Singapore làm gì để trình độ tiếng Anh từ số 0 đến đứng thứ 2 thế giới?

SINGAPORE - Việc Singapore vươn lên từ con số 0 trở thành quốc gia thông thạo tiếng Anh thứ 2 thế giới là kết quả của một chiến lược được hoạch định kỹ lưỡng và thực hiện nhất quán kể từ khi nước này giành được độc lập.

Quá trình “hóa rồng” của Singapore từ một quốc gia mới giành được độc lập (1965) thành cường quốc dẫn đầu châu Á và toàn cầu về trình độ tiếng Anh không phải là câu chuyện của sự tình cờ hay may mắn. Đó là kết quả của một chiến lược ngôn ngữ được thực hiện có chủ đích và triển khai hiệu quả.

Được dẫn dắt bởi nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa như Lý Quang Diệu, quá trình chuyển đổi của Singapore là một mô hình về cách thực hiện chính sách ngôn ngữ thúc đẩy sự thống nhất quốc gia, tăng trưởng kinh tế và hội nhập toàn cầu.

Trình độ tiếng Anh thông thạo hàng đầu thế giới của Singapore khởi nguồn từ chính sách song ngữ bắt đầu ngay sau khi nước này giành được độc lập.

Trình độ tiếng Anh thông thạo hàng đầu thế giới của Singapore khởi nguồn từ chính sách song ngữ bắt đầu ngay sau khi nước này giành được độc lập.

Nền tảng của chiến lược ngôn ngữ Singapore

Sau khi Singapore giành độc lập vào năm 1965, quốc gia này đã phải đối mặt với những thách thức to lớn, bao gồm sự phân mảnh sắc tộc, tài nguyên thiên nhiên hạn chế và nhu cầu khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Dân số bao gồm nhiều nhóm sắc tộc khác nhau như người Hoa, người Mã Lai, người Ấn Độ… và mỗi nhóm có ngôn ngữ và tập quán văn hóa riêng. Trong bối cảnh này, Lý Quang Diệu và chính phủ của ông đã nhận ra rằng một ngôn ngữ chung là cần thiết để thúc đẩy sự thống nhất và đảm bảo quản trị quốc gia hiệu quả.

Bắt nguồn từ cả những cân nhắc thực tế và mang tính biểu tượng, tiếng Anh được chọn làm ngôn ngữ chung. Từng là thuộc địa của Anh, Singapore đã có nền tảng tiếng Anh, đặc biệt là trong hành chính công và giáo dục. Quan trọng hơn, tiếng Anh được coi là ngôn ngữ trung lập, không có sự liên kết về sắc tộc nhằm tránh sự chia rẽ trong xã hội.

Hơn nữa, Lý Quang Diệu có tầm nhìn tiếng Anh sẽ là một ngôn ngữ toàn cầu của thương mại, khoa học và ngoại giao, khiến đây trở thành lựa chọn khôn ngoan để định vị Singapore như một trung tâm quốc tế trong tương lai.

Chính sách giáo dục song ngữ (BEP): Đảm bảo bản sắc, nâng cao năng lực

Nền tảng của chiến lược ngôn ngữ của Singapore là chính sách giáo dục song ngữ (Bilingual Education Policy- BEP), được đưa ra vào năm 1966, chỉ một năm sau khi nước này giành độc lập.

“Chúng tôi biết rằng nếu thực hiện các chính sách như những người hàng xóm của mình, chúng tôi sẽ không thể tồn tại”, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu nói với tờ New York Times vào năm 2007.

"Nếu chỉ nói một ngôn ngữ mẹ đẻ, chúng tôi sẽ không phát triển được. Chỉ nói một ngôn ngữ là tiếng Anh cũng sẽ là một trở ngại. Chúng tôi sẽ mất đi bản sắc văn hóa, sự tự tin thầm lặng về bản thân và vị trí của mình trên thế giới", Lý Quang Diệu viết trong hồi ký của mình.

Chính sách giáo dục song ngữ của Lý Quang Diệu độc đáo ở chỗ chỉ định tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất của Singapore và tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ thứ hai. Tiếng mẹ đẻ của học sinh được xác định bởi nguồn gốc dân tộc của họ. Tiếng Anh là phương tiện được sử dụng để giảng dạy tại trường học và bắt buộc từ cấp tiểu học. Tiếng mẹ đẻ là một trong những môn học được giảng dạy.

Phương pháp giáo dục song ngữ được thiết kế để đạt được một số mục tiêu: Đảm bảo sự gắn kết quốc gia thông qua một ngôn ngữ chung, bảo tồn bản sắc văn hóa thông qua giáo dục tiếng mẹ đẻ và trang bị cho người trẻ những kỹ năng cần thiết để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.

Đồng thời, giáo viên được đào tạo nghiêm ngặt về trình độ tiếng Anh và chương trình giảng dạy được xây dựng cẩn thận để phát triển trình độ thành thạo cả tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ. Nền giáo dục đặt ra các tiêu chuẩn cao và kết quả có thể đo lường được, với các đánh giá thường xuyên để đảm bảo rằng học sinh đạt được trình độ thành thạo cần thiết.

Chiến lược ngôn ngữ cấp quốc gia: Đặt nền tảng cho thành công

Việc tiếp xúc sớm và liên tục với tiếng Anh từ năm 1965 đã đặt nền tảng cho thành công của Singapore về trình độ tiếng Anh.

Năm 2023, Singapore đứng thứ 2 thế giới (sau Hà Lan) và đứng đầu châu Á về trình độ tiếng Anh, theo xếp hạng chỉ số thông thạo Anh ngữ của tập đoàn giáo dục quốc tế Thụy Sĩ EF Education First (EF EPI).

Thủ tướng Lý Quang Diệu đã thành công trong việc khởi xướng chính sách song ngữ (BEP) của quốc đảo Sư Tử.

Thủ tướng Lý Quang Diệu đã thành công trong việc khởi xướng chính sách song ngữ (BEP) của quốc đảo Sư Tử.

Trong một lá thư gửi con trai của Lý Quang Diệu - cựu Thủ tướng Lý Hiển Long, cựu Tổng thống Tony Tan đã nhận định: "Người dân Singapore ngày nay có thể tận dụng lợi thế song ngữ và song văn hóa của chúng ta để nắm lấy các cơ hội xuất hiện trên khắp thế giới".

Lực lượng lao động nói tiếng Anh đã trở thành nguồn lực chất lượng cao của Singapore thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các công ty đa quốc gia ở phương Tây.

Đặc biệt, bằng cách cung cấp một phương tiện giao tiếp chung, tiếng Anh đã giúp thu hẹp khoảng cách khác biệt sắc tộc tồn tại trong nước. Điều này rất quan trọng trong một quốc gia mới thành lập, khi đa dạng sắc tộc là điều dễ dẫn tới xung đột giữa các nhóm khác nhau vốn đang xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới.

Hơn nữa, chính sách song ngữ đảm bảo rằng trong khi tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính trong đời sống công cộng, di sản văn hóa của mỗi nhóm dân tộc được bảo tồn thông qua giáo dục tiếng mẹ đẻ. Cách tiếp cận kép này cho phép Singapore duy trì bản sắc đa văn hóa của mình đồng thời thúc đẩy sự gắn kết xã hội.

Sự thành công của chiến lược này thể hiện rõ trong quỹ đạo kinh tế của Singapore. Đất nước này nhanh chóng trở thành trung tâm tài chính khu vực và toàn cầu, thu hút các tập đoàn đa quốc gia và nhân tài quốc tế.

Việc đưa tiếng Anh vào cấu trúc xã hội Singapore đã định vị quốc gia này là cầu nối văn hóa giữa Đông và Tây, tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của quốc gia này như một nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế toàn cầu.

Kinh nghiệm trong chính sách ngôn ngữ của Singapore

Thứ nhất, cần thiết lập chính sách, chiến lược rõ ràng, dài hạn cho giáo dục tiếng Anh ở cấp quốc gia với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ. Các cấp và các ngành nên tích cực thúc đẩy việc nâng cao trình độ tiếng Anh như một ưu tiên trong chính sách phát triển quốc gia.

Thứ hai, cần giáo dục ngoại ngữ sớm và nhất quán, giới thiệu tiếng Anh bắt đầu từ trường mẫu giáo hoặc tiểu học. Duy trì giảng dạy song ngữ (tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh) đảm bảo bản sắc văn hóa được bảo tồn, đồng thời thúc đẩy sự tham gia toàn cầu.

Thứ ba, đầu tư vào đào tạo giáo viên và nguồn lực, tập trung vào việc nâng cao chất lượng giáo viên tiếng Anh thông qua đào tạo và phát triển chuyên môn. Đồng thời, xây dựng chương trình giảng dạy nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn toàn cầu. Ứng dụng công nghệ, tạo môi trường hỗ trợ khuyến khích sử dụng ngoại ngữ ngoài lớp học.

Tử Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cau-chuyen-nang-cao-trinh-do-tieng-anh-cua-singapore-2312715.html