Siêu thị tìm cách kìm giá hàng thiết yếu trong bối cảnh 'bão giá'

Giá nhiều loại thực phẩm tăng thêm trong thời gian qua, trong đó có nhiều mặt hàng thiết yếu như đường, dầu ăn, thịt lợn, gà, trứng… ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Đồng thời khiến doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm chịu áp lực lớn.

Giá xăng vừa được điều chỉnh giảm trên 3.000 đồng/lít, các nhà sản xuất cho biết mức giảm này mới chỉ giúp cho doanh nghiệp bớt áp lực chứ chưa thể giảm giá thành sản phẩm, bởi trong suốt thời gian qua chi phí liên tục tăng, các doanh nghiệp gần như sử dụng hết những nguyên liệu dự trữ để nỗ lực không tăng giá vì xem như là một phần trách nhiệm với cộng đồng. Trong khi các đơn vị bán lẻ bộc bạch họ đang có thêm cơ hội để giữ giá.

Thực phẩm nội, ngoại tăng “phi mã”

Theo ghi nhận, giá bán nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm đã được điều chỉnh tăng thêm và neo ở mức cao. “Ngày 18/7/2022, giá thịt lợn móc hàm tại các chợ đầu mối đã ở mức 110.000 đồng/kg. Còn giá lợn hơi đã tăng thêm 7.000 đồng/kg trong tuần qua lên mức 70.000 đồng/kg. Không chỉ giá thịt lợn, mà hầu hết các loại rau, củ, quả cũng tăng giá”, chị Nguyễn Thị Khuyên – kinh doanh thực phẩm tại trung tâm thương mại HH (Hoàng Liệt, Hà Nội) chia sẻ.

Siêu thị tăng cường khuyến mại, tung hàng nhãn riêng giá tốt hỗ trợ người tiêu dùng trong giai đoạn "bão giá".

Siêu thị tăng cường khuyến mại, tung hàng nhãn riêng giá tốt hỗ trợ người tiêu dùng trong giai đoạn "bão giá".

Chị Minh Phương, chủ quầy bán thịt lợn quay chia sẻ: “Giá mặt hàng thịt lợn gần như điều chỉnh tăng hàng ngày. Chẳng hạn, ngày 17/7 giá thịt lợn ba chỉ bán ra ở mức 140.000 đồng/kg tăng thêm 10.000 đồng/kg so với ngày hôm trước. Vì vậy, tôi cũng phải điều chỉnh giá bán từ 30.000 đồng/lạng lên 33.000 đồng/lạng so với ngày hôm trước”.

Thời điểm hiện nay, trừ trái cây không tăng giá, các loại rau, củ cũng liên tiếp được điều chỉnh: Hành lá tăng từ 35.000 đồng/kg lên 42.000 đồng/kg; cà chua từ 25.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg; bí xanh từ 20.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg; rau muống từ 8.000 đồng/bó lên 10.000 đồng/bó, rau dền từ 5.000 đồng/bó lên 7.000 đồng/bó; hành, tỏi cũng tăng thêm khoảng 5.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/lạng…

Không chỉ có thực phẩm nội, thực phẩm ngoại cũng tăng giá. Đại diện Công ty nhập khẩu thực phẩm H2T Foods cho biết giá thịt gà ngoại nhập tăng mạnh thời gian qua, đặc biệt 2-3 tháng gần đây tăng liên tiếp, là do nguồn cung gà từ các thị trường lớn như Mỹ đang giảm đẩy giá tăng, kèm theo chi phí vận tải tăng cao.

Tương tự, theo ghi nhận ngày 16/7, giá thịt gà trong nước bán lẻ tại nhiều cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội đang ở mức khá cao với ức gà phi lê 95.000 - 120.000 đồng/kg, cánh gà 85.000 - 105.000 đồng/kg, đùi gà 75.000 - 95.000 đồng/kg...

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM cho biết, hiện tại các doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì giữ giá cả hàng hóa ổn định bằng cách chấp nhận hạ mức lợi nhuận xuống tối thiểu, thậm chí hòa vốn. Qua đó cùng chia sẻ khó khăn với người dân và kích cầu tiêu dùng tăng trở lại.

Tuy nhiên, đến một lúc nào đó nếu tình hình giá nguyên liệu đầu vào và giá thị trường tiếp tục tăng cao hơn nữa, doanh nghiệp sẽ tính toán đến việc điều chỉnh phù hợp. Song mức tăng giá cũng chỉ điều chỉnh trong giới hạn mà người tiêu dùng có thể chấp nhận được.

Siêu thị tăng hàng dự trữ, tiết giảm trung gian

Nhiều siêu thị như WinMart, MM Mega Market, Lotte Mart... cho biết đang cố gắng kìm giá bán nhưng khả năng trong tháng 8 sẽ có thêm các nhà cung cấp đề xuất tăng giá bán với hàng thiết yếu.

Để hạn chế mức tăng giá, ông Nguyễn Văn Quý, Phó Tổng Giám đốc phụ trách chuỗi WinMart+ cho biết, WinCommerce đã chủ động đàm phán cùng đối tác nhằm trì hoãn việc tăng giá, đặc biệt với nhóm hàng nhu yếu phẩm. Đồng thời phát triển nhãn hàng riêng thông qua việc đẩy mạnh kết nối với nhà cung cấp, nhà sản xuất các vùng miền nuôi trồng tại địa phương nhằm xây dựng chuỗi phân phối khép kín, cung cấp hàng hóa chất lượng đến tay người tiêu dùng nhanh nhất với giá tốt nhờ tiết giảm nhiều chi phí trung gian.

Đại diện siêu thị MM Mega Market cho biết đã chủ động tăng 30% lượng hàng dự trữ trong 2 tháng tới, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, gạo, đường. Hệ thống này cũng tăng 35% lượng rau từ Đà Lạt, lên mức 80 - 100 tấn/ngày.

"Tăng lượng thu mua giúp chúng tôi có cơ sở yêu cầu nhà cung cấp bán với mức giá tốt hơn, và duy trì được giá bán ổn định nhờ lượng hàng dự trữ lớn. Ngoài ra, với khoảng 60% chương trình khuyến mãi đang do đơn vị chịu toàn bộ chi phí, MM tự tin có thể kìm việc tăng giá với các mặt hàng thiết yếu", vị này khẳng định.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, cùng với việc triển khai hoạt động kết nối cung- cầu hàng hóa, TP. Hà Nội đã xây dựng Chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu bảo quyền lợi người tiêu dùng, với các nhóm hàng và lượng hàng thiết yếu gồm: Lương thực (gạo, mì, phở khô...), thịt gia súc, gia cầm, thủy - hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau, củ, quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị (nước mắm, nước chấm, bột canh...), sữa (sữa nước, sữa bột…), mứt Tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát và những nhóm hàng thiết yếu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh phát triển bán hàng online; tăng cường liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố để đẩy mạnh khai thác hàng hóa, chủ động nguồn cung phục vụ nhu cầu nhân dân. Mở rộng thêm các nhóm hàng bình ổn thị trường, góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/sieu-thi-ti-m-ca-ch-ki-m-gia-ha-ng-thie-t-ye-u-trong-boi-canh-bao-gia-1086740.html