Singapore tăng tốc tiêm chủng toàn dân, không bỏ rơi nhóm yếu thế

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vì sự xuất hiện của biến thể Delta, Singapore đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, hướng đến mục tiêu tăng tỷ lệ người dân được tiêm vaccine.

Trong bối cảnh những ca nhiễm biến thể Delta (nguồn gốc từ Ấn Độ) được phát hiện trong cộng đồng, Singapore lựa chọn đẩy nhanh chiến dịch tiêm ngừa vaccine cho người dân, để vừa tăng khả năng kiểm soát dịch bệnh, vừa tạo cơ sở sớm mở cửa đất nước và khôi phục kinh tế.

Trong giai đoạn đầu tiên, Singapore chú trọng ưu tiên tiêm vaccine cho nhóm người cao tuổi, nhân viên y tế, những người làm việc ở tuyến đầu và những người có nguy cơ mắc bệnh cao.

Bước sang giai đoạn mới trong cuộc chiến chống dịch, ưu tiên hàng đầu của chiến dịch tiêm chủng ở Singapore là bảo vệ càng nhiều người, và càng sớm càng tốt.

Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung khẳng định vấn đề cấp bách hiện nay là đẩy mạnh tiêm chủng, theo Straits Times.

Ông Ong cho biết việc tiêm vaccine, chỉ với liều đầu tiên, đã có thể tạo ra lớp bảo vệ ngăn virus SARS-CoV-2 thâm nhập cơ thể.

Thậm chí, ngay cả khi mắc bệnh dù đã được tiêm, tình hình của người bệnh sẽ ít nghiêm trọng hơn. Người được tiêm vaccine cũng giảm khả năng truyền virus sang người khác.

Trên cơ sở đó, Singapore áp dụng các giải pháp đồng bộ và rộng khắp trong thời gian qua, nhằm đảm bảo hai mục tiêu chiến lược: Mở rộng năng lực tiêm chủng và mở rộng đối tượng tiêm chủng.

 Tốc độ Singapore có thể trở về cuộc sống trước dịch dựa trên số dân được tiêm vaccine. Ảnh: Today Online.

Tốc độ Singapore có thể trở về cuộc sống trước dịch dựa trên số dân được tiêm vaccine. Ảnh: Today Online.

Mở rộng năng lực tiêm chủng

Để tối đa hóa hiệu quả của chương trình tiêm chủng, khả năng tiếp cận của người dân và nguồn cung vaccine là yếu tố được chính phủ Singapore quan tâm hàng đầu.

Ngày 9/6, Bộ Y tế Singapore cho phép người dân được tiếp cận vaccine thông qua khu vực tư nhân. Theo quy định mới, cơ sở y tế tư nhân có thể nhập khẩu và tự đa dạng hóa chủng loại vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt.

Ngoài Pfizer/BioNTech và Moderna theo chương trình tiêm chủng quốc gia, người dân Singapore có thể lựa chọn tiêm vaccine của Johnson & Johnson, AstraZeneca và Sinopharm, khi các vaccine này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL), với điều kiện tuân thủ các chỉ định và yêu cầu về nhóm tuổi.

Ngày 2/6, nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng toàn dân, Singapore cũng cho phép sử dụng Sinovac thông qua quy định của Lộ trình Tiếp cận Đặc biệt (SAR), dù loại vaccine này vẫn chưa được Bộ Y tế Singapore phê duyệ̣t trong chương trình tiêm chủng quốc gia.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Ong cho biết Singapore đã ký các thỏa thuận đặt mua vaccine Novavax của Mỹ - loại vaccine dựa trên cơ chế hoạt động của protein - từ tháng 1 năm nay.

Nhằm đảm bảo nguồn cung không bị thiếu hụt, đại diện Bộ Y tế nói quá trình chuyển giao sẽ được thực hiện chậm nhất là vào cuối năm.

 Vaccine Novavax - loại vaccine dựa trên cơ chế hoạt động của protein. Ảnh: Reuters.

Vaccine Novavax - loại vaccine dựa trên cơ chế hoạt động của protein. Ảnh: Reuters.

Ngày 24/6, sau khi cơ quan y tế của Singapore làm việc để rút ngắn tiến độ nhập khẩu vaccine, ông Ong thông báo sẽ đẩy mạnh chương trình tiêm chủng quốc gia.

Theo đó, từ ngày 26/6, các cơ sở y tế sẽ nâng tốc độ tiêm chủng lên đến 80.000 liều/ngày, tăng 70% công suất so với mức 47.000 liều/ngày trước đó.

Thông qua việc tăng tốc chương trình tiêm chủng, ông Ong nói sẽ có thêm khoảng 500.000 người được đăng ký tiêm mũi đầu tiên trong những ngày sau đó.

Tính đến ngày 4/7, Singapore đã tiêm hơn 5,7 triệu liều vaccine. Trong số hơn 3,6 triệu người (63,3% dân số) được tiêm, khoảng 2,1 triệu trường hợp (38,1% dân số) đã tiêm đủ hai liều, theo dữ liệu từ Bộ Y tế Singapore.

Mở rộng đối tượng tiêm chủng theo lộ trình

Ngay từ tháng 2, người dân trên 60 tuổi là đối tượng được tiêm vaccine trước tiên. Sau đó, chương trình mở rộng cho nhóm 45-59 tuổi.

Đến giữa tháng 5, những người từ 40 đến 44 tuổi đã có thể tiêm chủng. Từ ngày 2/7, chương trình tiêm vaccine bắt đầu với phần còn lại của dân số Singapore, bao gồm những người ở độ tuổi từ 12 đến 39.

Trong lộ trình mở rộng nhóm tuổi tiêm vaccine, chính quyền Thủ tướng Lý Hiển Long còn áp dụng những biện pháp bổ trợ, tạo bàn đạp thúc đẩy tiến độ tiêm chủng cho các đối tượng cần hỗ trợ.

Đối với các em học sinh, hôm 1/6 Singapore cho phép khoảng hơn 310.000 em được đăng ký tiêm chủng sớm.

Đến ngày 23/6, nước này công bố khoảng 297.000 học sinh (khoảng 96% số học sinh được đăng ký tiêm chủng) sẽ được tiêm liều vaccine đầu tiên, trước khi các trường học mở cửa trở lại vào ngày 28/6.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cho biết người trên 60 tuổi có thể thực hiện tiêm vaccine tại tất cả các trung tâm mà không cần đăng ký trước.

Nỗ lực trên nhằm thúc đẩy khoảng 1/4 công dân Singapore từ 60 tuổi trở lên vốn chưa được tiêm, hoặc chưa đăng ký tiêm vaccine, nhanh chóng đến các địa điểm tiêm trên cả nước.

 Phụ nữ mang thai có thể đăng ký tiêm vaccine theo chương trình của nhà nước. Ảnh: ST File.

Phụ nữ mang thai có thể đăng ký tiêm vaccine theo chương trình của nhà nước. Ảnh: ST File.

Không chỉ vậy, Singapore cũng dành sự quan tâm đến các nhóm khác trong xã hội, vốn dễ tổn thương do tác động của Covid-19, như phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh ung thư.

Từ ngày 4/6, Bộ Y tế Singapore cho phép phụ nữ mang thai ở nước này đăng ký tiêm chủng sớm. Đến hôm 8/6, một số trường hợp đầu tiên được tiêm những mũi vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna.

"Hiện không có bằng chứng cho thấy vaccine Pfizer/BioNTech hay Moderna có thể gây nguy hại cho thai phụ và thai nhi", Lực lượng Chuyên trách Liên bộ (MMF) ứng phó với Covid-19 của Singapore, cho biết.

Nhóm đối tượng khác cũng được chính quyền Singapore quan tâm là những bệnh nhân ung thư.

Theo đó, các bệnh nhân đang trải qua điều trị hóa trị, xạ trị hoặc các liệu pháp miễn dịch trong ba tháng, hay dự định tiến hành trong hai tháng tiếp theo, có thể đăng ký tiêm chủng tại tất cả các trung tâm tiêm chủng trên cả nước.

Singapore cũng hỗ trợ tối đa với các cá nhân đủ điều kiện và có nhu cầu tiêm chủng nhưng không thể ra ngoài.

Với những người này, Bộ trưởng Ong nói thông qua đường dây nóng, các đội tiêm chủng lưu động (gồm một bác sĩ, bốn y tá và ba nhân viên giám sát) sẽ đến từng nhà để thực hiện công việc.

Vaccine sẽ lấy từ các trung tâm tiêm chủng gần nhất và bảo quản trong điều kiện thích hợp.

“Quá trình này sẽ được thực hiện một cách cẩn trọng, để đảm bảo (việc tiêm chủng) an toàn và thuận tiện”, ông Ong khẳng định.

 Chương trình tiêm chủng nhà nước sẽ được mở rộng đến đối tượng 12 -15 tuổi. Ảnh: Ong Wee Jin.

Chương trình tiêm chủng nhà nước sẽ được mở rộng đến đối tượng 12 -15 tuổi. Ảnh: Ong Wee Jin.

Chất lượng là yếu tố hàng đầu

Trong thời gian qua, với mục tiêu tăng tỷ lệ người dân được tiêm vaccine - ít nhất là một liều, chiến dịch tiêm chủng của Singapore đạt được những thành tựu bước đầu.

Chính phủ Singapore xác định yếu tố chất lượng vẫn phải luôn song hành với khía cạnh số lượng, nhất là khi vaccine buộc phải chạy đua với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.

Singapore đang nỗ lực để đạt mục tiêu ít nhất 2/3 dân số được tiêm liều vaccine đầu tiên vào đầu tháng 7.

Ngoài ra, quốc gia này cũng hướng tới cột mốc 2/3 dân số có thể hoàn thành chương trình tiêm chủng vào thời điểm quốc khánh 9/8 năm nay.

Nếu việc cung cấp vaccine thực hiện đúng tiến độ, đa số người dân Singapore có nhu cầu tiêm chủng sẽ hoàn thành liều vaccine đầu tiên vào nửa cuối tháng 7.

Khi mục tiêu tiêm chủng hoàn thành, Bộ Y tế Singapore cho biết sẽ xem xét rút ngắn thời gian chờ giữa hai lần tiêm.

Theo đó, thay vì phải đợi từ 6-8 tuần như hiện tại, người dân có thể tiêm liều vaccine thứ hai chỉ sau 4 tuần.

Trước đây, với tinh thần bảo vệ càng nhiều người dân càng tốt, chính phủ Singapore chủ động kéo dài thời gian giữa hai lần tiêm, để ưu tiên hoàn thành mũi đầu tiên cho đa số người dân.

“Khi mục tiêu hoàn thành, người dân không cần phải chờ từ 6-8 tuần để được tiêm mũi thứ hai, (vì điều này) có thể kéo dài đến tận tháng 8 hoặc lâu hơn”, ông Ong, đồng chủ trì Lực lượng Chuyên trách Liên bộ (MMF) ứng phó với Covid-19, cho biết.

Khi ngày càng nhiều ý kiến cho rằng nên tiếp cận và điều trị Covid-19 như bệnh cúm mùa, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong nói Singapore "rất cẩn thận” lựa chọn một hướng đi mới, trên cơ sở “đánh giá kỹ lưỡng về tình hình hiện tại".

Kết hợp với những biện pháp y tế cộng đồng và phòng ngừa cá nhân, nỗ lực trên không chỉ tạo cơ hội bảo vệ người dân Singapore tốt hơn, mà còn giúp Singapore từng bước hiện thực hóa mục tiêu “bình thường mới” của Thủ tướng Lý Hiển Long, khi “giữ cho cộng đồng được an toàn, đồng thời chấp nhận rằng thỉnh thoảng một số người vẫn có thể bị nhiễm bệnh”.

Ông Ong cũng cho biết hiện Singapore bảo đảm nguồn cung vaccine và đang hướng tới mục tiêu hoàn thành mũi tiêm đầu tiên cho tất cả công dân đủ điều kiện, trước ngày quốc khánh Singapore 9/8.

Kỳ Sơn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/singapore-tang-toc-tiem-chung-toan-dan-khong-bo-roi-nhom-yeu-the-post1236421.html