Sinh con quá muộn sẽ gặp những vấn đề gì?
Trong Quyết định số 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 'Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030' có nội dung khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi nhằm đảm bảo sức khỏe. Vậy, sinh con quá muộn sẽ gặp những vấn đề gì?
Bác sỹ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông và Giáo dục, Tổng cục Dân số-KHHGĐ, Bộ Y tế cho biết: Qua nhiều nghiên cứu, các hiệp hội sản phụ khoa trên thế giới cũng đã khẳng định độ tuổi tốt nhất để sinh con của phụ nữ là trong khoảng từ 20 đến dưới 35 tuổi. Ở độ tuổi 20-24, phụ nữ dễ thụ thai nhất. Sau đó, khả năng thụ thai giảm dần, ở mốc 35 tuổi trở đi bắt đầu giảm mạnh. Đến khi bước sang tuổi 45, rất ít phụ nữ có thể thụ thai một cách tự nhiên.
Bên cạnh khả năng thụ thai, phụ nữ càng lớn tuổi sinh con càng đối diện nguy cơ cao gặp biến chứng trong thai kỳ như tiểu đường, cao huyết áp…; nguy cơ sảy thai. Đặc biệt, nguy cơ con chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo tuổi của mẹ, do mẹ càng lớn tuổi thì khả năng các nhiễm sắc thể ở trứng dính vào nhau càng cao, dẫn đến các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể cho thai nhi như hội chứng Down, Edwards…
Mang thai sau 35 tuổi có thể có nhiều khó khăn và nguy cơ cho cả mẹ và bé. Trên thực tế, các bác sĩ thường lo ngại những vấn đề sau đây đối với những phụ nữ sinh con muộn: Phụ nữ lớn tuổi thường có sẵn nhiều vấn đề bệnh lý hơn so với phụ nữ trẻ, chẳng hạn như huyết áp cao dễ dẫn tới nguy cơ tiền sản giật.
Nếu bạn lớn hơn 35 tuổi, bạn cũng dễ bị tăng huyết áp hoặc các rối loạn khác trong khi mang thai. Nguy cơ mắc tiểu đường hay tiểu đường thai kỳ cũng gia tăng theo tuổi mà các bạn đều biết những biến chứng của tiểu đường trong thai kỳ đã đề cập rất nhiều biến chứng đe dọa trực tiếp đến tính mạng người mẹ và sức khỏe của bé.
Với những phụ nữ kết hôn muộn thường có bệnh huyết áp cao hoặc hội chứng cao huyết áp sẽ đưa đến những nguy cơ bao gồm các vấn đề về nhau thai và sự phát triển của bào thai. Đồng thời, có tỷ lệ không nhỏ phụ nữ kết hôn muộn bị bệnh tiểu đường, bệnh này gây ảnh hưởng đến thai kỳ như họ sẽ có nguy cơ sinh con dị tật bẩm sinh cao hơn. Những nguy cơ do huyết áp cao cũng tăng lên như sẩy thai và hội chứng trẻ sơ sinh khổng lồ, tình trạng khi bào thai phát triển quá lớn.
Cùng đó, phụ nữ lớn tuổi có nhiều nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh do thiếu, thừa hay tổn thương nhiễm sắc thể tăng lên. Vì vậy, cần xét nghiệm cần thiết theo hướng dẫn của chuyên môn để phát hiện dị tật bẩm sinh ngay khi bé còn trong bụng mẹ.
Mục đích của các xét nghiệm sàng lọc là đánh giá xem nguy cơ các rối loạn di truyền của trẻ sinh ra là cao hay thấp và cần được chỉ định ở tất cả các thai phụ… Trong khi đó, các xét nghiệm chẩn đoán sẽ xác định xem đứa bé có thực sự bị rối loạn di truyền đó hay không. “Không phải tất cả các khiếm khuyết di truyền và rối loạn nhiễm sắc thể đều có xét nghiệm chẩn đoán mà chỉ một vài trường hợp mà thôi’, bác sỹ Phương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, phụ nữ lớn tuổi có dễ sinh đôi, sinh ba (hay còn gọi là mang đa thai) cao hơn phụ nữ trẻ. Một số biện pháp điều trị vô sinh dẫn tới tăng nguy cơ mang đa thai. Và như vậy, đa thai có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng như sinh non, tiền sản giật, các vấn đề về sự phát triển của bào thai và tiểu đường thai kỳ. Nguy cơ và độ nặng của bệnh tăng lên theo số đứa bé được mang.
Mặt khác, phụ nữ lớn tuổi khi chuyển dạ sinh có thể gặp nhiều nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh non. Những đứa trẻ sinh non có thể có những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trước mắt và cả về lâu dài. Ngoài ra, nguy cơ thai lưu (thai chết trong tử cung) cũng cao hơn ở những phụ nữ trên 35 tuổi.
Phụ nữ độ tuổi 30 thường được chỉ định mổ lấy thai hơn phụ nữ ở tuổi 20. Mổ lấy thai cũng có nhiều nguy cơ như các cuộc phẫu thuật lớn ở các cơ quan khác. Những nguy cơ bao gồm nhiễm trùng, tổn thương các cơ quan như ruột hay bàng quang và phản ứng với thuốc gây tê hoặc thuốc gây mê. Những vấn đề này chỉ xảy ra với một số ít phụ nữ và thường có thể được xử lí dễ dàng.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/sinh-con-qua-muon-se-gap-nhung-van-de-gi-192592.html