Singapore cần chất xúc tác gì để hồi sinh nền kinh tế hậu Covid-19?
Theo tờ Strait Times, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát và nền kinh tế rơi vào suy thoái, Chính phủ Singapore đã thực hiện nhiều biện pháp 'khác thường' để đối phó với cuộc khủng hoảng, và chúng đã có tác dụng. Tuy nhiên, cần phải làm nhiều hơn nữa để giảm bớt thiệt hại và đẩy nhanh sự phục hồi.
Khó tìm thấy sự phục hồi bền vững
Singapore đã chứng kiến sự thay đổi hoàn toàn. Từ mức giảm 13,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II/2020 so với cùng kỳ năm 2019 khi nước này áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm kiềm chế dịch bệnh, nền kinh tế đã ghi nhận mức tăng trưởng 7,9% trong quý III/2020 (tính theo quý).
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không nên nhầm lẫn sự tăng trưởng này là phục hồi kinh tế bởi trên thực tế, GDP quý III/2020 của Singapore đã giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chính phủ nước này dự báo GDP cả năm 2020 ở mức âm 7% đến âm 5% và hầu hết các nhà kinh tế tư nhân cũng đồng tình với dự báo này.
Kinh tế Singapore vẫn khó tìm thấy một sự phục hồi bền vững. Một phần nguyên nhân là do nền kinh tế của hầu hết các đối tác thương mại lớn của Singapore vẫn chìm trong suy thoái sâu. Các khu vực lớn của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Anh đang phải đối mặt với làn sóng mới của đại dịch Covid-19, trong khi châu Á, Malaysia, Indonesia và Ấn Độ vẫn đang phải vật lộn để kiểm soát dịch bệnh. Tất cả các nước này sẽ có mức tăng trưởng âm đáng kể trong năm nay. Điều này sẽ dẫn đến sự giảm sút lớn về nhu cầu.
Trong khu vực, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc có khả năng đạt tăng trưởng dương trong năm 2020. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng GDP ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ giảm 5,8%, trong khi 5 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) chỉ giảm 3,7% và Trung Quốc giảm 1,9%. Báo cáo cũng dự đoán thương mại thế giới sẽ giảm 10%. Trong bối cảnh đó, những con số này không phải là điều tốt cho sự phục hồi kinh tế của Singapore.
Ở mặt tích cực, IMF dự đoán sự phục hồi tương đối mạnh mẽ vào năm 2021. Tăng trưởng GDP ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ đạt 3,8%, khu vực ASEAN đạt 6,2% và Trung Quốc đạt 8,2%. Tuy nhiên, những dự đoán này không tính đến những rủi ro tiêu cực, như sự bùng phát trở lại của Covid-19 (như đã xảy ra ở châu Âu và Mỹ) và việc có lẽ phải mất thêm một khoảng thời gian nữa mới có vaccine phòng bệnh.
Điều đáng lưu ý là những dự đoán tháng 10 của IMF đã được điều chỉnh đáng kể so với những dự đoán hồi tháng Sáu. Và điều chắc chắn là bức tranh kinh tế thế giới năm nay rất ảm đạm.
Triển vọng việc làm u ám
Sự phục hồi kinh tế của Singapore được dự đoán sẽ theo hình chữ K. Một số bộ phận của nền kinh tế đang phát triển thịnh vượng – thậm chí còn tốt hơn thời kỳ trước Covid-19. Những lĩnh vực này bao gồm thương mại điện tử, hậu cần (logistics) trong nước, dịch vụ công nghệ thông tin, siêu thị, chất bán dẫn và y sinh.
Trong khi đó, một số lĩnh vực khác đang duy trì được nguyên trạng, bao gồm tài chính và bảo hiểm, một bộ phận phi điện tử của ngành chế tạo sản xuất và các bộ phận của khu vực lương thực. Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn bị suy giảm sâu như hàng không, du lịch khách sạn, hàng hải, xây dựng và một số bộ phận của bán lẻ trực tiếp và ngành phục vụ cuộc sống về đêm. Những lĩnh vực này là nét đi xuống của chữ K.
Đến nay, những bộ phận lớn của nền kinh tế và thị trường việc làm Singapore đã phần nào được chống đỡ bởi sự hỗ trợ tài chính khổng lồ từ phía Chính phủ nước này, đặc biệt là các khoản trợ cấp lương theo Kế hoạch hỗ trợ việc làm (JSS).
Trong nửa đầu năm nay, có đến 11.350 công việc đã bị cắt giảm, nhiều hơn so với giai đoạn bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp SARS năm 2003, nhưng vẫn ít hơn một chút so với con số 12.760 việc làm bị mất trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, đây chưa phải là thời điểm tồi tệ nhất và thời điểm này sẽ đến khi JSS kết thúc vào tháng 3/2021. Khi đó, tình trạng cắt giảm việc làm có thể gia tăng khi các công ty buộc phải cắt giảm chi phí lương.
Tuần trước, Hội đồng Lương Quốc gia Singapore đã đưa ra những khuyến nghị về cách thức các ông chủ có thể tránh, hay ít nhất là trì hoãn, cắt giảm việc làm thông qua cắt giảm lương. Đây là dấu hiệu cho thấy chính phủ dự đoán sẽ có nhiều việc làm hơn bị mất. Bởi vậy, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn ở "đảo quốc sư tử" dường như là điều chắc chắn.
Khảo sát thị trường lao động mới đây chỉ rõ, tỷ lệ việc làm so với số người thất nghiệp đã giảm từ 0,71 hồi tháng Ba xuống 0,57 trong tháng Sáu. Điều này có nghĩa là có ít cơ hội việc làm hơn cho người thất nghiệp. Trong thời gian tới, đặc biệt là sau tháng 3/2021, tốc độ cắt giảm việc làm thậm chí còn tăng nhanh hơn, dẫn đến giai đoạn thất nghiệp kéo dài hơn đối với một số người lao động.
Việc đào tạo cho những lao động bị mất việc đáp ứng được đòi hỏi của công việc mới sẽ tiếp tục đặt ra nhiều thách thức và cần nhiều thời gian. Những việc làm bị mất tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực như hàng không, du lịch khách sạn, kinh doanh về đêm và các ngành khác liên quan đến du lịch cũng như lĩnh vực hàng hải, hoàn toàn khác với những việc làm được tạo ra như trong lĩnh vực công nghệ, y tế, tài chính và bảo hiểm, dịch vụ xã hội và quản lý công…
Trong khi đó, trong kỷ nguyên mà làm việc từ xa trở nên dễ dàng hơn này, đối với một số công việc, các ông chủ có thể thuê ngoài một số chuyên gia dựa trên các nền tảng trực tuyến như Upwork, Fiverr và Freelancer, thay vì phải chịu thêm gánh nặng chi phí lương cố định.
Chính phủ Singapore đang cân nhắc gia hạn sự hỗ trợ cho những người bị mất việc hay bị cắt giảm và những người tự làm chủ. Mặc dù sự hỗ trợ sẽ hết sức cần thiết, nhưng vấn đề là nó sẽ tương tự như trước đây hay hào phóng hơn, tự động hơn và ít điều kiện hơn, và sẽ kéo dài bao lâu.
Giải pháp nào để cứu vãn nền kinh tế
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Vương Thụy Kiệt đã cam kết cân nhắc việc hỗ trợ các công ty đầu tàu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Singapore. Sự hỗ trợ then chốt của tập đoàn Temasek đối với hãng hàng không Singapore Airlines hồi đầu năm nay là bước đi đầu tiên theo hướng này. Các nhà phân tích dự đoán các ứng cử viên tiềm tàng sẽ nhận được hỗ trợ có thể bao gồm các ngân hàng, công ty viễn thông và vận tải biển, và một bộ phận lĩnh vực hàng hải.
Nếu tình trạng khó khăn của doanh nghiệp gia tăng, Chính phủ Singapore có thể xem xét vượt ra ngoài mục tiêu đã nêu của mình để thông qua quỹ đặc biệt mua cổ phần của các công ty được lựa chọn, thậm chí kể cả một số doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Với việc nền kinh tế Singapore có khả năng vẫn còn yếu trong năm tới, chính phủ nước này sẽ cần các nguồn lực bổ sung, vừa để tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ tài chính, mở rộng các mạng lưới an sinh xã hội, vừa để tăng cường khả năng của người lao động và các công ty để tận dụng sự tăng trưởng cuối cùng vốn cũng nằm trong các mục tiêu đã đề ra.
Tuần trước, ông Vương Thụy Kiệt phát biểu rằng với nguồn thu "giảm sút và không chắc chắn", chính phủ không loại trừ việc giảm thêm các khoản dự trữ (hơn 52 tỷ SGD đã được rút từ nguồn dự trữ quốc gia). Tuy nhiên, do hoàn cảnh thay đổi, cả trong nền kinh tế và thị trường vốn, Chính phủ Singapore cũng cần xem xét lại chính sách của mình đối với việc vay mượn. Cho đến nay, Chính phủ đã tránh vay mượn để tài trợ cho chi tiêu, nhưng để ngỏ khả năng làm như vậy đối với các dự án cơ sở hạ tầng dài hạn.
Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Carmen Reinhart thì thẳng thắn hơn. Bà hối thúc các nước bị hạn chế về tài chính tiếp tục vay nợ trong đại dịch. Mặc dù Singapore có thể có đủ dự trữ để sử dụng, nhưng nước này có thể sẽ phải trả giá nếu bỏ qua lợi nhuận đầu tư. Vì vậy, Singapore cũng cần cân nhắc lựa chọn là gia tăng đáng kể việc vay nợ của mình.
Với mức xếp hạng AAA, Singapore sẽ có thể vay với lãi suất thấp nhất có thể. Với lãi suất gần bằng 0 và có khả năng duy trì ít nhất đến năm 2023, việc vay mượn sẽ không áp đặt gánh nặng tài chính nếu nền kinh tế nước này có thể tăng trưởng cao hơn mức 0%.
Ngay cả khi Chính phủ Singapore không muốn sử dụng các khoản vay mượn để tài trợ cho chi tiêu hiện nay, Chính phủ đơn giản có thể đầu tư các khoản tiền đi vay đó để kiếm được lợi nhuận tích cực. Như các quan chức nước này đã phát biểu, một cuộc khủng hoảng khác thường đòi hỏi phải có những sự đối phó khác thường.
Cho đến nay, Chính phủ Singapore đã thực hiện điều này với các gói tài chính "ngoại cỡ". Tuy nhiên, trong tương lai, họ có thể cần phải áp dụng các cách tiếp cận không chính thống khác để đối phó với sự phục hồi chắp vá và không chắc chắn của nền kinh tế.
(theo Strait Times)