Sinh con trước hay đợi nhiều tiền mới sinh?

Ngày nhận lương hàng tháng, người đàn ông 30 tuổi dành ra vài triệu đồng gửi vào tài khoản tiết kiệm. Đây là chi phí anh dành cho vợ mang thai và sinh con.

 Vợ chồng anh Phạm Thành Công lựa chọn sinh thương gia tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) với mức chi phí dự trù 30 triệu đồng. Ảnh: Duy Hiệu.

Vợ chồng anh Phạm Thành Công lựa chọn sinh thương gia tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) với mức chi phí dự trù 30 triệu đồng. Ảnh: Duy Hiệu.

Khi biết tin vợ có thai, anh Phạm Thành Công (30 tuổi, ngụ Long An) liền mở một tài khoản tiết kiệm dành cho việc sinh con. Ngày nhận lương hàng tháng, anh bỏ vài triệu đồng vào tài khoản. Đến khi vợ chuyển dạ, anh đã chuẩn bị được 40 triệu đồng.

Sau khi được nhân viên tư vấn, anh đăng ký cho vợ sinh hạng thương gia ở Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), dự trù chi phí hết khoàng 20-30 triệu đồng. Số tiền tiết kiệm còn lại, anh dùng mua các vật dụng cần thiết như sữa, tả, xe nôi...

"Khéo co thì ấm, lương dù không cao nhưng các chi phí được tính toán phù hợp với điều kiện gia đình sẽ giảm bớt áp lực", anh Công chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Khéo vun vén cho nhiều khoản chi

"Nhiều hay ít, đủ hay thiếu và có đắt đỏ hay không còn tùy thuộc vào lựa chọn dịch vụ của mình. Do đó, không nhất thiết phải có thật nhiều tiền mới sinh con", anh Phạm Thành Công nói.

Hôm 12/3, vợ anh Công chuyển dạ và sinh hạ con trai đầu lòng. Anh Công ngồi cạnh nắm tay vợ, chứng kiến toàn bộ quá trình vợ "vượt cạn" đau đớn trong phòng sinh gia đình trong gói thương gia.

Ở Từ Dũ, chi phí cho một ca sinh thường, không sử dụng dịch vụ giao động từ 3-5 triệu đồng, có sử dụng dịch vụ sẽ vào khoảng 8-15 triệu đồng, cao nhất khoảng 30 triệu đồng.

Bố trẻ 30 tuổi chia sẻ quyết định lựa chọn phòng sinh thương gia để được đồng hành cùng vợ suốt quá trình chờ sinh đến khi sinh là đúng đắn.

Sau hai năm cưới nhau, vợ chồng Lê Thị Ngọc Ngân (32 tuổi, ngụ TP.HCM) đã có con đầu lòng. Cả hai vợ chồng đều làm IT, khối lượng công việc rất lớn nên họ phải lên kế hoạch chi tiết khi có con, phân chia công việc và chi phí rõ ràng.

Chồng Ngân chịu trách nhiệm trả tiền góp mua nhà, còn lương của chị bỏ vào quỹ tiết kiệm sinh con. Với số tiền 100 triệu đồng, Ngân dự định sẽ sinh con ở bệnh viện quốc tế. Tuy nhiên, sau nhiều lần tìm hiểu, người quen giới thiệu và căn nhắc lại chi phí, chị lựa chọn bệnh viện công lập.

Trước sinh, vợ chồng Ngân chuẩn bị nhiều thứ như nôi cũi, máy hút sữa, máy hâm sữa, máy tiệt trùng, quần áo sơ sinh, bồn tắm cho bé, các vật dụng cần thiết khác... khoảng 6-8 triệu đồng.

Trong 9 tháng mang thai, mỗi lần siêu âm và lấy thuốc chị phải trả khoảng 1 triệu đồng. Đến ngày đi sinh, chị lựa chọn phòng thương gia của Bệnh viện Từ Dũ, chi phí khoảng 15 triệu đồng.

Sau sinh, Ngân dự tính sẽ chi khoảng 10-15 triệu cho tiền bỉm sữa, mua sắm thêm các loại gối chống trào, phao tập ngồi, xe tập đi... và hàng chục chi phí ẩn khác.

Bên cạnh đó, tiền tiêm vaccine cho con cũng cần chi khoảng 1-3 triệu đồng. Như vậy, tổng chi phí cho việc có em bé của vợ chồng Ngân sẽ tốn khoảng 40-50 triệu đồng.

 Vợ chồng sản phụ Lê Thị Ngọc Ngân lựa chọn những dịch vụ tốt nhất trong khả năng chi tiêu để chào đón "em bé rồng". Ảnh: Duy Hiệu.

Vợ chồng sản phụ Lê Thị Ngọc Ngân lựa chọn những dịch vụ tốt nhất trong khả năng chi tiêu để chào đón "em bé rồng". Ảnh: Duy Hiệu.

Trong khi đó, vợ chồng Tú Anh, 27 tuổi, ngụ TP Thủ Đức (TP.HCM) lựa chọn theo dõi thai kỳ tại một bệnh viện quốc tế. Mỗi lần khám tốn khoản 3 triệu đồng, có lúc lên đến 11 triệu đồng.

Chị lựa chọn sinh con ở bệnh viện quốc tế, với giá 41 triệu đồng. Do sinh non, em bé phải nằm hồi sức tích cực sơ sinh, chi phí thêm khoảng 35 triệu đồng. Như vậy, tổng chi phí sinh của bà mẹ gen Z này lên đến gần 100 triệu đồng.

"Chúng tôi đã tính toán và vun vén chi phí sinh vừa phải với thu nhập của gia đình. Tôi nghĩ các khoản chi này là hợp lý", Tú Anh chia sẻ.

Nhiều sự lựa chọn

Tại hội nghị Kỷ niệm 62 năm ngày Dân số Việt Nam năm 2023, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết tỷ suất sinh của thành phố đang ở mức báo động, chỉ 1,42 con/mẹ.

Có nhiều yếu tố tác động đến mức sinh thấp, theo ông Phạm Chánh Trung, Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, áp lực kinh tế là lý do lớn nhất đối với những người không dám sinh thêm con. Ngoài ra, sự thay đổi về quan niệm kết hôn và sinh con của người trẻ cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh.

"Áp lực cuộc sống, lo lắng cho tương tai khiến các cặp đôi ngại kết hôn và sinh con", ông Trung cho biết.

Ở các thành phố lớn, có mức sống đắt đỏ như TP.HCM, Hà Nội, để sinh và nuôi con, các cặp đôi đều có một khoảng tiết kiệm. Tuy nhiên, các gia đình vẫn có thể vun vén, cân đối các khoản chi khi lựa chọn những dịch vụ phù hợp với thu nhập.

 Thai phụ tập lăn bóng tại phòng sinh dịch vụ. Ảnh: Duy Hiệu.

Thai phụ tập lăn bóng tại phòng sinh dịch vụ. Ảnh: Duy Hiệu.

Ghi nhận của Tri thức - Znews, kinh phí tùy thuộc vào thai phụ sinh thường hay sinh mổ, sử dụng dịch vụ nào trong quá trình sinh con tại các bệnh viện ở TP.HCM. Nếu sinh con theo diện có bảo hiểm y tế (BHYT), mức chi phí này không quá đắt đỏ, chỉ giao động từ 5-10 triệu đồng.

Tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), chi phí từ khi khám thai đến khi sinh con giao động khoảng 7-9 triệu đồng đối với một ca sinh thường và không sử dụng dịch vụ, nếu sinh mổ sẽ khoảng 9-12 triệu đồng.

Chi phí này nếu có sử dụng dịch vụ sẽ rơi vào khoảng 18-25 triệu đồng. Tuy nhiên, sản phụ có thể lựa chọn từng loại dịch vụ, có thể khám dịch vụ nhưng sinh thường và ngược lại (chi phí chưa trừ BHYT).

Ca sinh thường sẽ nằm phòng hậu sản từ 2-3 ngày, sinh mổ nằm lại 5-7 ngày, giá phòng giao động từ 600.000 đồng đến 4 triệu đồng/ngày.

Mức giá ở Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) cho một ca sinh khoảng 9-12 triệu đồng, chưa tính các chi phí khám thai trước đó. Phòng cho sản phụ nằm lại sau sinh sẽ giao động từ 600.000 đồng đến 3,7 triệu đồng/ngày.

Ở các bệnh viện tư nhân, bệnh viện quốc tế con số này sẽ giao động từ 35- 200 triệu đồng.

Người tham gia bảo hiểm y tế khi sinh con sẽ được bảo hiểm y tế chi trả. Theo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi 2014), sản phụ đi sinh đúng tuyến BHYT sẽ được hưởng 80-100% chi phí khám chữa bệnh (tùy thuộc từng trường hợp).

Mức hưởng bảo hiểm y tế khi sinh con trái tuyến được chi trả 40-100% chi phí, tùy vào đối tượng và tuyến bệnh viện. Những mục nằm ngoài BHYT, sản phụ phải tự chi trả.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Lê Thị Ngọc Ngân cho rằng chi tiêu bao nhiêu cho việc có con phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình, không nhất thiết phải lựa chọn những dịch vụ tốt nhất, đắt nhất.

Tuy nhiên, các cặp đôi nên chuẩn bị một khoảng đủ trả các chi phí cơ bản như khám thai, đi sinh, chăm sóc sức khỏe cho con... khoảng 30-40 triệu đồng, để yên tâm có con.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://znews.vn/khong-doi-luc-nhieu-tien-moi-dam-sinh-con-post1465005.html