Siêu thị Thổ Nhĩ Kỳ chỉ mở cửa từ 9 đến 21 giờ, đảm bảo diện tích 10m2/khách hàng
Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết giờ mở cửa các cửa hàng tạp hóa và siêu thị sẽ giới hạn từ 9h sáng tới 21h (theo giờ địa phương) và những nơi này phải đảm bảo diện tích tối đa 10m2/khách hàng.
Trong nỗ lực ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan, ngày 24/3, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp đặt các hạn chế đối với thời gian mở cửa các cửa hàng tạp hóa và số lượng khách hàng mua sắm cũng như hành khách đi xe buýt sau khi số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã tăng lên 37 ca.
Trong tuyên bố của mình, Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết giờ mở cửa các cửa hàng tạp hóa và siêu thị sẽ giới hạn từ 9h sáng tới 21h (theo giờ địa phương) và những nơi này phải đảm bảo diện tích tối đa 10m2/khách hàng. Các xe buýt di chuyển trong các thị trấn và giữa các thành phố sẽ không được phép chở vượt qua 50% công suất và đảm bảo khoảng cách nhất định giữa các hành khách.
Hiện tại, Ankara đã đóng cửa các trường học, quán giải khát, quán rượu, cấm các buổi cầu nguyện đông người và hoãn vô thời hạn các các trận đấu tại các giải thể thao lớn. Bên cạnh đó, Ủy ban cạnh tranh Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận tối 23/3, có tình trạng một số kẻ đầu cơ đã lợi dụng tình hình để tăng giá thực phẩm, chủ yếu là rau quả. Tuy nhiên, ủy ban cho biết sẽ áp dụng mức phạt nặng đối với những kẻ đã có các hành vi trục lợi như trên.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca đã thông báo về tổng số ca tử vong mới, đồng thời cho biết số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng 293 ca trong ngày 23/3 lên 1.529 ca. Cũng trong tối 23/3, Bộ trưởng Koca cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tuyển dụng thêm 32.000 nhân viên y tế và ngừng xuất khẩu khẩu trang được sản xuất trong nước trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ông cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt hàng bộ xét nghiệm nhanh từ Trung Quốc, cũng như những loại thuốc mà ông nói rằng từng được sử dụng để điều trị những bệnh nhân mắc COVID-19.
Cũng trong ngày 24/3, một nguồn tin Chính phủ Italy cho biết nước này ủng hộ việc cho phép Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) - quỹ cứu trợ thường trực của các nước Khu vực Sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - cung cấp hỗ trợ tài chính vô điều kiện cho các nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nề do COVID-19. Rome cũng ủng hộ việc phát hành trái phiếu của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đối phó với tình trạng khẩn cấp y tế do dịch COVID đang gây khó khăn cho các nền kinh tế nội khối.
Theo kế hoạch, các bộ trưởng tài chính Eurozone trong cùng ngày sẽ thảo luận về các đề xuất của Ủy ban châu Âu nhằm tận dụng ESM trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Trước đó, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã kêu gọi EU tận dụng tối đa quỹ cứu trợ nhằm đối phó với dịch COVID-19 đang lan rộng khắp châu Âu.
Với 6.077 ca tử vong tính tới ngày 23/3, Italy là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 tại châu Âu. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Italy đã tuyên bố không tiếp nhận các du thuyền nước ngoài.
Trong khi đó, giới chức Chile ngày 23/3 thông báo một du thuyền chở hơn 1.800 hành khách và thủy thủ đoàn không được phép cập cảng San Antonio của nước này do có 42 trường hợp được cho có các triệu chứng giống cúm.
Du thuyền Zaandam, mang cờ Hà Lan và do Tập đoàn Holland America vận hành, đang tìm bến đỗ để đưa những hành khách bị ốm xuống tàu trước khi tiếp tục hành trình qua kênh đào Panama để tới Fort Lauderdale, bang Florida, Mỹ. Con tàu này xuất phát từ Buenos Aires của Argentina hôm 7/3. Theo Holland America, 13 trong số 1.243 hành khách và 29 trong số 586 thành viên thủy thủ đoàn đang gặp vấn đề sức khỏe. Hiện tất cả những người bị ốm và những người tiếp xúc gần với những trường hợp này đã được cách ly. Tình hình trên tàu đang xấu đi khi du thuyền này vẫn lênh đênh trên vùng biển Chile từ ngày 15/3 và không tìm được bến đỗ.
Chile đã đóng cửa các cửa khẩu trên bộ, đường thủy và hàng không đối với người nước ngoài nhập cảnh từ ngày 18/3 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Cho tới nay, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận 746 ca mắc COVID-19 và 2 ca tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này.