Sáng 24/7, lượng người đến mua sắm thực phẩm tại một trung tâm thương mại ở quận Hai Bà Trưng tăng đáng kể. Tuy vậy, nơi đây không xảy ra tình trạng cháy hàng.
Các quầy làm thủ tục thanh toán khá đông. Trung bình khoảng 4-5 lượt khách xếp hàng chờ tính tiền cho mỗi quầy.
Nhân viên thu ngân hoạt động luôn chân tay bởi lượng hàng khách chọn mua khá lớn. Trung bình khoảng 1 triệu đồng cho mỗi đơn. Người dân chủ yếu chọn các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như gạo, mì, thịt, cá, đồ đông lạnh, rau củ quả...
Trái với khu vực kệ hàng thực phẩm thiết yếu, các gian bày đồ gia dụng, nước tẩy rửa, vệ sinh lại thưa thớt người ghé qua.
Tại các gian trưng bày rau, lượt khách ra vào thường xuyên với số lượng mua khoảng 4 đến 5 bó rau mỗi người. Đây là thực phẩm khó bảo quản được lâu, người tiêu dùng mua với số lượng vừa phải, không có tình trạng vơ vét.
Gian hàng thịt có khá đông khách ghé chọn. Mỗi người mua từ 5 đến 6 gói đóng sẵn khiến kệ rỗng nhanh. Nhưng chỉ ít phút sau, các nhân viên siêu thị kịp thời bổ sung hàng.
Nhân viên liên tục xếp rau lên kệ, đảm bảo cung cấp đầy đủ cho khách hàng.
Mặc dù nhiều người có tâm lý tích trữ hàng hóa trong những ngày giãn cách, anh Hà (40 tuổi) lại khá thoải mái, tin rằng siêu thị vẫn sẽ cung cấp đủ trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. "Tôi cảm thấy việc tích trữ là không cần thiết bởi tôi sống ở căn hộ ngay gần đây, chỉ mua lượng thực phẩm vừa đủ cho mỗi ngày”, anh nói.
Quầy trái cây cũng được nhiều khách hàng quan tâm chọn lựa. Có khá nhiều loại trái cây trong và ngoài nước được bày bán, giá cả không có nhiều biến động.
Chị Thu Thủy cùng chồng cẩn thận trang bị kính chống giọt bắn khi đi đến siêu thị. “Sáng nay lúc ngủ dậy tôi mới đọc được thông báo về giãn cách xã hội. Tuy vậy tôi không có tâm lý tích trữ thực phẩm, bởi nhà tôi đã quen đi mua sắm vào cuối tuần và sẽ dùng hết trong tuần, khi đến đây tôi ngạc nhiên vì người tập trung mua hàng rất đông”, chị nói.
Khu vực cân đong hàng hóa có khá đông khách chờ đợi.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc Vận hành Công ty VinCommerce (VCM) cho biết cho biết tại Hà Nội, doanh nghiệp này 41 siêu thị VinMart và hơn 800 cửa hàng VinMart+. Đơn vị này đã làm việc với các nhà cung cấp lớn tăng lượng cung ứng gấp 3 đối với hàng thực phẩm thiết yếu, trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần. Các loại sản phẩm có thể dự trữ lâu như bí xanh, khoai tây... cũng nhiều hơn và làm để đảm bảo hàng trên quầy kệ không bị trống.
Đặc biệt, trung tâm thương mại này còn cung cấp dịch vụ “đi chợ hộ”. Trong hóa đơn trên, một khách hàng đã đặt mua một số loại rau với tổng tiền 411.000 đồng, trong đó có 28.000 đồng là phí vận chuyển.
Với dịch vụ “Đi chợ hộ”, thông qua danh sách số điện thoại của từng chi nhánh của siêu thị này, khách hàng có thể đặt mua hàng hóa qua các ứng dụng điện tử phổ biến và thanh toán online. Họ chỉ việc nhận hàng, tránh lây lan dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt.
Hà Nội đảm bảo đủ hàng hóa cho người dân trong 3 tháng
Ngày 23/7, Sở Công Thương Hà Nội cho biết trước diễn biến tình hình dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ 17 mặt hàng thiết yếu từ 30-50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường. Tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp sẽ bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.
Nhật Sinh