Singapore muốn trở thành trung tâm tài chính xanh của khu vực
Singapore có kế hoạch tăng đầu tư vào xây dựng một nền kinh tế xanh mới, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong cho biết.
Nhiều năm qua, Singapore đã nỗ lực đối phó với tình trạng nước biển dâng và các thiệt hại môi trường.
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về phát triển do đài CNBC tổ chức, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong đánh giá, tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu đang gây ra những mối đe dọa, nhưng cũng kiến tạo các cơ hội mới về phát triển bền vững.
"Chúng tôi đang đầu tư vào năng lượng tái tạo. Chúng tôi đầu tư vào các công nghệ khử cacbon như giải pháp lưu trữ hydrogen và carbon. Và chúng tôi cũng đang xem xét việc xây dựng Singapore trở thành một trung tâm của khu vực khi nói về tài chính xanh", Bộ trưởng Wong cho biết.
Nhiều năm qua Singapore đã nỗ lực đối phó trước tình trạng nước biển dâng và các thiệt hại môi trường khác. Hầu hết lãnh thổ Singapore cao không quá 15 m so với mực nước biển trung bình, trong đó khoảng 30% diện tích thấp hơn 5 m so với mực nước biển trung bình. Mực nước biển tăng lên do biến đổi khí hậu gây ra đều có thể là mối đe dọa tức khắc đến "quốc đảo sư tử" này.
Về các tiêu chí áp dụng trong đầu tư xanh, Bộ trưởng Wong cho biết Singapore đang xem xét một loạt các nội dung khác nhau. "Chúng tôi có thể xem xét một số tiêu chí như mật độ carbon, hiệu quả sử dụng năng lượng, và một loạt các chỉ số giúp chúng tôi đảm bảo rằng các khoản đầu tư mà chúng tôi đang thực hiện là những khoản đầu tư xanh thực sự", ông Wong nói thêm.
Tập đoàn đầu tư vốn nhà nước Singapore Temasek trong năm nay đã cùng với Công ty quản lý tài sản BlackRock cam kết đầu tư 600 triệu USD vào các doanh nghiệp nhằm giảm lượng phát thải carbon.
Tháng trước, Ngân hàng lớn nhất châu Á DBS Group đã cùng Standard Chartered, Temasek, và nhà điều hành thị trường chứng khoán Singapore Exchange thiết lập một sàn giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu mới có trụ sở tại Singapore.
Chính phủ các nước và các công ty tư nhân đã đề ra các mục tiêu giảm phát thải carbon đầy tham vọng để ngăn chặn một thảm họa khí hậu khi mực nước biển và nhiệt độ trái đất tăng lên. Trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các quốc gia đã cam kết nỗ lực "hạn chế nhiệt độ trái đất tăng thêm dưới 2 độ C và tốt nhất là 1,5 độ C, so với mức nhiệt thời kỳ tiền công nghiệp".