Sin Suối Hồ: Bản tình ca của hoa và những nụ cười

Giữa đại ngàn Tây Bắc, có một bản làng người Mông từng nghèo khó, từng vật lộn với những hủ tục lạc hậu, nay bừng sáng lên bởi hoa, bởi những nụ cười và niềm tin vào tương lai. Đó là Sin Suối Hồ - điểm du lịch cộng đồng nổi bật của Lai Châu, nơi hội tụ vẻ đẹp thiên nhiên, bản sắc Mông và hành trình đổi thay đầy cảm hứng. Sin Suối Hồ đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước, được vinh danh bằng nhiều giải thưởng du lịch danh giá.

Các bạn đồng nghiệp Báo Lai Châu đưa chúng tôi đến Sin Suối Hồ vào một sáng xuân, khi nắng còn vàng như tơ vắt ngang triền núi và sương mỏng lững lờ dưới những tán đào đang thì kết trái. Bản làng hiện ra như một thung lũng cổ tích, nơi thiên nhiên, con người và văn hóa hòa quyện trong một bản nhạc dịu dàng, sâu lắng.

Đón chúng tôi ở đầu bản là Sùng Thị Sua - cô gái người Mông có nụ cười tỏa nắng và đôi mắt sáng như biết kể chuyện. Sua là hướng dẫn viên du lịch của bản, nhưng trong hành trình hôm nay, cô không chỉ là người dẫn đường, mà còn là người kể lại câu chuyện nơi chôn rau cắt rốn của mình - nơi mà sự đổi thay âm thầm, bền bỉ theo năm tháng khiến chính cô nhiều lúc cũng ngỡ ngàng khi ngoảnh lại.

“Xin mời mọi người đi theo em, các anh chị đi chầm chậm để ngắm hoa, để cảm nhận vì sao người ta đến đây một lần là nhớ mãi”, Sua nói.

Giọng nhẹ như gió, tay đưa về phía những nếp nhà sàn ẩn hiện chùm hoa lan rực rỡ. Chúng tôi đi trên con đường lát đá sạch sẽ, hai bên là những chậu địa lan đang nở rộ. Dưới những mái hiên gỗ, thấp thoáng bóng dáng người dân đang cặm cụi lao động, trong không gian văng vẳng tiếng chim hót giữa bạt ngàn sắc hoa.

Trước khi ghé quán cà-phê “Hạnh Phúc” mà nhiều người nhắc đến, Sua bảo: “Mời anh chị vào thăm nhà trưởng bản trước đã, bản này thay đổi được như hôm nay là nhờ có chú ấy và cả bà con cùng nhau đồng lòng đấy ạ !”

Nhà trưởng bản Vàng A Chỉnh nằm bên triền đồi phủ đầy đào rừng. Anh đón chúng tôi bằng cái bắt tay chắc nịch và nụ cười hồn hậu. Trong căn nhà gỗ giản dị, chúng tôi ngồi đối ẩm chén trà thảo quả thơm nồng, anh kể cho tôi nghe về hành trình đổi thay của bản.

“Ngày xưa bản nghèo, nhiều người nghiện thuốc phiện, tảo hôn, trẻ con bỏ học… Khó khăn đủ bề”, anh nói từ tốn, miệng cười, mắt cũng ánh lên nét cười. “Nhưng rồi bà con bảo nhau: muốn con cái sáng sủa thì phải bỏ cái cũ, làm cái mới”.

Từ những đồi hoang cằn cỗi, người dân chuyển sang trồng đào, địa lan bán dịp Tết, trồng thảo quả quanh năm, một số hộ mạnh dạn nuôi cá hồi, cá tầm theo mô hình công nghệ cao. Nhưng cú bứt phá lớn nhất là từ khi du lịch cộng đồng bắt đầu bén rễ. “Mình giữ bản sắc người Mông, mà làm du lịch từ đó. Mỗi bộ trang phục, mỗi ngôi nhà, mỗi món ăn đều là sản phẩm du lịch”.

Người bản mình thay đổi tư duy - làm du lịch bền vững từ chính văn hóa của mình. Mỗi bộ trang phục, mỗi ngôi nhà, mỗi món ăn đều là sản phẩm du lịch --Trưởng bản Vàng A Chỉnh--

Anh Chỉnh tự hào chia sẻ: “Giờ bản mình đón hơn hai mươi nghìn khách mỗi năm. Cuối tuần hay lễ Tết, khách đến chật lối, có cả người nước ngoài. Quan trọng nhất là người bản mình thay đổi tư duy - làm du lịch bền vững từ chính văn hóa của mình”.

Với nụ cười ánh lên trong ánh mắt, anh đưa tay chỉ Bằng khen treo trên tường gỗ: “Bản được nhận Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN năm 2023, và trước đó là danh hiệu một trong những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Việt Nam. Ai mà nghĩ một bản từng là điểm nóng tệ nạn lại được thế này!”

Ở đây hạnh phúc không phải là điều xa xôi. Chỉ cần mỗi ngày được làm điều tử tế, sống đúng với đất này, là đủ ---Chủ tiệm cà-phê Hạnh phúc Nguyễn Thanh Ngọc--

Chia tay trưởng bản, chúng tôi theo chân Sua ghé quán cà-phê Hạnh Phúc - nơi mà câu chuyện tình yêu đẹp như mơ giữa Nguyễn Thanh Ngọc - chàng trai Gò Vấp (Thành phố Hồ Chí Minh) và Hảng Thị Sú - cô gái bản Mông đã lay động hàng ngàn trái tim trên mạng xã hội và được nhiều tờ báo đăng tải.

Ngọc đang pha cà-phê, nụ cười tươi không giấu được niềm vui khi kể về chuyện tình của mình: Lên bản chơi đúng dịp bị mắc kẹt vì dịch Covid-19. Ở lại, rồi yêu, rồi cưới luôn. Cưới nhau xong thì quyết định gắn bó với bản, mở quán cà phê, cùng làm ruộng nương. “Em đặt tên ‘tiệm cà-phê KA SHA’, theo chia sẻ của người dân địa phương, KA SHA có nghĩa là Hạnh Phúc trong tiếng Mông, anh ạ”.

Quán nằm ở vị trí nhìn thẳng ra thung lũng. Ngồi ở hiên nhà gỗ, nhấp ngụm cà-phê, tôi ngắm bản làng trải dài như một dải lụa, mái nhà ẩn hiện giữa tán đào, lan và chuối rừng. Không gian tĩnh lặng đến kỳ lạ. Ngọc bảo: “Ở đây hạnh phúc không phải là điều xa xôi. Chỉ cần mỗi ngày được làm điều tử tế, sống đúng với đất này, là đủ”.

Rời quán cà-phê, Sua đưa tôi dạo khắp bản. Chúng tôi đi dọc những con dốc thoai thoải, nơi hoa hiện diện như hơi thở của bản. Những khóm lan rừng bám chặt vào vách đá, cánh đào nở muộn vương trên tán lá chuối rừng, từng cụm cúc quỳ, hồng môn, mẫu đơn được trồng bên lối đi, khoe sắc bốn mùa. Sua bảo, ở Sin Suối Hồ, hoa không chỉ để ngắm, mà là tình yêu, là sinh kế, là cách người Mông gửi gắm vẻ đẹp của mình cho du khách. Tôi cảm thấy bản làng này như được dệt nên từ hoa - lặng lẽ mà rực rỡ, mộc mạc mà đầy sức sống.

-- Ở Sin Suối Hồ, hoa không chỉ để ngắm, mà là tình yêu, là sinh kế, là cách người Mông gửi gắm vẻ đẹp của mình cho du khách --Sùng Thị Sua

Tôi bị mê hoặc bởi những bộ trang phục Mông với họa tiết thổ cẩm tinh xảo, được dệt thủ công bởi những người phụ nữ khéo léo. Mỗi chiếc váy, chiếc khăn, đôi vòng bạc đều mang theo hồn cốt văn hóa, là những món quà tặng du lịch độc đáo mà ai cũng muốn mang về làm kỷ niệm.

Trưa hôm ấy, chúng tôi được mời dùng bữa cơm bản truyền thống: cá suối nướng, thịt trâu gác bếp, gà ác hầm, rau rừng, cơm nếp nương. Mỗi món ăn như một lát cắt ký ức sống động của núi rừng, thấm đẫm mồ hôi, bàn tay và cả tấm lòng của người Mông nơi đây.

Giữa không gian đậm hương sắc mà vẫn mộc mạc, chân tình, chúng tôi ngồi lắng nghe Sua và các đồng nghiệp Báo Lai Châu kể về mùa lễ hội của người Mông - mùa hội của ước vọng, về những điệu khèn uốn lượn như gió và tiếng sáo gọi bạn tình da diết như tiếng lòng núi thẳm.

Mỗi câu chuyện như vẽ thêm một tầng sâu ký ức cho bức tranh bản làng - một bức tranh vừa gần gũi, vừa sâu lắng, như thể đã hiện diện nơi đây tự bao đời.

Cũng trong bữa cơm ấy, tôi làm quen với một cô giáo dưới xuôi lên cắm bản. Cô chia sẻ: “Em thích Sin Suối Hồ là nơi yên bình, có cảnh quan đẹp, dịch vụ và ẩm thực hấp dẫn, ấn tượng hơn cả là con người nơi đây - thân thiện, mộc mạc, hồn hậu và cũng rất đa tài.”

Khi chiều buông, Sua tiễn đoàn chúng tôi lên đến đỉnh dốc - nơi có thể phóng tầm mắt bao quát bản làng đang ngả mình trong nắng vàng. Cô mỉm cười, ánh mắt long lanh, rồi nói thật nhẹ: “Em và bà con dân bản luôn mong sớm được đón các anh chị trở lại…”

Chúng tôi ai nấy cùng ngoảnh lại nhìn bản - như muốn ghi nhớ khung cảnh ấy thật sâu.

Riêng tôi, trong khoảnh khắc ấy, chợt nghĩ đến Bắc Hoa, bản Ven - những bản làng nơi quê hương Bắc Giang của mình. Nơi đó cũng có những ngôi nhà trình tường cổ kính, những vườn cây trái xanh mát và những con người hiền hậu, mến khách. Ở đó, cũng như Sin Suối Hồ, hoa vẫn nở bốn mùa, nụ cười vẫn ấm, và khát vọng luôn dâng trào trong từng ánh mắt.

Từ Sin Suối Hồ đến Bắc Hoa, bản Ven, tôi tin rằng, khắp mọi miền đất nước, những bản làng như thế đang âm thầm viết nên những bản tình ca của hoa và những nụ cười - bản tình ca từ sự chung sức của cộng đồng.

Theo Báo Bắc Giang Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/du-lich/sin-suoi-ho-ban-tinh-ca-cua-hoa-va-nhung-nu-cuoi-1361788