Sinh kế để bà con vùng biên giới Mường Lát thoát nghèo

Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Mường Lát đã góp phần giúp cho bà con ở huyện vùng biên giới đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Hà Văn Thắm ở khu phố Na Khà, thị trấn Mường Lát đã đầu tư nuôi bò, phát triển kinh tế.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Hà Văn Thắm ở khu phố Na Khà, thị trấn Mường Lát đã đầu tư nuôi bò, phát triển kinh tế.

Dẫn chúng tôi thăm mô hình kinh tế của hộ gia đình ông Hà Văn Thắm (SN 1966) ở khu phố Na Khà, thị trấn Mường Lát, cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH huyện Mường Lát cho biết, đây là hộ nghèo đã mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế mang lại hiệu quả.

Thấy chúng tôi đến, ông Thắm chuyển phần việc đang làm cho đứa cháu trai rồi vui vẻ cho biết: "Năm nay là vụ sắn đầu tiên gia đình trồng hơn 1 ha, trừ chi phí đầu tư, thu về hơn 14 triệu đồng. Năm sau tôi tính sẽ trồng thêm hơn 1 ha nữa. Đây là cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, cho giá trị kinh tế nên huyện đang khuyến khích bà con trồng”.

Nói về nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện Mường Lát, ông Thắm khẳng định, nhờ nguồn vốn vay mà gia đình đã có cơ hội đầu tư mua bò, mua dê sinh sản để nhân giống. Từ 2 con bò ban đầu, đến nay gia đình ông đã phát triển lên 17 con và hơn chục con dê. Mỗi năm bán bò, bán dê cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Số tiền trên được ông quay vòng đầu tư trồng sắn, trồng luồng và đào ao thả cá.

Cũng nhờ nguồn vốn vay từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện, gia đình anh Hà Văn Mắn (29 tuổi) ở bản Poọng, xã Tam Chung đã đầu tư nuôi bò, trồng cây ăn quả, cho nguồn thu nhập ổn định.

Từng là hộ bị cơn lũ lịch sử năm 2018 cuốn trôi nhà cửa, vật dụng, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, 3 thành viên gia đình anh Mắn được hỗ trợ đến khu tái định cư. Bên cạnh đó, vợ chồng anh còn được cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Mường Lát hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi từ chương trình giải quyết việc làm, với mức vay 100 triệu đồng. Có vốn, anh Mắn đã mua 2 cặp bò, 2 cặp dê sinh sản, cũng như đầu tư phủ xanh đất đồi bằng cỏ voi, ngô, chuối... làm nguồn thức ăn tự nhiên.

Từ cặp bò ban đầu đến nay đã sinh sản, phát triển thành 13 con, đàn dê cũng tăng lên 30 con. Không dừng lại ở việc phát triển chăn nuôi, anh Mắn còn đầu tư trồng thêm các loại cây ăn quả như xoài, nhãn, vải... Tính trung bình mỗi năm, anh Mắn thu về cả trăm triệu đồng.

Trưởng bản Poọng Vi Văn Thuật vui mừng khi đánh giá vai trò của nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH: Nhờ nguồn vốn vay mà nhiều hộ dân trong bản đã đầu tư các mô hình chăn nuôi bò, dê sinh sản đem lại thu nhập ổn định. Có thời điểm cả bản số lượng bò lên tới gần 500 con; dê lên đến cả nghìn con.

Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Mường Lát Nguyễn Đức Thượng cho biết: Việc thực hiện hỗ trợ đầu tư tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện đã giúp cho 2.797 lượt hộ được vay vốn, với số tiền 146,3 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng CSXH đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 56,18% năm 2022 xuống còn 47,71% năm 2023.

Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát Triệu Minh Xiết cho biết, những năm qua thông qua nguồn vốn của Ngân hàng CSXH đã góp phần giúp hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn huyện vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập vươn lên thoát nghèo.

Bài và ảnh: Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/sinh-ke-de-ba-con-vung-bien-gioi-nbsp-muong-lat-thoat-ngheo/30102.htm