'Sinh con ra rồi, không có tên, không có họ, không biết thuộc dạng gì?'
Đây là thắc mắc, trăn trở của Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn về tình trạng các Bộ, ngành và cơ quan chức năng chậm xây dựng các văn bản quy định về như thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam. Chính vì không có chính sách, quy định, khiến lực lượng chức năng khó xử lý.
Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2019 của Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (Ban Chỉ đạo về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại) tại Hà Nội sáng 9/1, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã nêu hàng loạt vấn đề tồn tại trong hệ thống các quy định liên quan đến hàng hóa xuất xứ có nguồn gốc tại Việt Nam, cùng với sự chồng chéo chính sách.
Theo ông Cẩn, thời gian qua, các vụ việc giả mạo hàng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu, tiêu thụ trong nước gia tăng, diễn biến phức tạp, lực lượng hải quan đã vào cuộc xử lý nhiều vụ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là hệ thống chính sách, quy định thiếu, yếu nên khó xử lý nhanh, quyết liệt.
Ví dụ về vụ gian lận của công Asanzo rúng động dư luận năm 2019, ông Cẩn cho biết: Khi được Thủ tướng giao, Hải quan đã làm toàn diện, tổ chức 2 lần họp công khai với các Bộ, ngành liên quan, sau đó báo cáo Thủ tướng về xử lý lỗi của doanh nghiệp.
Thanh tra thuế kết luận, các công ty con của doanh nghiệp này trốn thuế tiêu thụ đặc biệt và đến nay họ đã chấp hành. Tuy nhiên, về các dấu hiệu hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, bên phía cơ quan điều tra đang xác định.
Ông Cẩn cho biết, vụ việc Asanzo kéo dài, không ra được kết quả cuối cùng trong gây tác động xấu đến dư luận và cả doanh nghiệp này.
“Asanzo đang đầu tư mấy trăm tỷ ở dây chuyền công nghệ cao ở TP.HCM, tuy nhiên đang bị đình trệ. Nếu chúng ta sớm di vào cuộc, thống nhất thì sự việc sẽ được xử lý sớm”, ông Cẩn nói.
Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan đề nghị: Hải quan chỉ xử lý thuế và xuất xứ, chúng tôi đã làm xong, còn đề nghị Bộ Công Thương cần đưa ra chính sách, quy định thế nào là hàng Việt Nam.
“Sinh con ra rồi, không có tên, không có họ, không biết nó là dạng gì? Phải có chính sách rõ ràng về “Made in Vietnam” để cho các cơ quan thực thi trách nhiệm không gặp khó”, Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan nói.
Trong báo cáo lên cấp trên, chúng tôi nói rõ hàng Asanzo xuất khẩu theo quy định là vi phạm xuất xứ trong khi đó tiêu thụ trong nước lại không có kết luận, các cơ quan liên quan bỏ trống vì không có quy định nào cả.
Theo ông Cẩn: “Sửa Thông tư thì chỉ 1 trang giấy, một câu, một dòng là xong. Có mỗi thế thôi mà không làm được! Tôi đề nghị thời gian tới các Bộ nên quyết liệt để tháo gỡ cái này”.