Sìn Hồ: Thu hút nhà đầu tư để phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp
Cao nguyên Sìn Hồ có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp, nhưng để khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có ở đây thì cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các bên để tạo cơ chế chính sách thông thoáng và thu hút các nhà đầu tư lớn.
“Sa Pa thứ 2” của Tây Bắc
Trong bức tranh du lịch đa sắc màu ở Lai Châu, cao nguyên Sìn Hồ là một điểm đến vô cùng đặc biệt. Nằm ở độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, Sìn Hồ có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp cộng với khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình trong năm chỉ khoảng 18 độ C, trong ngày có đủ cả khí hậu của 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Tới đây, du khách sẽ được cảm nhận cái rét thấu da thịt tới mức nước đóng băng. Nếu may mắn hơn, thậm chí bạn sẽ được nhìn thấy tuyết rơi ngay tại Việt Nam và thực tế là cảnh tượng kỳ vĩ này đã xảy ra với tần suất ngày càng nhiều hơn trong những năm qua. Có thể nói, cao nguyên Sìn Hồ có khí hậu và cảnh quan rất giống với Sa Pa, nhưng nơi đây có lợi thế vẫn còn lưu giữ được vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn hơn vì chưa bị khai thác nhiều.
Việc khám phá cao nguyên Sìn Hồ bây giờ đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều khi đường giao thông đã được trải nhựa rất sạch, đẹp và thuận tiện. Du khách có thể lựa chọn nhiều phương tiện di chuyển, nhưng để có thể chiêm ngưỡng và thưởng thức hết vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây thì người người sẽ lựa chọn di chuyển bằng xe máy. Con đường từ thành phố Lai Châu vào trung tâm thị trấn Sìn Hồ chỉ khoảng 60km, uốn lượn giống như một dải lụa nằm giữa núi rừng, xuyên qua đại ngàn và những dãy núi đá cao chót vót. Ngay từ khi xuất phát, du khách đã có thể cảm nhận được cái lạnh đặc trưng ở vùng rừng núi Tây Bắc vào mùa Đông. Càng đi lên cao, nhiệt độ sẽ càng giảm sâu. Bạn có thể nhìn thấy hiện tượng băng giá xuất hiện ngay trên cây cỏ ven đường.
Nhưng cao nguyên Sìn Hồ không chỉ lạnh mà còn rất đẹp. Trên đường tiến vào trung tâm thị trấn, du khách sẽ đi qua những vách núi cao sừng sững, những vực sâu thăm thẳm và những thác nước, suối nước nhỏ với dòng nước trong vắt, mát lạnh. Ở đây, sương mù giăng khắp lối tựa như có thể chạm được vào từng áng mây lững lờ trôi qua. Xen lẫn màu xanh ngút ngát của đại ngàn là những màu sắc rực rõ của hoa rừng như màu vàng của hoa dã quỳ, màu đỏ của hoa chuối… Các thửa ruộng bậc thang xanh ngát nằm gối lên nhau, uốn lượn như những con sóng trên vùng đất cao. Trong khung cảnh hư hư thực thực, những ngôi nhà gỗ của người Dao, nhà đất của người Mông nằm yên bình, ẩn hiện giữa núi rừng càng khiến bức tranh thiên nhiên thêm lung linh, huyền ảo. Hình ảnh các em nhỏ vùng cao đeo gùi trên lưng sải bước trên con đường rộng thênh thang, hay thiếu nữ người dân tộc gội đầu bên dòng suối nhỏ ven đường lại càng khiến du khách thêm yêu mảnh đất này hơn nữa.
Sau khi vượt qua hành trình khoảng 60km, du khách sẽ đặt chân tới trung tâm thị trấn Sìn Hồ, một vùng đất nằm gọn trong thung lũng với mây mù bao phủ và khí hậu mát mẻ quanh năm. Từ đây, bạn có thể đi tham quan những danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở cao nguyên Sìn Hồ. Quần thể núi đá Ô và động Ông Tiên gắn liền với sự tích của người Dao Khâu kể về Ông Tiên xuống hạ giới du ngoạn để quên chiếc ô sau này hóa thành núi đá. Để chiêm ngưởng vẻ đẹp hùng vĩ của thác Nậm Lúc, du khách sẽ phải đi xa hơn một chút vào khu rừng nguyên sinh chưa được nhiều người biết đến ở xã Phăng Sô Lin. Còn tại xã Sà Dề Phìn, bạn sẽ được ngắm nhìn các gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi hay Vực Thác (theo cách gọi của người dân địa phương) hoang sơ, hùng vĩ.
Một điểm nhấn khác ở cao nguyên Sìn Hồ là chợ phiên vô cùng náo nhiệt vào 2 ngày cuối tuần ở trung tâm thị trấn. Đây là một điểm hẹn văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc vùng cao nơi đây. Vào những ngày chợ phiên, bà con từ khắp nơi sẽ về đây trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình và mang theo những sản vật, trang sức hay nông cụ do chính tay mình làm ra để trao đổi, buôn bán. Không những thế, chợ phiên còn là nơi để mọi người gặp gỡ, trò chuyện sau nhiều ngày không gặp và cùng nhau uống một chén rượu ấm trong tiết trời mát mẻ. Tất nhiên, trong những cuộc vui như vậy sẽ không thể thiếu các món ăn ngon mang đậm hương vị núi rừng như thịt trâu quấn lá lốt, dê hấp, lợn bản, cá suối, thắng cố, xôi nếp nương…
Sau những ngày làm việc mệt mỏi, du khách cũng có thể tìm đến Sìn Hồ để thư giãn với dịch vụ tắm thuốc của người Dao, ngâm mình thư giãn trong thùng gỗ trước khi được xoa bóp, bấm huyệt để xóa tan bao mệt mỏi, lấy lại cảm giác thư thái, dễ chịu.
Khó khăn lớn nhất là vốn đầu tư
Với khí hậu quanh năm mát mẻ và thổ nhưỡng tươi tốt, cao nguyên Sìn Hồ rất thích hợp cho việc trồng các loại cây dược liệu quý như Tam thất, Đỗ trọng, sâm đất Lai Châu, táo mèo, astiso, cây tắm lá thuốc… và nhiều giống rau củ, hoa quả ôn đới như mận, đào, lê… Đây chính là 1 trong 8 vùng dược liệu trọng điểm của nước ta theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, tỉnh Lai Châu và huyện Sìn Hồ đã tích cực triển khai Đề án phát triển vùng dược liệu của tỉnh với những cây trồng chủ lực như sâm đất Lai Châu, Tam thất, Đỗ trọng hay Đương quy.
Đáng chú ý, ngoài những giá trị to lớn về y học, các cây dược liệu ở Sìn Hồ cũng có thể mang lại giá trị kinh tế rất lớn, trong đó có cả thu nhập đến từ việc phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp. Hiện nay, tại xã Sà Dề Phìn đang có 2 doanh nghiệp đầu tư trồng cây dược liệu, đồng thời phát triển mô hình lưu trú tại trang trại (farmstay), đó là Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh và Công ty cổ phần Sao Đỏ - Tây Bắc. Tới đây, du khách có thể tham quan, chụp ảnh tại vườn sâm, trải nghiệm mua sâm, trồng sâm, thu hái sâm, kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ trong không khí trong lành, mát mẻ vùng sơn cước.
Cũng ở mảnh đất sương mù bao phủ quanh năm, người dân đã quy hoạch đồi chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi thành một điểm tham quan, chụp ảnh. Những cây chè ở đây thường cao hơn 10m, thân to, có thảm thực vật và địa y mọc xen lẫn. Nếu làm như vậy, các cây trồng này không chỉ có giá trị nông sản mà còn mang lại giá trị du lịch rất cao.
Trên thực tế, UBND tỉnh Lai Châu đã có định hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, nông nghiệp ở cao nguyên Sìn Hồ, kết hợp với du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp tại Sìn Hồ chỉ đang ở những bước đi đầu tiên. Các điểm du lịch còn ít, các dịch vụ du lịch còn rời rạc, không tập trung, sản phẩm du lịch chưa phong phú. Cơ sở lưu trú chủ yếu tập trung ở thị trấn, nhưng cũng chỉ có 1 khách sạn cùng vài nhà nghỉ.
Hiện nay, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sìn Hồ đang bám sát các chủ trương của huyện, tỉnh và Trung ương để tham mưu cho huyện xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp cho giai đoạn tới. Ông Tẩn A Xoang, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: “Sìn Hồ có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng chưa được khai thác. Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch tại địa phương. Khu vực này còn lưu giữ được vẻ đẹp hoang sơ, nhưng các dịch vụ tiện ích chưa có nhiều, hầu như chỉ có tham quan, trải nghiệm. Ngoài ra, huyện cũng sẽ xúc tiến các hoạt động quảng bá du lịch vì Sìn Hồ rất đẹp, nhưng chưa được nhiều người biết đến”.
Nhận thấy những tiềm năng lợi thế của Sìn Hồ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu đang tham mưu đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa cao nguyên Sìn Hồ vào danh mục các khu du lịch quốc gia trong quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu đề xuất các dự án đầu tư phát triển du lịch tại Sìn Hồ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với huyện Sìn Hồ và các ngành chức năng cung cấp thông tin, tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các bước khảo sát, đầu tư theo quy định và phù hợp với quy hoạch, cũng như các điều kiện thực tế của địa phương. Đó là những hoạt động vô cùng cần thiết để từng bước đưa du lịch Sìn Hồ phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương.