Siêu tăng T-14 Armata của Nga sắp được sản xuất hàng loạt?

Bất chấp nhiều thông tin mâu thuẫn về xe tăng chiến đấu chủ lực, mẫu xe tăng mới T-14 Armata của Nga sẽ bắt đầu được sản xuất hàng loạt vào năm 2022.

 T-14 Armata có thể được sản xuất hàng loạt vào năm 2022 (Ảnh: National Interest)

T-14 Armata có thể được sản xuất hàng loạt vào năm 2022 (Ảnh: National Interest)

“Các cuộc thử nghiệm mẫu xe tăng này sẽ khép lại vào năm tới. Nó sẽ được đưa vào dây chuyền sản xuất hàng loạt vào năm 2022” – Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov nói với hãng thông tấn TASS hôm 6/7.

Theo tạp chí Jane’s Defense Weekly, ngành công nghiệp quốc phòng Nga trước đó đưa ra nhiều thông tin khác nhau về tiến trình phát triển xe tăng Armata. Moscow từng lên kế hoạch sản xuất 2.300 chiếc Armata vào năm 2020, sau đó lại chuyển sang 2021 và rồi một lần nữa chuyển thành 2025.

Tháng 4/2020, ông Maturove từng nói trên kênh truyền hình nhà nước Nga rằng mẫu xe tăng T-14 Armata sẽ được bàn giao bắt đầu từ năm 2021, dường như mâu thuẫn với tuyên bố mà ông mới đưa ra với TASS.

Tuy nhiên, tuyên bố mới nhất của ông lại phù hợp với một tuyên bố mà Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đưa ra trong tháng 3 vừa qua, rằng lực lượng vũ trang Nga sẽ được bàn giao “lô đầu tiên” xe tăng T-14 Armata vào năm 2022.

Lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc diễu binh mừng Ngày Chiến thắng ở Moscow năm 2015, T-14 Armata là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ 4 được tích hợp nhiều tính năng vượt trội và công nghệ hiện đại. Mẫu tăng này có trọng lượng 48 tấn và có khả năng đạt vận tốc lên tới 90 km/giờ; theo nhiều nguồn tin.

Chiếc xe tăng sẽ có một tháp pháo điều khiển từ xa và sẽ được điều hành bởi một thành viên của tổ lái tại một khoang riêng trong xe. Một số người tin rằng điều này có thể dẫn đến một chiếc xe tăng tự động hoàn toàn trong tương lai.

Giám đốc điều hành của Rostec, Sergey Chemezov, nhấn mạnh rằng hệ thống vũ khí được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI) của xe tăng có thể xử lý được phần lớn các nhiệm vụ, như theo dõi và khóa mục tiêu mà không cần bất kỳ sự điều chỉnh nào của con người; theo báo cáo.

“Tổ lái của Armata không cần phải ngắm bắn chính xác” – ông Chemezov nói – “Họ chỉ cần chĩa tâm ngắm về phía cần bắn, và các thiết bị điện tử sẽ làm điều còn lại: Nó sẽ tính toán chính xác khoảng cách tới mục tiêu và ngắm chính xác vào mục tiêu. Xe tăng này sử dụng trí tuệ nhân tạo, giúp tổ lái ngắm bắn chính xác”.

T-14 Armata có đầy đủ tính năng vượt trội để vùi dập mẫu tăng chủ lực của NATO (Ảnh: AFP)

Tuy nhiên, ông Chemezov nói rằng chỉ có con người mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng về việc có khai hỏa phát bắn được máy tính tính toán cẩn thận hay không.

Do tháp pháo không cần người, nên tổ lái được ngồi trong một khoang bọc giáp bên trong xe tăng thay vì phải ngồi sát với nó, như các mẫu truyền thống. Vị trí ngồi này giúp tổ lái nâng cao mức độ an toàn trước họng súng của kẻ địch; theo Defense Post.

Phần đỉnh của tháp pháo được lắp đặt một hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GLONASS) của Nga, hệ thống liên lạc vệ tinh, cột khí tượng, ăng-ten kết nối dữ liệu và liên lạc sóng radio. T-14 cũng được trang bị “lớp bảo vệ hạt nhân, sinh học và hóa học (NBC), một hệ thống chữa cháy tự động và các bộ phóng lựu đạn khói để gây nhiễu”; theo Army Technology.

Thêm nữa, hệ thống phòng vệ chủ động (APS) Afghanit cũng giúp T-14 tăng sức chống chịu trước các đòn tấn công bằng tên lửa chống tăng dẫn đường (ATGM), rocket, và lựu đạn phóng tên lửa (RPG). Theo một số báo cáo, bên trong xe tăng thậm chí còn có một buồng vệ sinh.

Mặc dù, T-14 Armata có đủ những tính năng vượt trội để vùi dập mẫu tăng chiến đấu chủ lực hiện tại của NATO, nhưng nó lại gây quan ngại về chi phí ngay từ khi chương trình phát triển mới bắt đầu. Một số nguồn tin Nga từng chỉ ra rằng T-14 Armata có thể có chi phí sản xuất cao gấp 3 lần so với mẫu T-72.

Chi phí sản xuất được dự báo cho mỗi chiếc T-14 Armata hiện ở mức 3,7 triệu USD. Mặc dù con số này được cho là hợp lý nếu so với các mẫu xe tăng thế hệ thứ 4 khác – như mẫu K2 Black Panther của Hàn Quốc – những vẫn tạo nên gánh nặng đáng kể đối với nguồn gân sách quốc phòng khiêm tốn của Nga; theo National Interest.

Chính quyền Moscow hiện mong muốn sẽ giảm bớt được nguồn vốn đổ vào sản xuất T-14 nhờ vào hàng loạt các bản hợp đồng xuất khẩu sớm. Ông Manturov nói rằng đã có một số quốc gia ngỏ ý muốn đặt hàng mẫu xe tăng này, mặc dù không nêu chi tiết.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc kiêm trưởng nhóm thiết kế của hãng Uralvagonzavod (UVZ), Andrey Terlikov, nói với TASS hồi tháng 2 vừa qua rằng T-14 Armata sẽ được hạ giá. Bộ Quốc phòng Nga và UVZ “sẽ nhất trí về một mức giá sao cho phù hợp với cả hai bên”, ông nói.

Uralvagonzavod, một công ty con của Roxtec, cũng đang phát triển một phiên bản không người lái của T-14 Armata với số lượng có hạn, dự kiến sẽ được sử dụng để thử nghiệm “các công nghệ không người lái để áp dụng cho các mẫu robot dưới mặt đất”, ông Chemezov cho hay.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/sieu-tang-t-14-armata-cua-nga-sap-duoc-san-xuat-hang-loat-post147853.html