Singapore đã có Chủ tịch Quốc hội mới

Ngày 2.8, nghị sĩ Seah Kian Peng của đảng Nhân dân hành động cầm quyền đã được bầu và chính thức trở thành Chủ tịch Quốc hội thứ 11 của Singapore, thay thế vị trí của nhà lãnh đạo tiền nhiệm Tan Chuan-Jin- người trước đó phải từ chức vì bê bối cá nhân.

Nghị sĩ Seah Kian Peng của đảng Nhân dân hành động cầm quyền đã được bầu và chính thức trở thành Chủ tịch Quốc hội thứ 11 của Singapore. Nguồn: channelnewsasia.com

Nghị sĩ Seah Kian Peng của đảng Nhân dân hành động cầm quyền đã được bầu và chính thức trở thành Chủ tịch Quốc hội thứ 11 của Singapore. Nguồn: channelnewsasia.com

Sau khi tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Seah Kian Peng, 61 tuổi, cam kết thực hiện nhiệm vụ của mình “một cách khách quan, vững chắc và công bằng”, đồng thời kêu gọi các nghị sĩ Singapore thận trọng trong hành vi cá nhân của họ để thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội một cách có trách nhiệm. Ông nói: “Tất cả chúng ta đều là con người, và như những sự kiện gần đây đã nhắc nhở rằng, điểm yếu của chúng ta không chỉ là thể chất mà còn là tinh thần”. Trước đó, cựu Chủ tịch Quốc hội Tan Chuan-Jin hôm 17.7 đã phải đệ đơn từ chức vì có phát ngôn “không đúng chuẩn mực nghị viện” nhằm vào một nghị sỹ của đảng Công nhân đối lập tại Quốc hội vào tháng 4 vừa qua. Ông Tan Chuan-Jin cũng được cho có mối quan hệ ngoài luồng với nữ nghị sỹ Cheng Li Hui, người cũng đã từ chức.

Ông Seah là nghị sĩ đại diện cho khu vực Marine Parade từ năm 2006. Ông giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội từ tháng 10.2011 đến tháng 1.2016 và việc kinh qua vị trí này được nhiều người đánh giá là đặc biệt phù hợp khi ông đảm nhiệm trọng trách mới.

Vai trò của Chủ tịch Quốc hội tại Singapore

Chủ tịch Quốc hội giữ vị trí quan trọng trong khuôn khổ lập pháp của đảo quốc sư tử. Các trách nhiệm chính của Chủ tịch bao gồm chủ trì các phiên họp của Quốc hội, bảo đảm rằng hoạt động nghị viện diễn ra có trật tự bằng cách thực thi và điều chỉnh các quy tắc tranh luận. Chủ tịch Quốc hội cũng chịu trách nhiệm chung về Quốc hội và Ban Thư ký Quốc hội, đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn các nghị sĩ về các vấn đề thủ tục, cũng như đưa ra phán quyết về các vấn đề khi cần thiết.

Hơn nữa, trong các phiên họp, Chủ tịch Quốc hội quyết định ai là người có quyền phát biểu, đồng thời đặt câu hỏi để các nghị sĩ tranh luận và biểu quyết. Trong khi thực hiện các nhiệm vụ này, Chủ tịch Quốc hội phải giữ thái độ vô tư và công bằng với tất cả các nghị sĩ. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội còn đại diện cho Quốc hội Singapore trong mối quan hệ với các Quốc hội khác và các cơ quan bên ngoài, cũng như đại diện cho Quốc hội tại các sự kiện quốc gia lẫn chuyến thăm chính thức nước ngoài, đồng thời tiếp các quan chức đến thăm.

Mặc dù Chủ tịch Quốc hội không tham gia vào các cuộc tranh luận trong nghị viện, nhưng Chủ tịch Quốc hội được phép bỏ phiếu trắng, hoặc bỏ phiếu ủng hộ hoặc chống lại một kiến nghị nếu Chủ tịch Quốc hội vốn là nghị sĩ được bầu (Chủ tịch Quốc hội Singapore có thể là nghị sĩ hoặc không). Nhưng trên thực tế, vị trí Chủ tịch Quốc hội không có quyền bỏ phiếu để phá vỡ quan hệ hoặc tác động đến kết quả của một cuộc bỏ phiếu. Quy định này phù hợp với truyền thống nghị viện của Singapore và hệ thống chính trị của đất nước, vốn dựa trên mô hình Westminster. Trong hệ thống Westminster, vai trò của Chủ tịch Quốc hội chủ yếu là trở thành trọng tài công bằng và không tham gia vào quá trình ra quyết định lập pháp.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội có thể hoãn phiên họp của Quốc hội mà không đặt bất kỳ câu hỏi nào hoặc tạm dừng phiên họp đó trong một thời gian, trong trường hợp xảy ra “mất trật tự nghiêm trọng” trong Quốc hội.

Quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội

Thông thường, Chủ tịch Quốc hội Singapore thường được bầu khi Quốc hội mới được triệu tập sau cuộc tổng tuyển cử. Bất kỳ nghị sĩ nào cũng có thể đề cử một nghị sĩ khác làm Chủ tịch Quốc hội. Nếu chỉ có một ứng cử viên được đề xuất, Thư ký Quốc hội sẽ tuyên bố họ được bầu. Trong trường hợp có nhiều ứng cử viên, Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu để bầu Chủ tịch. Điều quan trọng đáng lưu ý rằng, vị trí Chủ tịch Quốc hội có thể là nghị sĩ hoặc không, nhưng họ phải có đủ tiêu chuẩn để ứng cử với tư cách là nghị sĩ, như được quy định trong Hiến pháp.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/singapore-da-co-chu-tich-quoc-hoi-moi-i338666/