Bên cạnh lượng khách tăng cao đột biến ở các quầy thanh toán, quầy cân thực phẩm, bánh kẹo cũng phải xếp hàng chờ đợi. Nhân viên làm việc hết công suất để phục vụ dịp cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán.
Toàn bộ quầy thanh toán hoạt động hết công suất nhưng khách vẫn phải xếp hàng chờ đợi.
Tối 27 Tết, mất khoảng 20 phút xếp hàng tại một siêu thị trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa), vợ chồng chị Quỳnh Phương mới thanh toán xong giỏ hàng Tết gồm nước ngọt, bia, bánh kẹo, đồ ăn lẩu, và một số chất tẩy rửa. Dù vậy, chị Phương không quá sốt ruột và cho rằng việc tính toán sắm Tết thời điểm này còn hợp lý hơn nhiều so với cuối tuần trước. Như những gì diễn ra vào chủ nhật vừa qua, một số đồng nghiệp kể với chị Phương, họ mất 30 - 40 phút xếp hàng thanh toán tại siêu thị.
Sau ngày làm việc cuối cùng của năm Âm lịch (28 Tết), nhiều người sẽ về quê đón Tết. Theo đó, việc mua sắm buộc phải thực hiện vào tối 27 Tết. Tình trạng đông đúc diễn ở nhiều siêu thị.
Nhiều em nhỏ theo bố mẹ đi sắm Tết, kiên nhẫn chờ tới lượt thanh toán. Tối 27 Tết, sau 22 giờ, quầy thanh toán của một siêu thị trên đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân) vẫn chưa ngớt khách. 14 quầy thanh toán của siêu thị hoạt động hết công suất.
Khách hàng ra về với những túi hàng đầy ắp. Tranh thủ khuyến mại, nhiều người chọn mua các loại hàng khô, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm có thời hạn sử dụng dài.
Một số siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội thông báo tăng hoạt động trước Tết Nguyên đán 2024, sẽ mở cửa trở lại ngay mùng 2 Tết, có siêu thị mở cửa xuyên Tết.
Khách mua hàng Tết chất đầy các xe đẩy.
Các siêu thị đã thông báo lịch nghỉ Tết và thời gian mở cửa trở lại để người dân mua sắm.
Việt Linh