Singapore đột phá vào không gian
Những nỗ lực của ngành công nghiệp vũ trụ mới chớm nở của Singapore hứa hẹn mở ra những cơ hội lớn.
Trong 4 năm qua, Công ty khởi nghiệp Transcelestial có trụ sở tại Singapore đã chế tạo một thiết bị mang tên Centauri, có kích thước bằng hộp đựng giày nhằm cung cấp kết nối internet nhanh hơn gấp 1.000 lần so với hiện tại và chỉ cần kết nối với vệ tinh nó có thể trở thành mạng không dây toàn cầu.
Rohit Jha, đồng sáng lập Transcelestial, cho biết họ đang xem xét việc kết nối “khoảng 3,5 tỷ người không có phương tiện kết nối internet hoặc không có điều kiện sử dụng điện thoại thông minh”. Transcelestial vẫn đang nghiên cứu và phát triển mạng lưới không gian toàn cầu của mình, dự kiến triển khai vào cuối năm 2024.
Hiện có hơn 30 công ty và hơn 1.000 người làm việc trong ngành công nghiệp vũ trụ mới mẻ ở đảo quốc Sư tử. Từ năm 2004, các nhà đầu tư đã rót 135 tỷ USD vào lĩnh vực không gian toàn cầu. Theo ước tính của Morgan Stanley, đến năm 2040, ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu có thể tạo ra doanh thu 1.100 tỷ USD.
Các sản phẩm và dịch vụ vệ tinh đang thúc đẩy hơn một nửa các hoạt động thương mại liên quan đến không gian trên toàn thế giới. Tại Singapore, vệ tinh viễn thám thương mại đầu tiên được chế tạo - được gọi là TeLEOS-1 - đã phóng vào năm 2015 bởi Singapore Technologies (ST) Electronics. Vệ tinh cung cấp một con mắt trên bầu trời để xem những gì đang diễn ra trong khu vực.
Chẳng hạn, hình ảnh vệ tinh có thể cung cấp “bức tranh về sự thay đổi khối lượng dầu trong các bể chứa dầu khác nhau”. Trong phạm vi Singapore, TeLEOS-1 có thể ghi lại hình ảnh các cơ sở chứa dầu của Pulau Bukom, nơi có các bồn chứa với mái nổi di chuyển lên xuống tùy thuộc vào khối lượng dầu. Những thông tin như vậy có thể được đưa vào cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc dự đoán chính xác hơn về giá dầu.
Nếu không có vệ tinh cung cấp theo dõi vị trí, các ứng dụng trên điện thoại thông minh như dịch vụ gọi xe và Google Maps sẽ ngừng hoạt động. Hiện có hơn 2.500 vệ tinh quay quanh trái đất ở độ cao 35.000km, là độ cao quỹ đạo của các vệ tinh truyền hình và truyền các tín hiệu vô tuyến xuống mặt đất. Ngoài ra còn có các vệ tinh quay quanh các tầng thấp hơn. Transcelestial có kế hoạch đặt vệ tinh của mình ở độ cao khoảng 1.000 km nên hầu như triệt tiêu được độ trễ.
Một lợi ích khác của công nghệ vệ tinh, đặc biệt đối với các thành phố thông minh, là giảm giá thành công nghệ và có thể triển khai 5G nhanh hơn. Transcelestial cho biết, thiết bị Centauri của họ có thể giúp triển khai 5G với chi phí hợp lý hơn và nhanh hơn so với cáp quang. “Nếu xây dựng mạng cáp quang, một km cáp quang có giá khoảng 100.000USD đến 150.000USD trong khi thết bị của chúng tôi chỉ có giá 15.000USD”, R.Jha chia sẻ.
Hiện giới chuyên gia vũ trụ Singapore còn tìm cách thu nhỏ kích thước và trọng lượng của các vệ tinh. Ví dụ, cựu kỹ sư quốc phòng Ng Zhen Ning cho rằng công ty khởi nghiệp do ông đồng sáng lập mang tên NuSpace có thể sản xuất vệ tinh nặng dưới 10kg.
Vệ tinh tí hon này có thể đảm nhiệm và xử lý các công việc mà vệ tinh thông thường có thể làm như giám sát điều kiện thời tiết hoặc theo dõi dữ liệu internet. “Việc chế tạo những vệ tinh như vậy rẻ hơn khoảng 50 lần. Chúng tôi đang làm việc với các nhà sản xuất để tìm ra cách có thể hợp lý hóa toàn bộ quy trình lắp ráp. Hy vọng vào năm 2024, chúng tôi sẽ có thể có dây chuyền lắp ráp này ở Singapore”, ông Ng Zhen Ning cho biết.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/singapore-dot-pha-vao-khong-gian-694173.html