Siêu trực thăng vận tải Mỹ được trang bị AI
Cùng với giá thành đắt đỏ, khả năng vận tải siêu hạng, trực thăng CH-53K King Stallion Mỹ còn rất đặc biệt khi được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo Topwar, để phù hợp với môi trường hoạt động có nhiều rủi ro hiện nay, Quân đội Mỹ đã hợp tác cùng nhà thầu Lockheed Martin phát triển và tích hợp thành công AI cho CH-53K.
"Hệ thống AI sẽ thay thế con người trong nhiều tình huống: tự nhận biết và cảnh báo sự nguy hiểm trên đường bay, giúp cảnh báo va chạm, giúp phát hiện sớm tình huống bị tấn công để phi công triển khai biện pháp đối phó hiệu quả", quân đội Mỹ cho biết.
Mặc dù vậy, nguồn tin này không tiết lộ định danh của hệ thống AI tối tân này nhưng khẳng định, với trang bị tối tân cùng tốc độ hành trình 315km/h, trực thăng CH-53K King Stallion dễ dàng khiến Mi-26 của Nga tụt lại phía sau.
So với thế hệ trước, phiên bản CH-53K được trang bị cabin mở rộng lớn hơn, cánh quạt chính làm bằng vận liệu composite thế hệ mới, trang bị ba động cơ công suất 7.500 mã lực. Buồng lái của CH-53K cũng được thiết kế lại với kính đặc biệt, hệ thống lái fly-by-wire.
CH-53K có chiều dài lên tới 30,2m, cao 8,46m, trong đó phần cabin có chiều dài 9,14m, rộng 1,98m. Kích cỡ cabin rộng và lớn hơn 15% so với mẫu cũ CH-53. Tải trọng của trực thăng vận tải CH-53K lên tới 15,9 tấn (trong khi CH-53E chỉ là 13,6 tấn) đưa nó trở thành trực thăng vận tải lớn nhất của Quân đội Mỹ hiện nay.
Để nhấc bổng CH-53K lên bầu trời, trực thăng được thiết kế với ba động cơ tuốc bin trục GE38-1B công suất 7.500 mã lực/chiếc cùng bộ cánh quạt chính 7 lá cho tốc độ hành trình 315km/h. Kíp lái điều khiển máy bay gồm 5 người (hai phi công, ba xạ thủ súng máy), cabin có thể chứa 37 binh sĩ.
Với những thông tin được công khai cho thấy trực thăng CH-53K sở hữu những khả năng cực ấn tượng của dòng trực thăng vận tải. Tuy nhiên, điều làm nên khác biệt chính của CH-53K khi so với siêu trực thăng vận tải Mi-26 Nga là công nghệ AI và tốc độ.
Mi-26 được thiết kế với khoang chở hàng rộng và chiếm phần lớn diện tích máy bay, Mi-26 có thể mang theo những món hàng mà các loại trực thăng vận tải khác phải chào thua. Ngoài ra, một số phiên bản của Mi-26 dễ dàng cất cánh cùng với 150 người trên khoang hoặc lượng hàng lên tới 25 tấn.
Với hai động cơ 8 cánh quạt hoạt động độc lập, Mi-26 có thể cất cánh với trọng lượng tối đa lên tới 56 tấn. Mi-26 có thể đạt trần bay tối đa là 4,6km, tầm hoạt động đạt 1.952km với tốc độ bay tối đa lên tới 295km/h.
Trực thăng Mi-26 chính thức hoạt động từ năm 1983 (Nga bắt đầu đưa vào trang bị phiên bản mới Mi-26T2), Mi-26 hiện vẫn được sử dụng để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có cứu hỏa và vận chuyển quân.