Singapore định hướng phát triển tư duy về văn hóa giáo dục

Trong bối cảnh chính phủ Singapore thúc đẩy cải cách chính sách, các nhà quan sát cho rằng phụ huynh nên có thay đổi tư duy về văn hóa giáo dục để tiếp cận phương pháp mới phát triển tài năng đất nước.

Trang SCMP dẫn tin, trong bài phát biểu đầu tiên vào Ngày Quốc khánh, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đã nhấn mạnh chương trình giáo dục năng khiếu (GEP) trong hệ thống trường học Singapore đã không còn mang đến hiệu quả cao ở hiện tại.

Học sinh đi bộ về nhà cùng người giám hộ sau giờ học ở Singapore vào tháng 5/2021. Ảnh: AFP

Học sinh đi bộ về nhà cùng người giám hộ sau giờ học ở Singapore vào tháng 5/2021. Ảnh: AFP

Áp lực "trường chuyên lớp chọn"

GEP được Bộ Giáo dục Singapore triển khai từ năm 1984 nhằm cải tổ hệ thống giáo dục, đáp ứng nhu cầu đào tạo học sinh tài năng. Về cơ bản, GEP là chương trình nuôi dưỡng học sinh có năng khiếu trí tuệ, cho phép các em phát huy hết tiềm năng.

Các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho rằng chương trình GEP rất phù hợp với nỗ lực của Bộ Giáo dục Singapore nhằm biến "mọi trường học thành trường học tốt", trong đó hướng đến nhiều cải tổ chính sách và thay đổi văn hóa hơn để mang lại hệ thống giáo dục công bằng và ít gây căng thẳng hơn cho học sinh. Tuy nhiên, chương trình cũng mang lại thách thức vì một số chính sách có mục tiêu cạnh tranh.

Được giới thiệu vào năm 1984, GEP tham gia đánh giá năng lực với học sinh tiểu học, thường ở độ tuổi lên 9 để kiểm tra "năng khiếu" của các em. Cụ thể, 1% học sinh giỏi nhất sẽ được tham gia vào chương trình học này.

Thủ tướng Singapore Wong thừa nhận không phải ai cũng bị thuyết phục bởi khẩu hiệu "mọi trường học đều là trường tốt". Các chuyên gia lưu ý rằng trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục Singapore đã cố gắng mang đến một hệ thống công bằng hơn và ít gây áp lực học tập hơn cho học sinh, phù hợp với cách tiếp cận của chính phủ nhằm định nghĩa lại chế độ trọng dụng người tài cho đất nước.

Năm 2021, điểm tổng hợp cho Kỳ thi tốt nghiệp tiểu học ở Singapore đã được thay thế bằng các thang điểm rộng hơn để có thể đánh giá toàn diện năng lực của học sinh.

Kỳ thi giữa kỳ cho tất cả các cấp tiểu học và trung học đã bị hủy bỏ vào năm 2023. Trong năm 2024, Singapore sẽ không đánh giá phân luồng học sinh theo tổng điểm, mà thay bằng thang điểm theo môn học.

"Hệ thống đang đa dạng hóa. Toàn bộ định nghĩa về điều gì là tốt, điều gì là thành công, điều gì là thành tích, phải được định nghĩa lại và cha mẹ cũng sẽ phải thay đổi tư duy để mang đến giáo dục tốt nhất cho con cái của họ", ông Ho Boon Tiong, cố vấn chính của Classpoint Consulting, một công ty đào tạo và tư vấn giáo dục, cho biết.

Trong khi đó, ông Jason Tan, Phó Giáo sư tại Viện Giáo dục Quốc gia, lưu ý khi khẩu hiệu "mọi trường học đều là trường tốt" lần đầu tiên đưa vào sử dụng năm 2011, Chính phủ Sinagpore đã chú ý đến vấn đề công bằng về giáo dục trong xã hội trước những lời chỉ trích cho rằng hệ thống giáo dục đang nặng về thành tích.

"Một sự thật ít người biết là các tiêu chí do chính phủ đặt ra khi đó về định nghĩa "trường tốt" không phải hiểu là thành tích học tập hoặc kết quả tốt nhất, mà tập trung vào sự tận tâm của giáo viên và phụ huynh đối với học sinh", ông Tan nhấn mạnh.

Tiêu chí như vậy có nghĩa là chính phủ sẽ phải đảm bảo tất cả các trường học ở Singapore có đủ nguồn lực, từ đội ngũ giáo viên đến cán bộ giáo dục được đào tạo bài bản và có chí hướng", ông Edmund Lin, Cố vấn chính tại Singapore Education Consulting Group cho biết.

Theo ông Edmund Lin, điều đó không có nghĩa là tất cả các trường đều giống nhau về mặt thành tích học tập. Nhưng nếu lấy định nghĩa là 'tất cả các trường đều là trường tốt', thì mọi người dễ hiểu nhầm nghiêng về thành tích học tập nhiều hơn.

Ông Terence Ho, Phó Giáo sư thực hành tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu cho biết trong khi tất cả các trường trong nước đều hướng đến tiêu chí "trường tốt" thì những trường có thương hiệu học giỏi lâu năm vẫn được phụ huynh ưa chuộng và tìm kiếm nhiều hơn so với các trường ở khu phố.

" Lý do là sự khác biệt về hồ sơ thành tích học sinh giữa các trường hay một số phụ huynh sẽ lo ngại về môi trường học tập. Vì vậy, vẫn là một nhiệm vụ khó khăn để thuyết phục phụ huynh rằng tất cả các trường đều là trường tốt", ông Ho nhấn mạnh.

Chuyên gia Ho tin rằng hiện nay, các quốc gia thường chú trọng nhiều hơn đến sự sáng tạo và khám phá, cũng như nuôi dưỡng tình yêu học tập và sự tìm tòi của học sinh nhiều hơn. Tuy nhiên, chúng ta sẽ mất thời gian nữa để học sinh và phụ huynh thay đổi hoàn toàn tư duy rằng thành tích và điểm số mới là điều tốt nhất cho con cái họ.

Phân loại học sinh ở những tiêu chí khách nhau

Phó Giáo sư Tan lập luận rằng vẫn cần phải phân loại học sinh dựa trên các tiêu chí khác nhau và đáp ứng các mục tiêu chính sách cạnh tranh trong hệ thống giáo dục Singapore.

"Đây là điều khó khăn. Phụ huynh và học sinh mong muốn một hệ thống đáp ứng hoặc cố gắng đáp ứng các nhu cầu học tập đa dạng, thay vì một chương trình phù hợp với tất cả. Họ muốn sự đa dạng nhưng điều đó cũng có nghĩa là sẽ phải trải qua dịch vụ và kết quả không bình đẳng. Không phải tất cả những dịch vụ và kết quả này đều có uy tín hoặc đáp ứng mong muốn giống nhau với tất cả phụ huynh. Vẫn còn những định kiến về thành tích và sự đề cao những học sinh có thể thành công trong học tập", ông Tan cho biết.

Về những thay đổi chính sách tiếp theo để tạo ra một hệ thống giáo dục công bằng hơn, ông Ho của Classpoint Consulting, một chuyên gia GEP của Bộ Giáo dục nhấn mạnh cần có nhiều mạng lưới an toàn hơn.

"Nếu nghiêm túc về việc xem xét lại chế độ trọng dụng nhân tài và cố gắng làm cho mọi thứ để trở nên công bằng nhất cho tất cả trẻ em thì chúng ta phải có mục tiêu chính sách mới để hướng tới", ông Tan nói.

Ông Tan cũng lưu ý rằng ngay cả khi các trường cố gắng giảm bớt áp lực cho học sinh thì các trung tâm dạy kèm tư nhân vẫn lấp đầy khoảng trống bằng cách cung cấp cho phụ huynh đăng ký thêm nhiều kỳ thi thử hơn cho con cái họ.

"Thật không may, nhiều phụ huynh vẫn xem giáo dục là một cuộc đua cạnh tranh và coi trọng tất cả những dịch vụ dạy ngoài có uy tín để rèn luyện thêm cho con cái họ. Thật khó để chính phủ can thiệp vào quyết định của phụ huynh. Họ có thể cung cấp các ưu đãi, họ có thể thay đổi các chính sách và cách thức tổ chức trường học, nhưng họ không thể bảo phụ huynh không được chi hàng nghìn đô la mỗi tháng cho việc học kèm riêng", Tan cho biết.

Về vấn đề này, ông Jonathan Sim từ Trung tâm Công nghệ Giáo dục AI của Đại học Quốc gia Singapore, đồng ý với lời kêu gọi thay đổi văn hóa giáo dục, thay vì chỉ thay đổi hệ thống.

"Chúng tôi đã giảm số lượng kỳ thi, nhưng không hiệu quả lắm vì văn hóa phản đối điều đó. Bây giờ, chúng ta cần cho mọi người hiểu rằng điểm số học tập không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, giúp phụ huynh thay đổi tư duy đổi mới về việc học của con cái họ", ông Sim nói thêm./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/singapore-dinh-huong-phat-trien-tu-duy-ve-van-hoa-giao-duc-20240827105028459.htm