đạn pháo 125mm.
Đạn dược của nó có thể bao gồm đạn xuyên giáp như 3BM59 Lead-1 và 3BM60 Lead-2, đạn Vacuum-1 và Vacuum-2, tên lửa 3UBK21 Sprinter tầm bắn lên tới 12km và đạn nổ phân mảnh Telnik.
3UBK21 Sprinter là loại đạn xe tăng độc đáo do Liên Xô phát triển. Đây thực chất là tên lửa chống tăng dẫn đường (ATGM) được thiết kế đặc biệt để phóng trực tiếp từ pháo chính của xe tăng.
3UBK21 Sprinter được thiết kế để nhắm mục tiêu và tiêu diệt xe thiết giáp của đối phương. Tên lửa được trang bị tiêu chuẩn với hệ thống dẫn đường bán tự động [SACLOS], kết hợp với đầu đạn chống tăng HEAT.
Truyền thông Nga cho hay, Sprinter mang lại hiệu quả rất lớn, với tầm bắn lên tới 12km. Về khả năng xuyên giáp, tên lửa này được cho là có thể xuyên thủng lớp giáp đồng nhất dày tới 950mm. Nó có thể tấn công cả các mục tiêu trên không bay thấp, bao gồm cả trực thăng.
Nhờ được trang bị vũ khí tiên tiến, xe tăng T-14 Armata được đánh giá là vượt trội hơn so với các đối thủ, bao gồm cả những xe tăng đang biên chế trong quân đội các nước NATO.
Pháo chính của T-14 cũng có cỡ nòng lớn nhất so với bất kỳ loại xe tăng nào khác được đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây. Loại pháo được trang bị trên xe tăng Leopard của Đức và xe tăng Abrams của Mỹ là RH120 L/55 cỡ 120 mm do Rheinmetall sản xuất.
T-14 không phù hợp để thực chiến ở Ukraine?
Một trong những đặc điểm nổi bật của xe tăng T-14 Armata là tháp pháo được điều khiển từ xa, trong khi kíp lái ngồi trong khoang bọc thép kiên cố, tách biệt với khoang chứa nhiên liệu và đạn dược. Điều này giúp kíp lái có khả năng sống sót tốt hơn ngay cả trong trường hợp xe tăng bị đánh trúng.
Nhiều người đặt câu hỏi T-14 với đặc điểm nổi bật như vậy vẫn chưa được triển khai trong các nhiệm vụ chiến trường thực tế ở Ukraine?
Truyền thông nhà nước Nga từng đăng tải hình ảnh cho thấy T-14 hoạt động ở tiền tuyến, nã pháo về phía lực lượng Ukraine từ xa nhưng không tham gia vào các hoạt động tấn công trực tiếp. Tuy nhiên, tình báo Ukraine đã bác bỏ thông tin trên và nói rằng họ chưa thấy chiếc T-14 nào hoạt động ở tiền tuyến.
Giải thích về việc T-14 vắng bóng trong các nhiệm vụ thực chiến ở Ukraine, ông Sergey Chemezov, lãnh đạo tập đoàn Rostec của Nga cho rằng, chi phí cao hạn chế việc sản xuất chúng ở quy mô lớn. Về mặt chức năng, tất nhiên T-14 vượt trội hơn nhiều so với các xe tăng hiện có, nhưng nó hơi đắt tiền nên quân đội Nga hiện tại khó có thể sử dụng.
Theo ông, quân đội Nga có thể dễ dàng mua những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba T-90 cũ thay vì triển khai T-14 ở Ukraine. Chỉ khi nào T-14 được sản xuất và đưa vào trang bị với số lượng đủ lớn thì chúng mới có cơ hội tham chiến tích cực hơn.
Quan chức Nga Mikhail Andreev đưa ra quan điểm khác với lời giải thích của ông Chemezov. Ông cho rằng hoàn toàn có lý khi ông Chemezov không thể công khai xác nhận “xe tăng T-14 không phù hợp để chiến đấu thực tế ngay cả sau khi thử nghiệm rộng rãi” và điều này là lý do chính khiến nó vắng mặt ở tiền tuyến.
Trong khi đó, trong bản cập nhật tình báo ngày 5/3 Bộ Quốc phòng Anh cho rằng lý do Nga chưa triển khai siêu tăng T-14 trong thực chiến ở Ukraine có thể là do tiềm ẩn nguy cơ tổn hại về mặt danh tiếng khi mất đi phương tiện “uy tín” trong chiến đấu.
Mặt khác, việc triển khai Armata tới Ukraine sẽ là một “quyết định nhiều rủi ro” đối với Nga. T-14 có thể sẽ gây căng thẳng cho chuỗi hậu cần của Nga vì chúng nặng hơn và lớn hơn các phương tiện bọc thép khác.