Anh và Nhật Bản nhất trí tổ chức các cuộc tập trận chung trong thời gian nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh được triển khai đến châu Á trong năm nay.
Thỏa thuận tổ chức các cuộc tập trận đã được ký kết ngày 3-2 tại một hội nghị trực tuyến, trang Nikkei Asia đưa tin.
Nhật Bản hoan nghênh quyết định triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh vào đầu mùa xuân năm nay tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Với việc triển khai siêu tàu sân bay mạnh nhất Châu Âu, đây là một dấu hiệu cho thấy cam kết lớn hơn của Anh đối với khu vực.
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ tham gia tập trận cùng Hải quân Anh
Máy bay chiến đấu F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ cũng sẽ đi cùng với HMS Queen Elizabeth trong quá trình triển khai.
Hội nghị trực tuyến vừa qua có sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cùng Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace.
Buổi họp này là cuộc đối thoại 2+2 đầu tiên giữa hai nước kể từ tháng 12-2017. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh London đang tìm cách tăng cường quan hệ ở châu Á sau khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) vào tháng trước.
“Chúng tôi sẽ đưa hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Anh lên một tầm cao hơn”, Bộ trưởng Ngoại giao Motegi nói.
Việc triển khai nhóm tàu sân bay sẽ chứng tỏ khả năng phòng thủ của Anh và Anh hy vọng sẽ hợp tác nhiều hơn nữa với Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Wallace cho biết.
Hai nước cũng phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Đông và biển Hoa Đông. Đồng thời, họ cũng bày tỏ quan ngại về Luật Hải cảnh của Trung Quốc
Kể từ khi rời EU, Anh đã tăng cường hợp tác với châu Á để duy trì và củng cố ảnh hưởng của mình trong cộng đồng quốc tế. Nước này cũng nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth được bắt đầu khởi đóng tại xưởng đóng tàu Vabcock Marine Rosalie từ năm 2009, và được hoàn thành sau 5 năm. Chi phí để chế tạo con tàu khổng lồ này lên tới 4,2 tỷ USD.
HMS Queen Elizabeth có lượng giãn nước đầy tải tới 72.000 tấn, nó to gấp ba lần tàu sân bay lớp Invincible, gấp hai lần tàu sân bay nguyên tử trang bị máy phóng Charles De Gaulle của Pháp, và chỉ thua 2 loại tàu sân bay lớp Nimitz và Gerald Ford của Mỹ.
Con tàu có diện tích mặt boong 16.000 mét vuông, gấp 2,5 lần sân vận động Wembley. Chiến hạm có khả năng chở tối đa 36 máy bay F-35B và 4 trực thăng cảnh báo sớm Crowsnest. Ngoài ra, tàu sân bay này có thể được bổ sung tới 12 trực thăng Chinook hoặc Merlin và 8 trực thăng tấn công AH-64 Apache.
Lực lượng tiêm kích F-35B trên tàu hiện tại thuộc biên chế Phi đoàn tiêm kích số 211 thủy quân lục chiến Mỹ. Anh cũng đã nhận những chiếc F-35B đầu tiên và sẽ nhanh chóng trang bị đầy đủ cho con tàu sân bay này.
HMS Queen Elizabeth cũng được thiết kế tối ưu độ bộc lộ tín hiệu radar và được áp dụng những công nghệ hàng hải tối tân nhất trên thế giới do Thales và BAE Systems phát triển. Điều này giúp cho nhóm tác chiến của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ có năng lực tác chiến đáng sợ trên biển.
So về mặt kích thước và trọng tải HMS Queen Elizabeth của Anh được xếp vào lớp tàu sân bay hạng trung với Đô đốc Kuznetsov của Nga và tàu Liêu Ninh của Trung Quốc, tuy nhiên năng lực chiến đấu của con tàu đến từ Anh lại được đánh giá cao hơn rất nhiều so với đối thủ đến từ Nga và Trung Quốc.
Việt Hùng